ATP Masters Tour Finals đã khép lại mùa giải 2011 với những biến động trong tốp 4 tay vợt nam hàng đầu thế giới. Nếu chia hai nửa vui buồn, Djokovic, Federer đứng chung nhóm, với phía đối diện gồm Nadal và Murray.
Khoảnh khắc “độc” của Djokovic khi anh nếm vị cỏ tại Wimbledon sau khi giành chức vô địch. |
Bị loại từ vòng bảng ATP Master Finals Tour và đã có dấu hiệu hụt hơi sau giai đoạn thăng hoa, nhưng giáng sinh năm nay của Novak Djokovic sẽ tràn ngập tiếng cười và niềm hạnh phúc. Anh vừa trải qua một mùa giải thành công mỹ mãn, giành 10 danh hiệu vô địch, trong đó có ba danh hiệu Grand Slam là Australia mở rộng, Wimbledon, Mỹ mở rộng. Từ vị trí thứ ba, anh vượt lên chiếm ngôi số 1 thế giới. Anh ghi tên mình vào vị trí thứ năm các tay vợt có hiệu số chiến thắng trong một mùa giải nhiều nhất từ trước tới nay với 92,10%. Tỷ lệ này được tính từ 70 trận thắng và chỉ có 5 trận thua của tay vợt Serbia trong năm nay.
Đứng đầu tốp năm là huyền thoại John McEnroe với thành tích 82 trận thắng – 3 trận thua, giành 13 danh hiệu vô địch năm 1984. Thứ hai là Jimmy Connor năm 1997 với tỷ lệ trận thắng thua la 93-4. Các kỷ lục thứ tư và năm do Roger Federer năm giữ. Anh có 85 trận thắng – 4 trận thua, 11 danh hiệu năm 2005 và 97 chiến thắng – 5 thua, 12 danh hiệu năm 2006.
Điều duy nhất làm niềm vui cuối năm của Jorkovic chưa trọn vẹn là anh đã có dấu hiệu xuống sức. So với chu kỳ duy trì phong độ đỉnh cao kéo dài của Federer và Nadal thì Djokovic chưa đạt tới. Dù vậy, anh đang tranh thủ nghỉ ngơi để lấy lại sức cho mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch tại giải đấu Grand Slam khởi động mùa giải 2012 Australia mở rộng.
Roger Federer ở tuổi 30 lại chinh phục cả thế giới. |
Lận đận suốt từ đầu năm, tụt hai bậc xuống vị trí thứ tư, nhưng Roger Federer đã kiên trì và tìm lại được hình ảnh của “tàu tốc hành” trong những ngày tháng cuối năm. Thất bại ở cả bốn giải Grand Slam, nhưng sau ATP Masters Finals Tour tại London, một lần nữa, cả thế giới phải tôn vinh anh như một huyền thoại của làng banh nỉ thế giới. Chiến thắng này giúp anh vượt qua các tiền bối Ivan Lendl và Pete Sampras để lập kỷ lục 6 lần vô địch giải. Nhưng phong cách chiến thắng của anh mới là điều chiếm trọn sự tôn trọng của làng thể thao thế giới.
Chỉ cách đây nửa năm, Roger Federer trải qua hai thất bại điển hình cho cách thua rất lãng xẹt khiến những người hâm mộ anh ức chế. Đó là trận bán kết Mỹ mở rộng trước Novak Djokovic và tứ kết Wimbledon trước Jo-wilfied Tsonga. Ở cả hai trận đấu, anh đều dẫn trước 2 set, nhưng để đối phương quật ngã ở ngay trước cửa chiến thắng để vượt qua với tỷ số chung cuộc 3-2. Những thất bại kiểu này chỉ đến với anh vài năm trở lại đây, trước đó “tàu tốc hành” chưa từng mắc phải.
Chịu nhiều chỉ trích và thất vọng từ công chúng, Federer đã bền bỉ tìm cách để trở lại với phong độ chói sáng. Điều kỳ diệu đã xảy ra ở trận chung kết ATP Masters Finals Tour với Tsonga khi Federer hai lần thể hiện được sự bùng nổ và tinh thần thép ở những game đấu bản lề để giành chiến thắng ở set 1 và set 3. Đặc biệt, khi đã rơi vào tâm lý hồi hộp và đánh mất chính mình ở set 2, tay vợt Thụy Sĩ đã vượt qua những giờ phút khó khăn để áp đảo lại một Tsonga tràn trề sức trẻ và ngẫu hứng.
Sau trận đấu, Roger Federer cho biết: “Tsonga đã thắng tôi hai lần trong năm nay tại Wimbledon và Montreal, giờ thì tôi đã thắng lại cậu ấy bốn trận liền. Đó là cách phản ứng trong thi đấu mà tôi mong đợi ở bản thân. Đi qua thử thách và chứng minh được năng lực này với chính mình là một cảm giác rất tuyệt vời đối với tôi”.
Rafael Nadal tự thấy niềm đam mê với quần vợt của anh đang bị giảm đi. |
Nếu năm 2011 là những dấu thăng trong sự nghiệp của Djokovic và Federer, thì đây lại là một quãng thời gian cực kỳ khó khăn đối với cựu số 1 thế giới Rafael Nadal. Đang ở đỉnh cao chiến thắng với hình ảnh của một “võ sĩ giác đấu” Tây Ban Nha, cuốn tự truyện của Nadal tung ra hồi giữa năm bất ngờ lột tả một Nadal thật trong đời sống hoàn toàn khác: bất hạnh, vỡ vụn về tinh thần và hết đam mê với quần vợt. Sự kiện bố mẹ ly dị khiến Nadal cảm giác mất di một chỗ dựa tinh thần, đó là mái nhà nơi anh đã trải qua tuổi thơ yên bình. Nhưng dù câu chuyện kể về Nadal tuyệt vọng trong thời gian chữa chấn thương bàn chân từ những năm trước, nhưng đến cuối năm nay, hình ảnh một Nadal mệt mỏi và hết nhuệ khí lại xuất hiện.
Khó có thể tưởng tượng chàng trai luôn chiến đấu đến cùng trong từng pha bóng, người từng được mệnh danh là cỗ máy tennis, rô bốt chiến binh, lại có lúc chán nản cây vợt và trái bóng xanh đến thế.
Andy Murray gặp chấn thương trên sân O2 tại London. |
Một trong những nhân vật có nhiều thất vọng trong tốp 4 là Andy Murray. Bước vào năm 2011, người Anh đặt nhiều kỳ vọng tay vợt hàng đầu của họ sẽ giành được một danh hiệu Grand Slam – niềm ao ước đã rất lâu rồi không được thỏa mãn của giới hâm mộ quần vợt Anh quốc. Nhưng Murray chỉ lọt được đến chung kết giải Australia mở rộng để rồi khiến niềm hy vọng đang dâng cao của người hâm mộ tan thành mây khói. Anh đã thua nhanh Novak Djokovic 0-3 trong trận tranh ngôi vô địch.
Kể từ đây, Murray thi đấu ngày càng thiếu khởi sắc và bị chấn thương. Anh liên tục thua ở các giải đấu lớn, nhỏ. Những nỗ lực ở giải Grand Slam chỉ giúp anh lọt vào đến bán kết. Trong các cuộc đọ sức tay đôi với các đối thủ ở tốp 4 thế giới, Murray hầu như toàn thua, chỉ có một lần duy nhất thắng Djokovic khi anh này bị chấn thương và xin bỏ cuộc.
Điểm sáng nhất trong năm là chức vô địch Masters Thượng Hải nhưng Murray có được dễ dàng khi ba tay vợt hàng đầu thế giới không tham dự.
So với thời điểm bùng nổ cuối năm ngoái, Murray đã hy vọng vào một năm 2011 thành công hơn nhưng điều này không xảy ra.
Mùa giải năm nay kết thúc với Murray với chấn thương ở giải ATP Masters Finals Tour khiến anh phải bỏ cuộc ở vòng bảng. Anh từng vươn lên vị trí thứ ba thế giới nhưng đã phải trả lại cho Roger Federer sau giải đấu cuối cùng trong năm.
Minh Hà
Source: Báo VNExpress