Nhìn nhận khách quan về “bạo lực học đường”

(Dân trí) – Thống kê cho thấy có khoảng 20% học sinh ở trời Âu, trong suốt quá trình học ít nhất có một lần là nạn nhân của “bạo lực học đường” như bị trêu ghẹo, bêu xấu, chửi mắng, bị cô lập, thậm chí bị cướp đoạt tiền, bị đánh đập gây thương tích, …

Nguyên nhân của bạo lực học đường

Học sinh có thể dùng bạo lực như một hình thức phản ứng lại trật tự xã hội, thể hiện cái  “khó ở” trong mình của các em mà các em không có phương tiện khác bộc lộ . Việc dùng bạo lực thành một cách “thể hiện” cá nhân, giải quyết “nhu cầu phản đối”.

Nguyên nhân thứ hai là do ảnh hưởng của môi trường : bạo lực nhan nhản ở khắp nơi, ở gia dình, trường học và ngoài xã hội; các em chỉ “bắt chước” những gì mà các em trông thấy và nghe thấy hằng ngày…

Các nhóm có cùng thái độ phản ứng của trẻ có thể gây ra sự bùng nổ, tăng cường độ của bạo lực. 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Thường các em thiếu giáo dục gia đình, bị chế tài không đúng chỗ (trò “giỏi” ít dùng bạo lực hơn trò bị cho là “kém” chẳng hạn), chịu ảnh hưởng của phim ảnh, ảnh hưởng sinh hoạt của nhóm đều có thể dẫn tới hành vi bạo lực, …Nhưng tựu trung, hai nguyên nhân chính vẫn là “khủng hoảng tâm lý nổi dậy” của trẻ nên chống đối xã hội theo mẫu bạo lực chung quanh

Thật vậy, kinh tế thị trường cho phép cá nhân trục lợi, luật của kẻ mạnh, kẻ có tiền hay có quyền lực, hiếp người yếu. Xã hội đầy bất bình đẳng. Báo chí thường xuyên tải những mẫu người giàu có với những cách vung tiền không suy nghĩ, thì bảo sao giới trẻ không tự cảm thấy bất công ? Phim ảnh, trò chơi on line, … lại tạo một thế giới ảo đầy bạo lực, bạo lực thường ngày. Chính cha mẹ các em cũng quay cuồng trong sự kiếm sống và thiếu thời gian để đối thoại hay dạy dỗ các em , cho các em những sự gương mẫu hiền hòa, giúp các em những điểm tựa, phân biệt được đâu là thế giới thật và đâu là thế giới ảo.

Trẻ con không có khả năng tự mình sáng chế ra hành động thô bạo. Chúng đã “học” cái đó từ môi trường sống, chúng bị ảnh hưởng của người chung quanh. Cái cần là dạy trẻ “miển nhiễm”, cung cấp hành trang cho trẻ để chúng dùng những giải pháp ôn hòa trong giao tiếp ứng xử.

 

Ngày xưa, chính tác giả những dòng này cũng chơi làm “cô bán hàng” với các chị em họ thậm chí với cả ông bà, nhưng sau đó, tôi lại trở thành đứa bé thường ngày, ngoan và vâng lời chứ không phải kiểu “tiền trao cháo múc” lúc bán hàng, chỉ lấy tiền bạc làm cứu cánh. Vì “chơi là giả”, chung quanh tôi, gia đình và xã hội “dạy” tôi phải tử tế.

 

Y như vậy, cũng có trẻ chơi kiếm như các dũng sĩ ra trận, nhưng chúng đâu có dùng kiếm để chém bạn học ở trường !  

 

Làm thế nào để đối diện với bạo lực ở trường học ?

 

Vài nghiên cứu gần đây cho thấy là trẻ con ngày nay hiếu động nhiều hơn, vì một trong những nguyên nhân là bị ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đủ loại. Các nghiên cứu ấy kết luận là phải chế tài để kiềm tỏa.

 

Nhưng không lẽ tuyển thêm công an để canh gác trong các trường?  Có làm như thế cũng không giải quyết được những nguyên nhân của bạo lực ở học đường – vì một số nguyên nhân nằm ở ngoài trường  : cần tạo điều kiện cho các em có sức khỏe tốt cả về thể xác lẫn tinh thần và tâm lý, bảo đảm công bằng xã hội, có môi trường bình an, sạch sẽ và mức sống tối thiểu được tôn trọng, …

Thế nên tôi chỉ xin đề nghị một số giải pháp nhỏ, nhưng là nền tảng :

1.Tạo đoàn kết  : Trong một môi trường mà tất cả mọi người đều được tôn trọng và tất cả đều yêu thương đùm bọc nhau thì các thành viên sẽ có nhiều khả năng xử sự tử tế với nhau. Như thế trường học là gia đình thứ hai của học trò, là nơi các em tập tành học hỏi trước khi ra “biển khơi”, ra ngoài xã hội,  đầy thử thách. Tạo đoàn kết có thể là một biên pháp phòng ngừa dài lâu hơn, lại nhẹ nhàng hơn các biện pháp chế tài.

 

2. Giáo viên không giữ vai trò vạn năng, nhưng giáo viên có thể trong phạm vi của mình, luôn tôn trọng học trò, đối xử bình đẳng, tránh thất bại cho học trò (điểm xấu hay ngồi lại lớp). Vai trò của giáo viên chống bất bình đẳng xã hội  còn có thể đi xa hơn nữa, bằng cách giảng giải những hiện tượng và những phương thức cấu thành bất bình đẳng. Như thế có thể làm cho các em ý thức được giá trị của công bằng và sẽ tiếp tay vun trồng cho một xã hội mà bất công không có chỗ đứng, kể cả bất công giữa người mạnh và người yếu, người tấn công và nạn nhân.


(ảnh minh họa – nguồn ảnh: internet) 
 

3.Dùng kiến thức như một “vũ khí” chống bạo lực : Kiến thức về khoa học cũng như kiến thức về môi trường xã hội, về liên hệ giữa người với người là một phương tiện tốt để sống hiền hòa với nhau. Nói theo kiểu Descartes : người có kiến thức sẽ sống tốt hơn (celui qui sait, sachant, vit mieux). Chiến tranh nhiều khi không thay đổi được gì, ức hiếp người yếu cũng vậy. Mà nên thực thi nhiều điều tích cực hơn (hòa giải thay vì gây hấn, học thành tài để có thể thành công tốt hơn dù cha mẹ khiêm tốn không có địa vị và tiền của, … ) để về lâu về dài xã hội an lành hơn. 

 

Những điều nói trên có vẻ lý thuyết và xa xôi. Đối diện với hiện tượng bạo lực ở trường không thể làm gì hơn chăng ?

Có chứ, ngoài “trường kỳ kháng chiến” để tạo cho một môi trường an bình,  có thể áp dụng vài “chiến lược” nhỏ :

1. Đề cập đến  bạo lực ở trường trước khi hiện tượng xảy ra, để cho hiện tượng …đừng xảy ra. Phòng “bệnh”, phân tích nguyên nhân, hậu quả,  thậm chí cho học sinh làm kịch, đóng vai bạo lực … Đây là một loại tiêm chủng, “dĩ độc trị độc”, nhưng cái độc mà ta dùng rất là vô hại.

 

2. Nhưng chưa đủ, cần quan tâm gần gũi,nghe ngóng và trao đổi tình cảm với học trò, nhất là với các trò có khả năng dùng bạo lực để các trò này có nơi bày tỏ những “khó khăn”, để lấy đi cái “chốt” của quả bom bạo lực không phát nổ. Lớp có đoàn kết, giáo viên có liên hệ thường xuyên với phụ huynh,… thì phương cách này thực hiện tốt đẹp và ngừa được nhiều bạo lực.

 

3. Tạo hứng thú trong việc học là một cách gián tiếp nhưng rất hũu hiệu. Đi học vui, học cùng với bè bạn. Ai cũng biết là một người đang vui, đang được hạnh phúc thì không bao giờ đập phá môi trường hay gây hấn với người chung quanh.

 

4. Trao trách nhiệm và đặt tin tưởng nơi trẻ. Ngay lúc ghi danh học, ngay từ tuần đầu tiên,  đối thoại và ký giao kèo với trẻ về một số điều tối thiểu để có thể sống chung yên vui trong trường và học hành ra nền ra nếp. Mỗi em có một phần công việc trong cuộc hành trình tiến tới hiểu biết. Đó là những cam kết và dù học sinh còn trẻ, chúng có khả năng trọng chữ tín và cố gắng xứng đáng với niềm tin của người lớn.

 

5. “Dạy” luật sống chung ở trường và trong xã hội

Gần đây, bên nhà ta đưa vào chương trình những môn dạy kỹ năng sống, như một phong trào, có khi làm nặng thêm chương trình vốn đã quá tải cho các em học sinh. Rất nhiều kỹ năng sống được hấp thụ một cách dễ dàng và hấp thụ bền vững mà không cần dạy. Theo cái kiểu “gần đèn thì sáng” : nhờ kỷ luật học đường, nhờ nội dung các bài văn, các bài sử và cả các bài về sinh học hay về môi trường, bài hát, nhờ gương mẫu của học trò lớn đối với trò nhỏ, nhờ đạo đức của bậc thầy và hiệu trưởng trường, …

Nếu cần thì thêm vào ít bài về giáo dục công dân – bài thực hành chứ không phải bài để học thuộc lòng.

Có nhiều điều vượt khả năng của giáo viên, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để tránh bạo lực, phải làm sao khi bạo lực xảy ra ?

Chế tài(phạt phải nghỉ học một thời gian, điểm hạnh kiểm xấu, đuổi học, …) là một giải pháp nhưng giải pháp này không hữu hiệu hoàn toàn. Vì chế tài cũng là một hình thức của bạo lực. Muốn hữu hiệu hơn, nhiều trường ở trời Âu dùng chế tài với thương lượng và hòa giải : thương lượng và hòa giải giữa các “nhân vật” của baọ lực (người chủ động và nạn nhân), giữa trò và trường, giữa trò và thầy, … để mọi người cùng hiểu nhau, để cùng phân tích những gì vừa xảy ra, để sau đó còn có thể tiếp tục liên hệ với nhau. Trong thương lượng và hòa giải cần một người ngoài cuộc để giúp cho hòa giải thành công.

Thương lượng và hòa giải là một cách đầy nhân bản và đầy xã hội tính. Có  thương lượng và hòa giải thì mới không cắt đứt liên hệ sau “biến cố”.

Nghĩ tới mình đồng thời tôn trọng người khác là tiền đề chống bạo lực học đường và bạo lực trong xã hội. Nếu bạo lực đã diễn ra rồi thì phải giải quyết bằng những hình thức nhân bản chứ không dùng bạo lực để trị bạo lực.  Chủ đích là làm sao tái thiết liên hệ xã hội vừa mới bị thương tổn. 

Bạo lực và Truyện Tấm Cám ?

 

Nếu chỉnh sửa truyện Tấm Cám để ngừa bạo lực học đường hoặc cho “hợp với thời đại” đều không phải là giải pháp thỏa đáng.

 

Văn chương truyền khẩu hiện hữu trước văn chương viết. Có nhiều  bản khác nhau, nhiều tình tiết khác nhau cho cùng một motif. Người chép lại, nếu có tinh thần khoa học thì không bao giờ tự cho mình  quyền tu sửa tì kho tàng ấy nghìn năm xưa để lại, nó thể hiện nhân sinh quan và vũ trụ quan của dân tình. Nhờ những bản chép lại trung thực như thế (Ở nước ta, có tác giả Nguyễn Đổng Chi chẳng hạn) sau này nếu ta muốn nghiên cứu dưới khiá cạnh nhân chủng học, hoặc phân tâm học, xã hội học, lịch sử học, …đó là những tài liệu vô giá.

 

Nó kết tinh  những triết lý và đạo đức của người xưa. Ta chỉ có một bổn phận duy nhất là gìn giữ nó như bảo vật mà ông bà ta đã để lại. Nếu nó có “hết hợp thời”  thì phải giảng nghĩa cho con cháu ta tại sao nó hết hợp thời chứ không có quyền tự tiện chỉnh lại cho đúng “gu” của thời đại.

 

Nếu muốn viết chuyên đạo đức của thế kỷ thứ xxi thì ta cứ viết truyện “mới”.

 

Vả lại các giáo sư về tâm lý nhi đồng đều cho biết là trẻ con có “nhu cầu sợ”, cần  những “phương tiện” để giải quyết nhu cầu đó, để miễn nhiễm. Lớn lên tí, các cháu bắt đầu biết phân biệt đâu là truyện đâu là thật, ta chỉ cần giúp tay thêm để các cháu suy xét đúng. Tuổi 12-15 tế nhị hơn, nhưng ở tuổi đó, các cháu đâu còn “tin” truyện Tấm Cám !

 

Thay vì chỉnh truyện Tấm Cám, một gia tài mà ta phải gìn giữ, tại sao ta không cố gắng chỉnh những cái bất ổn trong xã hội  và kiên nhẫn đối thoại với trẻ về lẽ phải, điều trái ?

 

                                                              Nguyễn Huỳnh Mai

                                                                    Liège, Bỉ

 

LTS Dân trí-Cần có sự nhìn nhận khách quan về “bạo lực học đường”, để từ đó thấy rõ những nguyên nhân sâu xa từ phía gia đình, nhà trường và xã hội cũng như tâm lý lứa tuổi. Trên cơ sở đó, tìm ra giải pháp khắc phục từ căn nguyên mới mong đẩy lùi được loại tệ nạn xã hội diễn ra ngay trong môi trường đạo đức chuẩn mực của nhà trường.

 

Bài viết trên đây của một nhà giáo, nhà nghiên cứu xã hội học dù định cư ở nước ngoài nhưng luôn quan tâm đến tình hình giáo dục ở nước nhà. Tác giả có những nhận định khách quan về tình trạng “bạo lực học đường” cũng như các biện pháp khắc phục tình trạng này. Đấy là những ý kiến được chắt lọc từ những kết quả nghiên cứu đã được vận dụng vào quá trình dạy học của tác giả, chắc chắn là tài liệu tham khảo bổ ích đối với việc ngăn chặn bạo lực học đường đang có chiều hướng phát triển ở nước ta.

 

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.