“Mỗi lần buổi tối cầm truyền đơn ra phố khi gặp lính Pháp, tôi và nhiều anh em trong “bầy sói con” đều giả vờ ra phố đi mua bò khô, đi ăn cao lầu đêm. Trong túi rủng rỉnh tiền nên bọn chúng cũng chỉ nghĩ chắc là con nhà giàu đi ăn đêm” – ông Lương nhớ lại.
Trong những năm 1930-1945, phong trào hướng đạo sinh bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Khi đó, chính quyền thực dân Pháp cho phép lập các nhóm hướng đạo như một cách “ru ngủ” thanh, thiếu niên con nhà giàu xa rời cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhưng bọn chúng không ngờ rằng, chính hướng đạo sinh lại là tổ chức khơi gợi, huấn luyện lòng yêu nước của con em tư sản dân tộc. Hướng đạo sinh, tráng sinh lại là những đối tượng hoạt động cách mạng ngay trong lòng Hà Thành.
Nhà giáo Trịnh Lương |
Giấu nhà đi theo bầy “sói con”
Nói đến nhà giáo Trịnh Lương (con trai cả của cụ Trịnh Văn Bô, chủ nhà – di tích lịch sử 48 Hàng Ngang, Hà Nội) có lẽ người ta thường nghĩ ngay đến những đóng góp của gia đình ông với cách mạng. Nhưng ít ai biết rằng, thiếu niên Trịnh Lương lại chính là người đã móc nối, đưa Bác Hồ về ở nhà mình trong những ngày Bác viết Tuyên ngôn độc lập. Con đường đến với cách mạng của ông bắt nguồn từ những ngày tháng hoạt động trong các nhóm hướng đạo sinh “bầy sói con”, từ những lần giấu bố mẹ đi dán, phát truyền đơn giữa lòng địch.
Mái tóc bạc trắng nhưng bất cứ ai nếu chỉ nghe giọng nói dõng dạc, trầm ấm của ông chắc chắn sẽ không nghĩ ông đã ngoài 80 tuổi. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn nhớ như in những ngày tháng lịch sử và về tổ chức hướng đạo sinh “bầy sói con”. Chính những ngày sinh hoạt trong nhóm hướng đạo sinh Hai Bà do huynh trưởng Tạ Văn Lưu phụ trách đã khiến ông và nhiều trẻ em, thiếu niên, thanh niên những gia đình khá giả ở Hà Thành sẵn sàng dấn thân vào nguy hiểm.
Nhà giáo Trịnh Lương kể lại: “Hội Hướng đạo sinh xuất xứ từ nước Anh do một đại tá là Baden Pô Ven (gọi tắt là Bi Pi) tổ chức các thiếu niên đi cắm trại trong rừng, tìm đường đi trinh sát cho quân đội đế quốc Anh. Khoảng năm 1930, hội này nhập cư vào Đông Dương, nhưng đã được các bậc huynh trưởng như Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu Việt Nam hóa nhằm giữ thanh niên, học sinh Việt Nam không rơi vào cạm bẫy của thanh niên đế quốc, chuẩn bị nếu có điều kiện tham gia các công việc xã hội từ thiện, yêu nước yêu cách mạng”.
Ông kể tiếp: “Ngày đó, ở Hà Nội những đứa trẻ con các gia đình tư sản, trung lưu thường được tham gia vào các “bầy sói con”. Hà Nội khi đó có các “bầy sói con” với tên gọi là Hùng Vương, Cờ Lau, Nùng Sơn, Hai Bà, Tây Hồ. Mỗi “bầy sói” có 36 người, chia làm 4 đội thường xuyên tổ chức sinh hoạt cùng nhau”.
Vào tháng 10/1930, huynh trưởng Hoàng Đạo Thúy (tên dùng hướng đạo là Hổ Sứt) lập đoàn hướng đạo sinh Vạn Kiếp. Đến năm 1932, Hoàng Đạo Thúy đã có nhiều thay đổi căn bản về hình thức của hướng đạo sinh, đổi từ áo xanh thành áo nâu, lập Bầy Trứng Rồng giao cho huynh trưởng Lê Thị Lựu (Sói dí dỏm) trông nom. Phong trào hướng đạo dưới sự dìu dắt của huynh trưởng Hoàng Đạo Thúy không còn là “sói” con, thiếu sinh, tráng sinh mà chính là phong trào tìm đường về với dân tộc của thanh niên Việt Nam, chuẩn bị lực lượng thanh niên hùng hậu sẵn sàng phục sự Tổ quốc.
Tất cả ba bậc hướng đạo đều có quần áo đồng phục riêng, khăn quàng khác màu nhau, có huy hiệu đoàn, đội mũ bốn mũi, có gậy để đi cắm trại, chào nhau bằng ba ngón tay (trỏ, giữa, đeo nhẫn) tượng trưng cho ba lời thề “Trung thành với Tổ quốc, giúp ích mọi người, tuân theo luật Đoàn”. Khẩu hiệu của các bậc hướng đạo sinh là “luôn luôn sẵn sàng”.
Nhà giáo Trịnh Lương chia sẻ: “Chúng tôi vào mỗi dịp sinh hoạt ở các nhóm hướng đạo sinh thường được tham gia các trò chơi. Thực dân Pháp nhìn bên ngoài cứ tưởng các hoạt động của chúng tôi là kiểu chơi của con nhà giàu đi giải trí. Nhưng thực ra trong những buổi học đó sói con được các tráng sinh giao cho việc canh gác có tình hình khác thường ra hiệu, đưa thư”.
Những bài hát ca ngợi chiến công của cha ông như Chi Lăng, Nào thanh niên ơi, Anh hùng xưa (bài hát về Đinh Bộ Lĩnh), Bạch Đằng giang Thăng Long thành hành khúc… đánh thức tinh thần yêu nước trong thanh thiếu niên Hà Nội. Một số hướng đạo sinh, tráng sinh đã được giới thiệu vào các tổ chức yêu nước, các đường dây của cách mạng, các đội tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong, dán khẩu hiệu, trừng trị bọn thân Nhật. Một số sinh viên hướng đạo gia nhập Đảng Dân chủ, Tổng hội sinh viên và có những hoạt động mạnh mẽ hơn.
Thuận lợi nhất cho hướng đạo sinh, “sói con” là phần lớn là con nhà công chức, trung lưu, ăn cơm nhà của bố mẹ, thông thuộc đường phố thuận lợi và có điều kiện về kinh tế, đời sống. Những hoạt động yêu nước và cách mạng lại rất phù hợp với ý chí, truyền thống, hiểu biết của thanh niên, thiếu niên có học, lại được giáo dục trong khuôn khổ hướng đạo. Họ còn được tập luyện những trò chơi ưa thích, mạo hiểm, pha trộn tính cách tình báo, phiêu lưu, mạo hiểm.
Dán truyền đơn, treo cờ cách mạng trong lòng địch
Không chỉ có các hoạt động khơi gợi tinh thần yêu nước, các bậc hướng đạo còn được giao cho những nhiệm vụ đòi hỏi sự gan dạ, thông minh, nhạy bén trong xử lý các tình huống khi gặp bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Hình ảnh của nhóm hướng đạo sinh năm 1934 |
Nhà giáo Trịnh Lương tâm sự: “Có lẽ thực dân Pháp và phát xít Nhật không thể ngờ rằng những đứa trẻ con nhà tư sản giàu có bậc nhất ở đất Hà Thành lại đi theo cách mạng. Bởi theo cách mạng là đầy hiểm nguy nhưng chúng đã nhầm vì Bác Hồ là người đã khéo léo huy động được tinh thần yêu nước của những nhà tư sản dân tộc. Đó là điều mà nhiều bậc chí sỹ yêu nước tiền bối chưa làm được”. |
Ông Trịnh Lương nhớ lại: “Năm 1943, nhân ngày lễ Jaenne dArc, Pháp tổ chức một cuộc diễu hành trong đó có hướng đạo sinh Pháp và Việt. Họ quy định đi qua lễ đài phải chào giơ tay theo kiểu Hitler Đức quốc xã (lúc đó Đức quốc xã đang thống trị Pháp quốc). Nhưng khi đi qua lễ đài, các anh trong các đội hướng đạo sinh chỉ chào theo kiểu mà huynh trưởng Hoàng Đạo Thúy dặn. Những vụ treo cờ ở hồ Hoàn Kiếm, phá cuộc mít tinh của bọn thân Nhật, của tổng hội viên chức chiều ngày 17/8 và trong những ngày tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 ở Hà Nội đã có mặt đông đảo các tráng sinh, hướng đạo sinh, “sói con”.
Trong những ngày Hà Nội “chìm” trong nạn đói 1945, hướng đạo và “sói con” ở Hà Nội năm 1945 thường xuyên tham gia vào các công việc như phát quần áo, phát cơm, cháo cho đồng bào nghèo đói. Nhiều huynh trong bậc hướng đạo còn được giao trách nhiệm thu các xác đồng bào bị chết đói đưa lên xe chở ra nghĩa địa. Tình cảnh đó làm tất cả các hướng đạo sinh thêm căm phẫn sự đàn áp của bọn Pháp – Nhật.
Nhắc đến những ngày tháng sôi sục khí thế cách mạng đó, ông còn nhớ như in những lần đi dán truyền đơn quanh các khu phố cổ. Vào buổi tối, hoặc vào sáng sớm, các nhóm trong đội hướng đạo sinh chúng tôi lại chia thành từng tốp nhỏ. Người đi quyét hồ nước, người cầm truyền đơn theo sau dán lên.
Những khẩu hiệu chống Pháp, đả đảo Nhật bằng chữ quốc ngữ, chữ nôm kêu gọi lòng yêu nước, ca ngợi lãnh tụ được các nhóm “sói con” bằng sự thông minh, nhanh trí dán khắp các con phố nội đô. Chính bọn lính Pháp lúc đó cũng không hiểu rằng ở những khu phố toàn tư sản làm sao lại có nhiều khẩu hiệu được dán lên trong đêm nhiều như thế.
“Mỗi lần buổi tối cầm truyền đơn ra phố khi gặp lính Pháp, tôi và nhiều anh em trong “bầy sói con” đều giả vờ ra phố đi mua bò khô, đi ăn cao lầu đêm. Trong túi rủng rỉnh tiền nên bọn chúng cũng chỉ nghĩ chắc là con nhà giàu đi ăn đêm” – ông Lương nhớ lại.
Truyền đơn mà hàng ngày ông đi dán thường được giấu trong chính căn nhà 48 Hàng Ngang. “Để thuận lợi cho việc dán tờ rơi, truyền đơn vào ban đêm, tôi thường mang truyền đơn về giấu ở nhà. Bất chợt có lần bố tôi bắt được trong người tôi có truyền đơn. Tôi cứ nghĩ ông cụ sẽ mắng vì việc tôi làm. Nhưng ngược lại, ông còn chỉ cho tôi chỗ giấu mà không ai phát hiện ra. Đó là giấu vào hộc cột trên gác hai. Cái hộc cột này chỉ có mình đứa trẻ như tôi mới có thể chui vào lấy được. Thực sự lúc đó tôi rất vui vì biết ông cụ ủng hộ”.
Sau ngày Tổng khởi nghĩa Tháng 8 thành công, một đoàn đại biểu hướng đạo đã xin phép được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã nhận làm Chủ tịch danh dự cho Hội. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tất cả tráng sinh, hướng đạo sinh, “sói con” Hà Nội đã cởi bỏ đồng phục hướng đạo để nhận quân trang “tự vệ Sao Vuông”. Chúng tôi lại bước vào một giai đoạn đấu tranh mới cùng dân tộc đi suốt cuộc kháng chiến trường kỳ đi đến thắng lợi cuối cùng, ông Lương tự hào nói.
Theo Người đưa tin
Source: Zing