Chống ùn tắc giao thông bằng những giải pháp cụ thể

(Dân trí) – Chúng ta thường nghe quen các cụm từ “giải pháp tổng thể”; ” giải pháp đồng bộ”… tuy đúng về quan điểm nhưng rất chung chung. Còn giải pháp của nhóm kỹ sư G4 khá cụ thể. Tôi thấy nên ủng hộ họ làm thử giải pháp này” – Trần Hải Ngọc nêu ý kiến. >>  Hiến kế chống ùn tắc giao thông của nhóm kỹ sư G4  >>  Phương pháp “chống tắc” và “giảm ùn” của nhóm kỹ sư G4

Bạn đọc Hoàng Danh Sơn:

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Tôi thấy giải pháp này cũng hợp lý, nhưng đấy là giải pháp xử lý trước mắt và cục bộ như một số bạn đã nêu. Tuy nhiên tôi thấy đây là giải pháp cần thiết và có thể sớm áp dụng. Tôi cũng đề nghị nhóm tác giả xem xét một vấn đề là nếu chắn kiểu này thì có một làn xe chỉ rẽ phải mà không đi thẳng được khi đèn xanh bật, do đó phải có biển báo phân làn trước ngã 4 khoảng vài chục mét. Rất mong nhóm tác giả khắc phục điều này cũng như các vấn đề nảy sinh khi đưa vào áp dụng thử nghiệm.

 

Bạn đọc Vũ Văn Tuấn:

Tôi nghĩ điều quan trọng là phải làm đi thì mới cải tiến giải pháp được, còn không làm mà chỉ nói và bàn thì không có gì làm căn cứ để đánh giá và càng không thể cải thiện tình hình. Vì vậy, nên làm ngay các giải pháp trước mắt là: Điều chỉnh giờ làm việc, phân làn giao thông cho hợp lý, làm barie theo nhóm KS G4; xử phạt nặng những người vi phạm… Biện pháp di rời các trường ĐH, cơ quan, xí nghiệp khỏi nội đô; nâng cấp đường xá làm sau từng bước phù hợp điều kiện cụ thể. Chỉ nói và bàn mà không thực hiện những giải pháp có tính khả thi trước mắt chẳng cải thiện được gì tình hình ùn tắc giao đang làm khổ mọi người và gây nên biết bao lãng phí hằng ngày.

 

 

Giờ giao thông cao điểm ờ Hà Nội

 

Bạn đọc Phạm Ngọc Bảo:

Tôi thấy ý tưởng dùng barie của nhóm G4 rất hay vì đây là biện pháp cưỡng bức tuân thủ đèn tín hiệu giao thông. Tuy nhiên tôi thấy cũng còn khá nhiều vấn đề vì ý thức của người tham gia giao thông đang là quá kém nên sẽ tìm mọi cách để tránh barie này và địa hình cụ thể ở các nút giao thông sẽ gây khó khăn cho việc hình thành barie. Vì vậy, nên tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp để hoàn thiện phương án:

 

 -Có biển báo đèn vàng không được đi tranh thủ sẽ gặp nguy hiểm vì Barie đang di chuyển.

 

 – Nghiên cứu hình thức, kết cấu barie phù hợp nhất để tránh trường hợp dân đâm vào.

 

 – Mật độ giao thông lớn, barie đóng mở tự động, trường hợp có 1 cái ô tô không qua được mà dừng trên đường đóng của barie thì sẽ như thế nào (trường hợp này chắc chắn xảy ra nếu không có biện pháp ngăn chặn khác)

 

 – Với các ngã 4 đều là đường đôi thì việc thực hiện khá đơn giản (như hình vẽ minh hoạ), nhưng không ít các ngã 4 ở HN là đường 2 chiều nên cần tính toán để phân làn trước barie (hiện nay tình trạng người muốn rẽ trái nhưng cứ đứng phía bên phải đường rất phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến người đi thẳng). Đây là vấn đề khó vì đường của ta nhỏ mà nếu không làm việc này thì sẽ xảy ra tình trạng 1 lần mở barie chỉ có vài 3 chiếc ôtô qua được, sẽ gây ùn rất dài.

 

 – Nhóm G4 nên đến ngã 4 Chùa Bộc để xem thêm hình ảnh người đi xe máy đi thẳng trên đường Tây Sơn sử dụng phần đường cho người rẽ phải và cho người đi bộ trên vườn hoa như thế nào để tính toán thấu đáo hơn.

 

 – Với các Ngã 4 phức tạp về địa hình như dốc Đốc Ngữ – Bưởi – Nguyễn Khánh Toàn cần tính toán thật kỹ thời gian đóng mở barie để tránh hiện tương đuôi của dòng người muốn đi vào Ng Khánh Toàn bị ùn lại gây ảnh hưởng đến người muốn đi thẳng trên đường Bưởi… Hiện tại tôi mới chỉ nghĩ được chừng đó mong đóng góp ý kiến đem lại ý nghĩa thực tiễn nào đó.

 

Bạn đọc Nguyễn Văn Giáp:

Muốn chống ùn tắc giao thông trước hết cần điều tra xác định chính xác các nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, từ đó mới tìm được giải pháp, rồi sau cùng là thực hiện. Theo tôi có 4 nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông ở Hà Nội đó là:

 

1- Năng lực lãnh đạo quản lý của các cơ quan công quyền hạn chế. sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng không tốt, chồng chéo, thiếu tập trung, không đồng bộ. Hoạch định chủ trương chính sách xây dựng các giải pháp một cách manh mún không đúng, không trúng.

 

2- Hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật giao thông, phương tiện giao thông công cộng hạn chế không đáp ứng được nhu cầu giao thông. Mặt khác trật tự đường hè không được giữ vững bị lấn chiếm, sử dụng tùy tiện.

 

3- Sự gia tăng dân số của Hà Nội không kiểm soát được (kèm theo đó là sự thiếu kiểm soát việc gia tăng phương tiện giao thông) do các cơ quan xí nghiệp trường học, bệnh viện tập trung ở Hà Nội quá nhiều kéo theo số lượng người đến làm việc, học tập chữa bệnh.. .quá đông. Ý thức của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông, của người đảm bảo, giữ gìn trật tự giao thong đều rất kém.

 

4- Luật pháp không rõ ràng minh bạch. Xử lý các hành vi vi phạm không nghiêm, có khi không bình đẳng. Tệ nạn ăn tiền của CSGT để bỏ qua các lỗi của người tham gia giao thông ngày một gia tăng chưa được đẩy lùi.

 

Từ 4 nguyên nhân chính trên, tôi thấy cần phải có các giải pháp sau:

 

1- Tăng cường năng lực quản lý của các cơ quan công quyền (nhất là những cơ quan liên quan đến giao thông vận tải); nên chăng Chính phủ nên cử hẳn một phó Thủ tướng phụ trách trực tiếp giao thông vận tải (trong một thời gian nếu không làm được nên từ chức). Từ đó tạo ra mối liên kết, đồng bộ và tìm ra các giải pháp hợp lý cho công tác giao thông vận tải.

 

2- Chỉnh trang lại đường hè, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm: cho thuê đường hè, lấn chiếm đường hè. Đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, trang bị thêm , nâng cấp cả con người cũng như phương tiện giao thông công cộng. Hạn chế phương tiện hay gây ùn tắc (xe máy, ô tô cá nhân). Từng khu vực nhất là những nơi tập trung đông người nên quy hoach nơi gửi xe tập trung. 3- Giãn dân ra khỏi nội thành; muốn vậy phải dừng việc xây dựng thêm các văn phòng,nhà cao tầng, các cơ quan trường học ở nội đô. Bên cạnh đó nên di dời các trường học, bệnh viên  về các thành phố vệ tinh, về các tỉnh thành khác.

 

4-Đặc biệt, cần tăng cường giáo dục nâng cao dân trí để mọi người tự giác tham gia giao thông theo đúng luật, có nếp sống văn hoá. Mặt khsc, để tránh “nhờn luật” phải xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội những hành vi vi phạm luật giao thông. Kiên quyết đẩy lùi hành vi ăn tiên của CSGT .

 

Bạn đọc Quốc Cường:

Tôi đang sống ở nước ngoài và thấy rằng thực trạng giao của nước ta so với các nước khác còn bị hạn chế và thua kém khá nhiều. Nói chung các giải pháp đưa ra đều mang tính chất tạm thời, không thể triển khai rộng rãi và đồng bộ được. Cái mấu chốt quan trọng nhất thì vẫn là ý thức người dân mà thôi, bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế (đường hẹp, người đông)…

 

Theo tôi thì để mang tính chất lâu dài, cái đầu tiên là phải thay đổi được ý thức của người dân bằng cách giáo dục,tuyên truyền,quang cáo, đưa các hình ảnh cụ thể đến người dân bằng các phương tiện thông tin đại chúng,giúp dân dễ tiếp thu,dễ hiểu như các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn đang áp dụng. Bên cạnh đó là mở rộng và nâng cấp một số tuyến đường trung tâm. Khi triển khai các dự án làm đường cần tình tới hiệu quả lâu dài chứ đừng tính lợi trước mắt, tiền có đến đâu làm đến đó (ngắn mà to hơn là dài mà hẹp) và một cái nữa là hạn chế các phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng các phương tiện công cộng…nhằm tạo một môi trường giao thông thông thoáng,lành mạnh an toàn và từng bước hiện đại hóa.

 

Bạn đọc Lương Hải:

Xét về mặt ý tưởng thì giải pháp mà nhóm G4 đưa ra chấp nhận được, nhưng xét đến tính khả thi thì cần xem lại. Khó mà thực hiện được. Thứ nhất: làm mất mỹ quan tại các ngã ba, ngã tư. Thứ hai: thời gian đóng mở barie cũng phải mất vài chục giây (quá lâu trong lúc đang tắc đường). Nếu đóng mở nhanh thì lại nguy hiểm cho người đi đường. Thứ ba: Kiểu bố trí barie này rất dễ bị phương tiện giao thông làm hỏng. Thứ tư: Không linh hoạt trong một số trường hợp đặc biệt, do đó vẫn cần có lực lượng tại chỗ. Nếu vậy thì không cần đến barie nữa. v.v.. Có lẽ giải pháp barie tự động chỉ phù hợp với mô hình trò chơi thôi. Dù sao cũng cảm ơn những người có tâm huyết vì cộng đồng.

 

Theo tôi, để giải quyết vấn nạn giao thông thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Về lâu dài, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng (mở thêm đường, làm các đường vượt trên cao để tránh cắt nhau, cầu đi bộ); di dời các trường ĐH ra ngoại thành; nâng cao chất lượng, tăng số lượng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân; xây dựng hệ thống đường tầu điện ngầm,v.v. Trước mắt, cần tăng cường lực lượng CSGT tại các điểm nút; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm giao thông để nâng cao ý thức người dân. Các loại xe tải chở vật liệu xây dựng, container..chỉ được hoạt ban đêm trong thành phố. xử lý nghiêm xe chở vật liệu quá tải, làm bẩn đường, chạy quá tốc độ 40km/h (vì dễ gây tai nạn làm tắc đường).

 

LTS Dân trí – Rất nhiều bạn đọc tham gia ý kiến đóng góp các giải pháp chống ùn tắc giao thông. Điều đó thể hiện ý thức của người dân trước vấn nạn đang xảy ra hằng ngày ở các đô thị lớn ở nước ta.

 

Riêng đối với giải pháp dùng Barie của nhóm kỹ sư G4 cũng được nhiều ý kiến đóng góp về cả ưu điểm và nhiều mặt hạn chế, cần tiếp tục nghiên cứu để nâng cao tính khả thi, nhất là khi gặp những sự cố bất thường xảy ra.

 

Diễn đàn Dân trí xin hoan nghênh những ý kiến đóng góp rất tâm huyết của đông đảo bạn đọc và hy vọng rằng qua đợt thảo luận về chủ đề này, ý thức tham gia giao thông của mọi người đều được nâng cao hơn trước. Đấy chính là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm góp phần thiết thực chống ùn tắc giao thông đang diễn ra hằng ngày hiện nay.

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.