TTC – Các bà mẹ khi đi siêu âm được bác sĩ ghi “suy dinh dưỡng bào thai” và khuyên nên bồi dưỡng. Về nhà các cụ lại bảo “thai nhỏ dễ sinh”, ăn thua là nuôi tốt nó sẽ lớn. Nên không? Thưa không, bởi khi trong bụng mẹ, bé đã phát triển chiều cao.
Dinh dưỡng tiền dậy thì
Ba giai đoạn phát triển chiều cao
Bình thường bé ra đời có chiều dài từ 48-50cm. Nhỏ hơn 47cm tức là bé đã mất cơ hội tăng trưởng thứ nhất.
Tiếp đến là từ sơ sinh đến 2 tuổi. Lúc này nếu ăn uống đủ chất thì xương dài, răng sữa mọc đủ 20 cái. Các nhà khoa học tính rằng: chiều cao khi trưởng thành = chiều cao lúc 2 tuổi x 2. Như vậy khi 2 tuổi bé cao 85cm thì khi 18 tuổi trẻ sẽ cao 1m70. Nếu trong giai đoạn này bé bị suy dinh dưỡng hoặc rơi vào hội chứng biếng ăn thì bé mất cơ hội tăng trưởng thứ hai.
Thời kỳ tăng trưởng thứ ba rất quan trọng nhưng thường bị cha mẹ lơ là bởi họ coi là con “đã đi học, đã lớn”. Đó là giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Đây là thời kỳ hệ nội tiết hoạt động mạnh với sự xuất hiện của hormone sinh dục nên trẻ vừa tăng chiều cao, bề ngang, lại có rất nhiều biến động tâm sinh lý để chuẩn bị trở thành người lớn.
Ăn thế nào cho cao?
Theo các nhà dinh dưỡng thì trẻ ở giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì cần ăn mỗi ngày chừng 2.200-2.400 calo tương đương với người trưởng thành. Có 3 vị “nòng cốt” làm nên hình hài của chúng ta: Bộ khung quan trọng là chất đạm. Nó giúp phát triển cơ xương nên lượng đạm phải cao hơn người trưởng thành. Chất đạm chiếm 15% năng lượng.
Ăn khoảng 200-300g thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu hũ sẽ có 80g đạm (ưu tiên ăn cá thay vì thịt). Vị thứ hai có hình thù tròn trịa, bóng nhẫy chứa năng lượng dồi dào là chất béo. Chúng hòa tan vitamin A,D,E,K rất cần cho sự phát triển của trẻ. Chất béo nên chiếm 20-25% tức là 50-60g/ ngày. Nói đến béo là bà con mình nghĩ đến thịt.
Tuy nhiên mỡ thịt chứa acid béo no nên chỉ nên ăn lượng vừa phải, còn lại nên dùng dầu thực vật, mỡ cá. Vị thứ ba là chất bột đường, là chất cung cấp năng lượng chính chiếm 60-70% số calo cần thiết. Trẻ cần ăn mỗi ngày chừng 300-400g gạo, có thể thay bằng mì, bắp, khoai.
Chưa đủ, ngoài ra còn các “vai phụ” nhưng không thể thiếu, đó là:
– Canxi: Trong giai đoạn này trẻ cần mỗi ngày 1.300mg canxi cho sự tăng trưởng của xương. Nên duy trì mỗi ngày 2 ly sữa, có thể thay bằng yaourt, phomai. Nếu trẻ thừa cân nên dùng sữa tách bơ. Trẻ ở nông thôn nên bổ sung canxi bằng món cua đồng, cá vụn ninh nhừ ăn cả xương.
– Vitamin D (400 đơn vị/ngày). Vitamin D giống như xe tải chở canxi đến xương để hấp thu. Tốt nhất là tắm nắng buổi sáng để ánh nắng giúp chuyển tiền vitamin D dưới da thành vitamin D. Thiếu canxi trẻ thường than bị vọp bẻ, nhức trong xương.
– Chất sắt: Mỗi ngày cần 18mg. Sắt có trong thịt, cá, rau xanh (rau muống, rau ngót). Thiếu sắt trẻ sẽ bị thiếu máu nhược sắc (da xanh, mệt mỏi, buồn ngủ, hay quên).
– Iode: Nhu cầu cần 15 microgam/ngày. Iode có trong hải sản và hiện nay ta đang vận động sử dụng muối iode. Thiếu iode trẻ sẽ chậm lớn, kém thông minh.
– Rau củ quả: Cung cấp một lượng vitamin, chất xúc tác cho quá trình chuyển hóa. Lượng rau, củ, quả mỗi ngày từ 300- 500g. Trong rau, củ, quả có vitamin A cần thiết cho phát triển cơ bắp, tăng sức đề kháng và làm đẹp da. Vitamin C tham gia phản ứng oxy hóa khử, cần thiết cho tổng hợp collagen, vitamin C lại tăng cường hấp thu chất sắt. Các nhu cầu vitamin nhóm B, axit folic… cũng cao do cần thiết cho chuyển hóa năng lượng.
Có thư của một bé gái 11 tuổi hỏi rằng: “Mẹ con bảo con ngưng lớn vì không chịu ăn rau, có đúng không?”. Hoàn toàn đúng, đừng coi vitamin trong rau, củ, quả là “diễn viên phụ” bởi chúng tham gia xúc tác cho quá trình chuyển hóa “ba vị nòng cốt” trên. Thiếu chúng, tốc độ lớn sẽ chậm lại và cơ hội tăng trưởng thứ ba bị bỏ lỡ.
Đối với các bé gái, tăng trưởng trong giai đoạn tiền dậy thì rất quan trọng bởi sau khi có kinh thì estrogen của buồng trứng ức chế sự cốt hóa của sụn đầu xương khiến chiều cao chựng lại. Chúng ta thấy con gái thường thấp hơn con trai dù cùng cha mẹ sinh ra là vì vậy.
Để cao mà không béo phì
Nhiều phụ huynh lại lo: “Con tôi đang thừa cân, vậy ăn làm sao để cao mà không béo phì?” Đương nhiên cha mẹ cần tránh cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm ngọt (nhất là các loại nước ngọt), đặc biệt là buổi tối vì hormone tăng trưởng bị chất ngọt ức chế. Hạn chế thực phẩm giàu chất béo (đặc biệt là chất béo không tốt cho sức khỏe như mỡ, bơ, mayonnaise…).
Hạn chế tối đa fastfood. Không để trẻ vừa ăn vừa xem ti vi, chơi game vì có thể làm trung tâm ăn và trung tâm no không liên hệ được với nhau nên trẻ ăn quá nhiều dẫn đến thừa cân, béo phì. Nên động viên trẻ chơi một môn thể thao như bơi, bóng rổ, bóng chuyền, chạy, cầu lông… Nếu mỗi ngày trẻ vận động 60 phút thì ban đêm hormone tăng trưởng bài tiết tăng gấp 3 lần.
“Con hơn cha là nhà có phúc”. Thế hệ sau cần vươn lên tiến bộ hơn, có chiều cao và trí tuệ hơn thế hệ trước. Vì thế mỗi bậc cha mẹ hãy là một nhà dinh dưỡng giúp con cháu phát triển ngày càng tốt hơn.
Bác sĩ TỊT TUỐT
Tuổi Trẻ Cười số 437 (01-10-2011) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Source: Báo Tuổi Trẻ