Vàm Lũng, ngày trở lại

TTO – Sáng 19-10, Vàm Lũng (Cà Mau) đón đoàn “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển – Học kỳ trên biển” bằng cái nắng chói chang và trời xanh ngắt. Đây là bến cuối cùng của đoàn tàu không số mà đoàn dừng chân trước khi về cảng Cát Lái (TP.HCM).

Vàm Lũng, ngày trở lại

>> Cô Ba Định và trái dừa xuyên biển Đông
>> Cánh buồm xuyên Tây
>> “Học kỳ trên biển” thăm di tích bến Lộc An

Cô Út Lợi cùng cựu binh tàu không số Đỗ Văn Tâm, cựu binh Huỳnh Văn Nửa vui mừng gặp lại nhau dưới tượng đài Vàm Lũng, huyện Ngọc Hiển – Ảnh: T.T.D.

Trong các bến, Cà Mau là nơi tiếp nhận nhiều chuyến tàu không số cập bến thành công nhất.

Nụ cười và đôi mắt rưng rưng của ngày trùng phùng sau hơn 40 năm đã làm rạng rỡ hơn gương mặt của những con người hai miền Nam Bắc. Đưa đôi mắt đã mờ lòa dù mới 63 tuổi, cô giao liên Út Lợi xinh xắn ngày nào giờ đã lấm tấm sợi bạc, đôi mắt đầy vết chân chim tìm những “anh hai” ngày nào.

Các thành viên đoàn hành trình xuống bến Năm Căn sáng 19-10 để di chuyển đến tượng đài Vàm Lũng – Ảnh: T.T.D.

Giữa đám đông gần 150 con người, cô nhận ra “anh hai” Đỗ Xuân Tâm, thủy thủ tàu 69, dù “anh hai” nay đã gần 70 tuổi, mập hơn, trắng hơn và già đi nhiều. Ông Tâm – máy trưởng tàu 69 – bùi ngùi: “Má ngày ấy cũng hơn 60 đúng không Út Lợi? Ngày ấy em chỉ 12, 13 thôi…”.

Ngày 12-1-1969, địch đưa lực lượng trên bảy chiếc tàu chiến vào thẳng Vàm Lũng. Tàu 69 nằm giữa sông. Cuộc chiến đấu ác liệt sau đó đã lấy đi gần hết số chiến sĩ của tàu 69. Nhưng địch vẫn không tìm ra được dấu vết con tàu 69.

Đoàn di chuyển trên những chiếc vỏ đến địa phận huyện Ngọc Hiển, Cà Mau – Ảnh: T.T.D.

Thủy thủ, du kích và người dân đã đưa tàu về ngọn rạch Chim Đẻ, ngụy trang cất giấu trong rừng đước cao hơn 10m. Suốt 10 năm sau đó, địch càn quét nhiều lần nhưng không thể nào tìm ra bất cứ một dấu vết nào của con tàu hay kho tàng vũ khí dù chúng đánh hơi là được cất giấu trong rừng đước.

“Ngày ấy hai mẹ con Út Lợi đã nhường cả con rạch trước nhà, nhường cả ngôi nhà nhỏ như túp lều để giấu tàu, giấu chiến sĩ. Hai mẹ con Út Lợi phải cất một cái chòi cách chỗ giấu tàu chừng 1km để báo động và bảo vệ anh em, bảo vệ tàu. Họ sống chung với súng, đạn, bom mìn, phải ăn trái mắm thay cơm, nước thì chưng cất từng giọt nhưng vẫn kiên trung với cách mạng. Người dân Vàm Lũng còn gan dạ hơn cả quân giải phóng, dám nhường cả con rạch cho một con tàu Bắc Việt ẩn nấp” – ông Đỗ Xuân Tâm nói.

Cựu binh Đỗ Văn Tâm (thành viên tàu năm xưa) xúc động khi về thăm  lại chiến trường xưa – Ảnh: T.T.D.

Còn ông Nguyễn Minh Tâm – máy trưởng tàu 41 – cứ thắc thỏm tìm và hỏi trong đám đông về cô Hai Hoa, Ba Đào bữa nay có đến không. Mặt ông rõ buồn khi nghe những cái lắc đầu. Ngay từ khi tàu còn ở bến K20 (Hải Phòng), ông đã bảo chuyến đi này ông chờ nhất là về Cà Mau. Và muốn gặp lại cô Hai Hoa, cô Ba Đào – hai nữ du kích năm xưa đã nấu cơm cho thuyền ông ăn trong rừng đước. Ông Tâm vẫn còn giữ đôi đũa bằng gỗ đước mà cô Hai Hoa đã cất công ngồi vót tặng “anh hai” khi tàu chuẩn bị về Bắc.

Các thành viên trung đội 4 giải mã trong phần thi Đi tìm dấu tích tàu không số ngay tại nơi cập bến của tàu không số năm xưa ở cửa biển Vàm Lũng – Ảnh: T.T.D.

Bến Vàm Lũng giờ đã khác xưa. Không còn những rừng đước rừng mắm cao ngất. Không có nhà dân đông đúc như bây giờ. Hơn 40 năm quay lại, lần đầu tiên các cựu binh tàu không số mới được nhìn tận mắt Vàm Lũng yêu thương giữa trời xanh mây trắng nắng vàng và trong tâm thế thanh thản như ngày hôm nay. Ngày đó, cả tàu và người đều ẩn giấu trong rừng đước rừng mắm suốt cả ngày lẫn đêm…

Tại đây, Trung ương Đoàn đã trao tặng 60 nhà tình nghĩa (trị giá 360 triệu đồng) và 22 sổ tiết kiệm (tổng trị giá 66 triệu đồng) cho các cựu chiến binh tàu không số hiện đang sống ở Cà Mau. Buổi chiều, các đoàn viên thanh niên tham gia trò chơi “Đi tìm dấu tích huyền thoại”.

Các thành viên đoàn hành trình trong phần thi tìm địa chỉ người chỉ huy tàu không số ngay tại nhà anh hùng LLVT Bông Văn Dĩa – Ảnh: T.T.D.

Đoàn hành trình chia làm năm nhóm đi tìm, giải mật mã và cắm biển dấu tích huyền thoại tại cửa Vàm Lũng nơi tàu không số cập bến, chốt Kiến Ràng nơi cất giấu vũ khí, rạch Giáp Ranh và rạch Thẻo Gà nơi giấu tàu, rạch Chùm Rỗng nơi phá hủy tàu và nơi sinh của thuyền trưởng đầu tiên Bông Văn Dĩa…

MY LĂNG – Ảnh: T.T.D

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.