Gần thực tế, ít cọ xát

TT – 71 đề tài ở 11 lĩnh vực đã có những cuộc tranh luận trước hội đồng giám khảo tại vòng chung kết Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 13 năm 2011 vào ngày 12-11.

Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka 2011:

Gần thực tế, ít cọ xát

Nguyễn Đức Long bên chú chim robot – đề tài được Long cùng Võ Tiến Lộc và Lê Quang Tý (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cùng nghiên cứu – Ảnh: nhân vật cung cấp

Euréka 2011 được chính những bạn sinh viên yêu thích nghiên cứu khoa học mổ xẻ.

Thời sự và gần gũi với cuộc sống

Cần mở rộng ra các tỉnh thành

“Trải qua 13 năm, Euréka đã có những bước tiến bộ và trưởng thành đáng kể, tuy nhiên đã đến lúc mở rộng “sân chơi” này cho các bạn sinh viên ở nhiều tỉnh thành cùng tham gia. Ngoài ra, chính các bạn sinh viên cũng cần tăng độ cọ xát với thực tế để những đề tài nghiên cứu của mình có thể ứng dụng, đi vào thực tế”.

GS.TS HỒ ĐỨC HÙNG

Trăn trở trước vấn đề khí hậu đang dần nóng trên toàn cầu, mấy tháng nay nhóm bạn Chí Kiên, Vân Anh, Quốc Hưng và Phương Uyên (ĐH Kiến trúc TP.HCM) mày mò nghiên cứu, sưu tầm tài liệu để tạo ra những công trình kiến trúc nhà ở tiết kiệm năng lượng với những vật liệu thân thiện với môi trường.

“Sổ tay thiết kế kiến trúc hiệu quả năng lượng” được xây dựng như một tài liệu để các kỹ sư, kiến trúc sư có thể tham khảo, áp dụng trong xây dựng các tòa nhà tiết kiệm năng lượng bằng những ví dụ cụ thể chứng minh những gì mà các bạn đã đề cập. “Đây là ý tưởng cả nhóm ấp ủ từ lâu, cho dù trong quá trình nghiên cứu đề tài còn gặp nhiều khuyết điểm nhưng cả nhóm sẽ quyết tâm để hoàn thiện hơn cuốn sổ tay thiết kế hiệu quả năng lượng trong tương lai” – Vũ Chí Kiên, trưởng nhóm đề tài, cho biết.

Những đề tài đến với vòng chung kết Euréka lần thứ 13 cũng chứng tỏ tính thời sự khi bám sát các vấn đề được xã hội quan tâm và mạnh dạn đưa ra những sáng tạo của chính mình như “Nhà lắp ghép vùng nông thôn bão lũ miền Trung” (Trương Đức Luy – ĐH Kiến trúc TP.HCM), “Chỉnh âm cho trẻ khuyết tật bị bỏ rơi bằng trò chơi phát triển ngôn ngữ”, “Mô hình gậy gắn đèn và âm thanh dành cho người khiếm thị” (ĐH Sư phạm TP.HCM)… Đặc biệt là các sản phẩm robot có khả năng ứng dụng vào thực tế nếu tiếp tục đầu tư, cải tiến và có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất. Nguyễn Đức Long, Lê Quang Tý và Võ Tiến Lộc (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đã sáng tạo và nghiên cứu thành công robot chim có thể đập cánh, bay lượn theo điều khiển.

Phải vượt qua chính mình

Không chỉ tăng đột biến về số lượng, sân chơi Euréka năm nay các bạn sinh viên quan tâm đến chính những vấn đề của giới sinh viên, của người trẻ và những vấn đề thời sự. Đó là các đề tài như: “Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố cá nhân lên tiềm năng khởi nghiệp của sinh viên” (Tấn Duy, Lê Thị Lin và Xuân Duyên  – ĐH Bách khoa TP.HCM), “Xây dựng mô hình quản lý tài chính cá nhân trong sinh viên tại TP.HCM” (Dương Thị Huệ, Trần Thị Hạnh và Nguyễn Ngọc Huân – ĐH Ngân hàng), “Giải pháp nâng cao ý thức pháp luật của người tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn TP.HCM” (Như Quỳnh và Tiến Dũng – ĐH An ninh nhân dân)…

Giải thưởng Euréka lần thứ 13 có 34 trường tham gia với 2.008 đề tài cấp trường. Trong số 596 đề tài tham gia giải thưởng sinh viên nghiên cứu cấp thành phố có 118 đề tài dự thi giải thưởng khóa luận tốt nghiệp xuất sắc và 478 đề tài dự thi giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học. Vòng bán kết Euréka lần thứ 13 có 86 đề tài ở 11 lĩnh vực, trong đó có 15 đề tài khóa luận tốt nghiệp xuất sắc và 71 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, “nhiều đề tài rất hay, ý tưởng rất táo bạo và sáng tạo nhưng các bạn thực hiện đề tài lại tự gây khó cho mình khi không đưa ra được mục đích vì sao thực hiện đề tài, giải pháp thế nào” – GS.TS Hồ Đức Hùng (viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận xét.

Ở vòng chung kết, không ít chủ nhân của các nghiên cứu tự “xây hàng rào khóa chặt chân mình” trước những câu hỏi của hội đồng giám khảo đề nghị thử đưa giải pháp cho vấn đề đặt ra: “Tụi em chỉ là sinh viên nên không dám có ý kiến nhiều, đành phải nhờ đến những cấp cao hơn”, “Đề tài của em chỉ dừng lại ở việc phản ánh chung, còn lại thì em không đề cập…”, “Vì không biết hiệu quả đến đâu nên em không dám liên hệ với các cơ quan cấp cao”…

PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm (Viện Nghiên cứu điện tử – tin học tự động hóa TP.HCM) nói: “Hầu hết đề tài đều gây ấn tượng với hội đồng giám khảo bởi tính sáng tạo, ý tưởng mới và tính nghiên cứu, tìm tòi của sinh viên. Nhưng các đề tài ấy vẫn còn những hạn chế nhất định, khó có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống bởi nhiều yếu tố. Muốn phát triển các đề tài khoa học kỹ thuật – công nghệ đưa vào thực tiễn phải có một hệ thống nghiên cứu hoàn chỉnh cùng sự giúp đỡ của các chuyên gia”.

“Năm nay nhiều trường có số lượng đề tài gửi dự thi cấp thành tăng. Những đề tài nào có tính ứng dụng cao sẽ được trung tâm giới thiệu chuyển giao cho các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu. Giải thưởng là cơ hội nâng cao tinh thần nghiên cứu khoa học, tìm ra những đề tài xuất sắc trong sinh viên” – thạc sĩ Đoàn Kim Thành (giám đốc Trung tâm khoa học trẻ trực thuộc Thành đoàn TP.HCM) nói.

V.THẢO – P.TUẦN

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.