Bé 10 tuổi thiết kế website Trò chơi dân gian Việt Nam

Nguồn gốc, cách chơi, những hình ảnh đặc sắc về 22 trò chơi dân gian ở khắp vùng miền Việt Nam được tái hiện lại trong công trình độc đáo của một cậu bé mới học lớp 5, Nguyễn Kỳ Anh.

Nguyễn Kỳ Anh.
Nguyễn Kỳ Anh.

Tiếp xúc với máy tính hơn một năm nay và mỗi ngày ngồi trên máy chỉ 2 tiếng, sự ra đời của website Trò chơi dân gian của Nguyễn Kỳ Anh đã khiến nhiều người bất ngờ. Chủ nhân của website này hiện mới là học sinh lớp 5A trường Tiểu học Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Kỳ Anh tự lập hơn so với những bạn cùng lứa tuổi, do phải sống xa bố mẹ từ nhỏ. Em lớn lên trong những câu đồng dao của ông bà nội, rồi từ đó yêu các trò chơi dân gian. Kỳ Anh muốn xây dựng một website để nhiều người biết hơn về những trò chơi này. Từ tháng 5 năm nay, em bắt tay vào hệ thống hóa lại tư liệu và xây dựng nền tảng nội dung cho một trang web riêng về trò chơi dân gian trên Internet.

Sau hai tháng mày mò, em đã dựng xong website Trò chơi dân gian Việt Nam bằng công cụ viết web là HTML và Microsoft Frontpage. Website này có 3 phần: trang chủ, giới thiệu, trò chơi. Hàng loạt trò chơi quen thuộc với trẻ em một thời được thể hiện ở đây: kéo co, ô ăn quan, kéo cưa lừa xẻ, vật cù, đấu vật, cờ người, chọi trâu, chọi gà, đi cà kheo, bịt mắt bắt dê, tập tầm vông, chi chi chành chành, nu na nu nống…, kèm theo các bài đồng dao.

Kỳ Anh bảo, phần khó nhất khi dựng website là làm clip và tìm thông tin về các trò chơi. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô, em đã tập hợp được đầy đủ thông tin về nguồn gốc, hướng dẫn cách chơi, hình ảnh và video clip minh họa của mỗi trò chơi.

Vừa qua, phần mềm sáng tạo Trò chơi dân gian Việt Nam đã giành giải khuyến khích cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2011”, đồng thời được sự đón nhận của rất nhiều trẻ em và phụ huynh.

Dự kiến tháng 12 này, website Trò chơi dân gian Việt Nam của Kỳ Anh sẽ chính thức ra mắt trên mạng Internet, với sự giúp sức trong thiết kế web, đăng ký tên miền và hosting của một người chú.

Say mê tin học nhưng Kỳ Anh không lơ là việc học. Mỗi ngày em chỉ dành 2 tiếng cho việc tìm hiểu thông tin về thiết kế website trên máy tính, còn lại em dành thời gian để học và làm bài tập trên lớp. Do đó, bốn năm liền Kỳ Anh đều là học sinh giỏi của trường.

“Em muốn làm thêm nhiều trò chơi nữa trong thời gian tới”, Kỳ Anh bày tỏ và cho biết, lớn lên em sẽ học về đồ họa, thiết kế website tại Đại học FPT.

Hiệu Phó Đại học FPT Nguyễn Xuân Phong, sau buổi tới thăm và tìm hiểu về Nguyễn Kỳ Anh, đã đánh giá: “Đây là một bạn trẻ rất thông minh và có tư chất tốt. Em có thể làm được ngay một số thứ tương đối phức tạp chưa bao giờ được nghe tới chỉ qua một lần hướng dẫn”.

“Điều lạ là em đã có niềm đam mê công nghệ thông tin rõ rệt mặc dù không ở trong môi trường gia đình có liên quan đến ngành này. Đáng quý nhất ở Kỳ Anh là đã hình thành khả năng tự tìm hiểu, tự nghiên cứu rất tốt, không có người hướng dẫn nhưng em tự mua sách về đọc và tìm hiểu thông tin trên Internet, sau đó đã ứng dụng rất thành thục”, ông Phong cho hay.

Với mục tiêu lâu dài tìm kiếm, tập hợp và bồi dưỡng tài năng CNTT, trường ĐH FPT nhận đỡ đầu và định hướng phát triển tiếp theo cho Kỳ Anh. Trước mắt, để bồi đắp thêm niềm đam mê và kiến thức tin học cho Kỳ Anh, Hiệu phó Đại học FPT nói trường sẽ cử cán bộ hoặc sinh viên đến kèm cặp và định hướng cho chủ nhân website Trò chơi dân gian Việt Nam.

Đồng thời, trường sẽ sắp xếp cho Kỳ Anh tham gia học cùng các sinh viên của ĐH FPT một khóa học về lập trình Alice, môn học được coi như nhập môn về lập trình hiện đại do Đại học CMU (Mỹ) phát triển đang được triển khai rộng rãi tại ĐH FPT.

“Nếu Kỳ Anh giữ được niềm đam mê và khả năng như hiện tại thì một suất học tại Đại học FPT sẽ được đảm bảo như mong ước của em. Nếu có được định hướng tốt, chắc chắn sau này cậu bé sẽ phát triển thành một chuyên gia công nghệ thông tin xuất sắc của Việt Nam”, ông Phong khẳng định.

Lâm Thao

Source: Báo VNExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.