Ô nhiễm… quảng cáo

TTCT – Bảng quảng cáo ngoài trời dày đặc ở tuyến đường này, vây kín không gian quảng trường kia, quy hoạch quảng cáo quá chậm, giới kinh doanh quảng cáo phàn nàn về sự thiếu minh bạch trong cấp phép, xử lý vi phạm không nghiêm… Tất cả đều phản ánh sự thiếu vắng nhiều công cụ pháp lý cần thiết để điều chỉnh lĩnh vực này.

Chuyên đề: Cần gì để quảng cáo thôi… bát nháo?

Ô nhiễm… quảng cáo

Cần nhất hiện nay vẫn là sự minh bạch cả trong quản lý và quy hoạch quảng cáo (ảnh chụp tại ngã sáu Phù Đổng, TP.HCM) – Ảnh: Thuận Thắng

Cả giới kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo lẫn những ai đang nghiên cứu, giám sát lĩnh vực này đều dùng cụm từ “ô nhiễm quảng cáo” để nói đến tình trạng lộn xộn, bát nháo của quảng cáo ngoài trời ở VN.

Quảng cáo nhắm tới trẻ em: bỏ ngỏ

Tượng đài Thánh Gióng – một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian VN – tại ngã sáu Phù Đổng (Q.1, TP.HCM) bị “bao vây” bởi các bảng quảng cáo lớn của các sản phẩm từ dầu gội đầu, vỏ xe hơi, xe gắn máy, điện thoại di động đến quần áo thời trang. Không gian dành cho một tượng đài trở nên ngột ngạt vì sự “xâm phạm” đã diễn ra nhiều năm này. Tương tự, ai đi qua khu vực ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) cũng rối mắt với một “rừng” bảng quảng cáo ở đây.

Theo Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch, tổng hợp từ 63 tỉnh thành cả nước trong thời gian từ năm 2002 (pháp lệnh quảng cáo có hiệu lực) đến năm 2010, có 1.620 văn bản quảng cáo đã ban hành.

Tổng số giấy phép thực hiện quảng cáo đã cấp: 263.515 giấy phép (TP.HCM hơn 35.000), trong đó 151.012 giấy phép cho bảng, biển, panô.

Lệ phí cấp giấy phép quảng cáo đã thu: 95,2 tỉ đồng.

Số vụ vi phạm đã xử lý: 13.336 vụ (TP.HCM hơn 6.000 vụ) với tổng tiền phạt trên 20,5 tỉ đồng (TP.HCM hơn 10 tỉ đồng).

Tổng số doanh nghiệp quảng cáo: 4.818 doanh nghiệp (TP.HCM 2.500 doanh nghiệp).

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…, trên nhiều tuyến phố, nhất là tại các cửa hàng buôn bán đồ điện tử, thời trang, kiểu quảng cáo “khủng bố” người đi đường và xóm giềng bằng loa tăng âm công suất lớn cũng không hiếm.

Trong một báo cáo chuyên đề về “quảng cáo – thực trạng và giải pháp” gửi đến các vị đại biểu Quốc hội cách đây không lâu, các nhà chuyên môn của Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nhấn mạnh đến những hệ lụy của loại “quảng cáo nhắm tới trẻ em”, nhất là nhóm trẻ dưới 14 tuổi. Báo cáo này cho biết qua thống kê cho thấy trẻ em tiếp cận với truyền hình trung bình hơn 20 giờ/tuần, xem khoảng 22.000-25.000 mẩu quảng cáo/năm.

Đánh giá 10 năm thực hiện pháp lệnh quảng cáo mới đây, Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch (VH-TT&DL) nhìn nhận việc thiếu vắng quy định về quảng cáo có thể gây hại cho sức khỏe và sự hình thành nhân cách trẻ em. Nói cách khác, pháp luật nước ta hiện nay không có quy định nào về quảng cáo nhắm tới đối tượng trẻ em.

Trong khi đó, ở khu vực cộng đồng châu Âu, đây là một vấn đề được đặc biệt chú ý với những quy định khá gắt gao về quảng cáo nhắm tới trẻ em với nguyên tắc chung không được lạm dụng việc thiếu kinh nghiệm thực tế của các em. Chẳng hạn, quảng cáo nhắm tới trẻ em không được sử dụng hình ảnh các diễn viên nhí, không được làm trẻ lầm lẫn về công dụng của một món đồ chơi bình thường, đặc biệt phải nói rõ giá bán đối với các món đồ chơi đắt tiền.

Theo các nhà chuyên môn Viện Nghiên cứu lập pháp, có rất nhiều quảng cáo đang được phát trên các kênh truyền hình thiếu nhi nhắm tới trẻ em, thôi thúc hành động của chúng bằng các hình thức tương tác trên truyền hình như sưu tầm, trả lời câu hỏi để kinh doanh các sản phẩm, trò chơi… dẫn đến nhiều cảnh dở khóc dở cười của các bậc phụ huynh.

Vi phạm dễ như không

Bất chấp hàng loạt quy định ràng buộc liên quan đến quảng cáo (hiện có 13 văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và nhiều văn bản dưới luật), ngoài nhiều vi phạm nội dung, dễ thấy nhất là xây dựng các bảng quảng cáo ngoài trời không phép, sai phép, trong đó nhiều bảng có giá xây dựng lên đến cả tỉ đồng.

Ông Đinh Hoàng Linh – trưởng Phòng văn hóa thông tin UBND Q.10, TP.HCM – xác nhận thực tế này trên địa bàn Q.10. Chẳng hạn, trên tuyến đường Tô Hiến Thành chỉ quy hoạch có sáu bảng quảng cáo ốp tường, nhưng kiểm tra thực tế có tám bảng mọc lên. Đáng nói là trong số tám bảng này có đến sáu bảng không phép, bất chấp sự hiện diện và tồn tại của hệ thống các cơ quan quản lý cũng như các chế định của luật pháp, trong đó có công cụ quản lý được sử dụng phổ biến lâu nay là “giấy phép thực hiện quảng cáo”.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Phú – phó chánh thanh tra Sở VH-TT&DL TP.HCM – cho biết trên xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến Suối Tiên) ước chừng có khoảng một nửa số bảng quảng cáo không phép, hầu hết là những bảng quảng cáo có kích thước “rất hoành tráng”.

“Việc này mà quận, phường nói không hay biết thì kẹt quá” – ông Nguyễn Văn Minh, phó giám đốc sở, kêu. Chưa kể một thực tế đáng buồn khác cho quản lý nhà nước, theo ông Minh, là có những bảng quảng cáo không có giấy phép song vẫn tồn tại vì “cái khó là không ai cưỡng chế”. Lý do: Nhà nước không có tiền! Vì để tháo dỡ một bảng quảng cáo không phép ở xa lộ Hà Nội tốn cỡ 200 triệu đồng.

Trưởng Ban văn hóa – xã hội HĐND TP.HCM Huỳnh Công Hùng khẳng định “quận biết chứ không thể không biết, nhưng dưới đổ trên, trên đổ dưới”. Ông cho rằng không loại trừ chuyện phớt lờ cho thi công các bảng quảng cáo không phép, mà nguyên nhân sâu xa là sự thiếu minh bạch trong lĩnh vực này. 

Thống kê xử lý vi phạm trong chín tháng năm 2011 của Thanh tra Sở VH-TT&DL TP.HCM cho thấy các vi phạm chủ yếu là treo bảng quảng cáo không phép; treo, dựng, đặt bảng quảng cáo không đúng vị trí đã quy định trong giấy phép… Tuy nhiên các vi phạm này lặp đi lặp lại, cho thấy một thực tế khác: chấp nhận đóng phạt để kinh doanh vì sau khi đóng phạt vẫn có lãi (quảng cáo không phép chỉ bị phạt tối đa 20 triệu đồng, trong khi những trường hợp làm sai phép thì bị phạt gấp đôi 40 triệu đồng).

Từ đầu năm cho đến tháng 9-2011, Công ty TNHH Kim Minh (P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) có đến 13 bảng quảng cáo vi phạm. Trong đó, bảy bảng vi phạm “treo bảng quảng cáo trên 40m2 trở lên không phép”, số còn lại là các vi phạm như treo, dựng, đặt bảng quảng cáo không đúng vị trí đã quy định trong giấy phép… Công ty TNHH Thái Bình Dương (P.6, Q.3, TP.HCM) cũng có đến 7/13 bảng quảng cáo vi phạm tương tự. Công ty TNHH Dương Phong (P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) có đến 7/8 bảng vi phạm quy định này… Chuyện đóng phạt rồi lại tiếp tục vi phạm, bị phạt nhiều lần với cùng một lỗi của nhiều công ty cho thấy việc dựng bảng quảng cáo không phép dễ như không.

“Mức xử phạt phải bằng hoặc cao hơn lợi nhuận thu được từ hoạt động quảng cáo để ngăn chặn tình trạng các công ty sẵn sàng đóng phạt và tiếp tục vi phạm do mức xử phạt thấp” là một kiến nghị chung đã được gửi đến các nhà lập pháp cũng như Chính phủ, kèm đề xuất “nên quy định mức phạt bằng giá trị hợp đồng quảng cáo”. Chủ một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, ông Trần Văn Nghiệp (Công ty cổ phần quảng cáo Sài Gòn) đồng tình với sự nghiêm khắc này, thậm chí còn cho rằng nên “có chế tài theo hướng công ty A dựng bảng quảng cáo không phép mà không tự nguyện tháo dỡ thì không tiếp tục cấp phép cho công ty này nữa”.

Mập mờ quy hoạch

Ông Nghiệp cũng như những chủ doanh nghiệp quảng cáo làm ăn nghiêm túc cho rằng: “Cần nhất hiện nay vẫn là sự minh bạch cả trong quản lý lẫn quy hoạch quảng cáo để mọi người cùng giám sát”. Theo ông, Công ty cổ phần quảng cáo Sài Gòn từng có một vị trí “đắc địa” để đặt bảng quảng cáo tấm lớn tại trung tâm Q.1 song bảng quảng cáo này đã buộc phải tháo dỡ vì cơ quan chức năng thông báo vị trí này ngoài quy hoạch quảng cáo. Chấp hành xong, chỉ một thời gian sau, ngay tại vị trí đó mọc lên bảng quảng cáo của một công ty khác.

“Chúng tôi vô cùng thắc mắc, không hiểu vì sao với công ty này thì không phù hợp quy hoạch, nhưng với công ty khác lại phù hợp quy hoạch trong khi vị trí đặt bảng quảng cáo thì không xê dịch một tấc?”. Dù đã đệ trình một văn bản khiếu nại vụ việc, song ông Nghiệp nhìn nhận “làm căng quá sẽ ảnh hưởng đến quan hệ làm ăn sau này”. Vụ việc… “chìm xuồng”. Điều này tiếp tục xảy ra ở một số khu vực khác, công ty này xin đặt bảng quảng cáo tại một vài địa điểm thì được trả lời chưa có quy hoạch, nhưng không lâu sau lại mọc lên mấy bảng quảng cáo tấm lớn cùng vị trí của công ty khác.

Chuyện thiếu minh bạch lộ rõ sau những đợt giám sát hiện trạng quảng cáo trên địa bàn, mà ông Huỳnh Công Hùng bức xúc: quận huyện “nhờ” một số công ty làm quy hoạch quảng cáo, rồi chính các công ty này cũng khai thác các vị trí quảng cáo trên nền lợi thế thông tin có được từ việc làm quy hoạch.

Giới kinh doanh quảng cáo cho rằng chính việc mập mờ trong quy hoạch quảng cáo, thông tin không được công khai rõ ràng đã tạo lợi ích cho một nhóm người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng lộn xộn, cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực này. Trong tổng số khoảng 800 triệu USD doanh thu quảng cáo VN mỗi năm, quảng cáo ngoài trời chỉ chiếm khoảng 20% nhưng lại là loại hình quảng cáo gây nên nhiều bức xúc nhất do ảnh hưởng rất lớn tới không gian, mỹ quan đô thị và cả sự an toàn.

Theo ông Huỳnh Công Hùng, quy hoạch quảng cáo TP.HCM (giai đoạn 2011-2020) đã trình UBND TP, qua hai phiên họp nhưng chưa thông qua được do chưa đạt chất lượng. Còn trên phạm vi toàn quốc, theo Bộ VH-TT&DL, chỉ mới 36/63 địa phương phê duyệt đề án quy hoạch quảng cáo.

QUỐC THANH

__________

Không gian đô thị:

Thừa và thiếu

Ta đang chứng kiến một thực tế đô thị thế này: Sở Giao thông vận tải định thu phí xe ra vào khu trung tâm, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng ào ạt cao ốc ở trung tâm, Sở Quy hoạch – kiến trúc dự tính khoanh vùng phố đi bộ khu trung tâm (lần thứ nhất bao trùm cả khu trung tâm Q.1, lần hai chia nhỏ ba khu vực), trong khi chính quyền vẫn kêu gọi giãn dân, tìm cách giảm vấn nạn kẹt xe…

Những người dân bình thường yêu Sài Gòn xưa đang từng ngày chứng kiến những kỷ niệm của mình mất dần trong cơn lốc phát triển, trước hiện đại hóa, trước choáng ngợp của nhà cao tầng, cái hiện đại đang đè lên di sản trên từng con đường, từng không gian nhỏ… Tại sao các cơ quan quản lý đô thị lại chỉ lo phần việc của mình mà bỏ lơ những vấn đề khác trong không gian chung của thành phố, đôi khi dẫn đến chồng chéo và ảnh hưởng lẫn nhau?

“Rừng“ bảng quảng cáo tại ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: Thuận Thắng

Cũng các cơ quan đó, quan tâm từng lỗ thông gió, từng chuồng cu cầu thang trong nhà dân, săm soi độ cao có hơn giấy phép vài tấc hay không, diện tích xây dựng chênh lệch so với giấy phép cấp vài mét vuông là thành to chuyện… Nhưng lại không có cơ quan nào quan tâm đến cảnh quan xung quanh, không gian chung của khu phố hay đô thị, từ màu sắc, vách mặt tiền đường, hộp khối, vị trí của cây xanh, đèn đường, cho đến bảng số nhà, bảng quảng cáo, họng nước cứu hỏa… Lề đường và cốt công trình cấp phép và xây dựng cao thấp, lổn nhổn bao nhiêu năm nay vẫn vắng câu trả lời.

Một khi cảnh quan chung bị bỏ ngỏ thì quảng cáo tràn lan, không kiểm soát là tất yếu. Không gian đô thị cụ thể nay đang được đến cả chục “nhà” quản lý: quy hoạch – kiến trúc, xây dựng, giao thông vận tải, điện, nước, tài nguyên – môi trường, văn hóa – thể thao & du lịch, phòng cháy chữa cháy, rồi quận huyện, phường xã… Chỉ cần hai nhà không thống nhất với nhau đã đủ phức tạp.

Những cảnh tượng phổ biến ở nhiều đô thị như thấy trên nhiều con đường được mở rộng, các cột điện, cột đèn nằm giữa đường vừa dễ gây tai nạn, lại được gắn thêm bảng quảng cáo, in khoan cắt bêtông… ngày này qua tháng nọ, nhất quyết không chịu di dời chính là một trong vô vàn hệ lụy.

Cho nên, đôi khi tôi tự hỏi liệu có phải phân khu chức năng của các đô thị Việt Nam chỉ trên giấy, còn thực tế cứ để mọi chuyện tự nhiên phát triển?

Nhà ở biến thành văn phòng, chung cư biến thành nơi họp chợ, sản xuất, bệnh viện, trường học, nhà phố biến thành khách sạn, thành trung tâm điện máy, thương mại, đủ loại cửa hàng và cứ thế đường phố nào cũng treo bảng quảng cáo, từ nội thành ra tới ngoại thành, bảng to bảng nhỏ, xanh đỏ tím vàng, tài tử giai nhân được treo cao treo thấp, bảng cũ bảng mới, bong tróc, nham nhở, tiếng Việt tiếng Tây loạn xạ, không biết bao nhiêu tai nạn giao thông đã xảy ra do những bảng quảng cáo “đập vào mắt” này.

Thời thị trường, quảng cáo không còn “tĩnh” nữa mà ngày càng “động”. Các công ty thuê cả trăm cô gái ăn mặc mát mẻ chạy xe diễu hành cho đủ loại thương hiệu, ai được gì không biết, chỉ thấy những màn quảng cáo “khủng” này gây kẹt xe ở hàng loạt tuyến đường. Các đô thị Việt Nam đang dần trở thành một bãi quảng cáo khổng lồ của các hãng kinh doanh nước ngoài, các trường đại học, trường sinh ngữ của thế giới… Hay nên lạc quan rằng đường phố Việt Nam hiện giờ thật “đa năng” và người Việt Nam đi xe máy thật “cừ”?

Trên thực tế, phân khu chức năng rõ ràng là một việc không khó, vừa giúp tạo nên đường phố tinh tươm, khu nào ra khu đó, khu phố thương mại, phố đi bộ, siêu thị được quảng cáo thoải mái, nhưng các khu khác, đường, lề đường chỉ dành riêng cho giao thông và đi bộ, có đường dành cho xe lăn và người khiếm thị, công viên dành riêng cho nghỉ ngơi, thư giãn, khu hành chính, khu giáo dục, văn hóa cũng vậy, không nhập nhèm, lộn xộn.

Nhược điểm lớn nhất của Việt Nam hiện nay có lẽ là thừa các văn bản luật các cấp về xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, giao thông, hoạt động điều hành lại theo kiểu “12 sứ quân”, trong khi các đô thị lại thiếu một bản quy ước đô thị, luật cho hè phố hay “điều kiện sách” (*) riêng về văn hóa, di sản, về bản sắc vùng miền. Hay lại cần lập thêm một sở lo việc quản lý không gian chung đó? Hoặc thêm một một bộ lo việc quảng cáo ngoài trời?

KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG

Phải công khai quy hoạch

Tôi đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng quảng cáo ngoài trời tại các đô thị lớn, trong đó có TP.HCM, khá dày đặc, lộn xộn, chưa đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị và tình trạng không tuân thủ pháp luật trong hoạt động quảng cáo là phổ biến.

Ở lĩnh vực quảng cáo có quy định thủ tục cấp phép thực hiện quảng cáo, được xem là công cụ quản lý nhà nước. Nhưng vì sao chưa quản lý tốt? Một trong những nguyên nhân là chậm có quy hoạch, những quy hoạch tạm thời lại chưa sát thực tế, không được cập nhật phù hợp với quá trình phát triển và chỉnh trang đô thị. Do vậy, không những cần sớm có quy hoạch quảng cáo trung và dài hạn mà quan trọng hơn, các quy hoạch này phải được công khai để bất kỳ ai quan tâm đều có thể góp ý kiến. Không có lý do gì phải e ngại việc công khai này.

Dự thảo Luật quảng cáo (đang được Quốc hội xem xét và dự kiến thông qua năm 2012) có quy định bỏ thủ tục cấp phép thực hiện quảng cáo. Đây là một điểm mới đáng lưu ý và như thế tương lai sẽ quản lý theo quy hoạch. Chúng tôi cho rằng điều này là phù hợp, cần được ủng hộ vì xu hướng phải cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần phải có các chế định đi kèm, đồng thời tăng cường hậu kiểm. Các chế tài phải đủ sức răn đe chứ không nên phạt cho vui, phải đủ mạnh để bảo vệ trật tự không gian đô thị chung và lợi ích của cộng đồng.

Ông HUỲNH THÀNH LẬP
(trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM)

__________

(*) Term of reference: các nguyên tắc tham khảo.

__________

Hệ thống pháp luật quảng cáo của các nước

Những tham khảo hữu ích

Các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển đều quy định cụ thể, chi tiết về nội dung, hình thức, cách thức tổ chức hoạt động quảng cáo, quyền và nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo.

Bảo vệ trẻ em trước quảng cáo

Cơ chế kiểm soát quảng cáo ở các nước này bao gồm một hoặc nhiều cơ quan chức năng của chính phủ có chức năng kiểm soát, hướng dẫn và xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo; một hoặc nhiều tổ chức xã hội như Hiệp hội các nhà dịch vụ quảng cáo, Hiệp hội các doanh nghiệp quảng cáo, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, có vai trò đưa ra các khuyến cáo, đề nghị, yêu cầu đối với việc quản lý hoạt động quảng cáo nói chung và quảng cáo hàng hóa, dịch vụ nói riêng.

Đạo luật về quảng cáo trên truyền hình của Hong Kong nhấn mạnh đến các lĩnh vực có khả năng tác động tới nếp sống văn hóa, thuần phong mỹ tục, cung cách làm ăn, các đối tượng đặc biệt cần bảo vệ trong xã hội.

Quảng cáo thuốc lá ở Hong Kong không bị cấm nhưng có quy định “không được dùng trẻ em để quảng cáo, không được truyền phát trong chương trình dành cho trẻ em hoặc vào thời điểm có thể thu hút sự chú ý của trẻ em”. Quảng cáo đồ uống có cồn chỉ được hướng tới người lớn tuổi, không được trình chiếu trong những chương trình dành cho trẻ em, không được diễn tả đồ uống có cồn như một nguyên nhân để đạt được thành công…

Việc quảng cáo chất gây cháy và các thiết bị liên quan hoàn toàn bị cấm trên truyền hình. Quảng cáo đồ lót, băng vệ sinh và các sản phẩm tương tự không được ồn ào, gây sự xấu hổ cho người xem và chỉ diễn ra trong chương trình dành riêng cho phụ nữ, không có quá hai quảng cáo loại này được phát trong một chương trình có thời lượng một giờ.

Quảng cáo phim của Hong Kong phải bảo đảm phim đó đã được phân loại và trình bày bằng biểu tượng thích hợp với bộ phim. Việc quảng cáo trong các chương trình có khả năng thu hút một lượng lớn trẻ em và quảng cáo có trẻ em tham dự phải tuân theo các hướng dẫn chi tiết của pháp luật về trẻ em.

Họ kiểm soát thông tin quảng cáo thế nào?

Ở Anh, Cơ quan Tiêu chuẩn quảng cáo (ASA) được thành lập từ năm 1962 để bảo đảm các quảng cáo (trừ quảng cáo trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình) được thực hiện theo quy định của Bộ luật quảng cáo và khuyến mãi Anh. Ở Anh hằng năm có trên 30 triệu quảng cáo được phát hành, vì vậy không thể kiểm tra mọi quảng cáo trước khi xuất hiện, nhưng những quảng cáo liên quan đến hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo hoặc hạn chế quảng cáo như thuốc lá, đồ uống có cồn… luôn được kiểm soát chặt chẽ.

Vai trò quan trọng nhất của ASA là chức năng tham vấn, hiệu chỉnh những quảng cáo lệch lạc. Mỗi năm, cơ quan này nhận được hàng chục nghìn khuyến cáo, kiện tụng như vậy. Nếu ASA cho rằng người quảng cáo đã phạm luật thì cơ quan này có quyền yêu cầu quảng cáo đó phải được dỡ bỏ hoặc sửa đổi. Trong trường hợp cần thiết có thể cảnh báo về quảng cáo đó trên các phương tiện truyền thông. ASA xuất bản nguyệt san đăng tải chi tiết các thẩm định và phán xét của mình.

Anh lập Cục Vô tuyến truyền hình độc lập của chính phủ (ITC), chịu trách nhiệm về mọi truyền phát vô tuyến truyền hình ở nước này, kiểm soát mạng lưới gồm 15 công ty truyền hình độc lập và các dịch vụ chương trình truyền thông cáp và vệ tinh. ITC có thể ban hành quy định về tiêu chuẩn quảng cáo, trong đó có cả các quy định cấm.

Mọi chương trình quảng cáo truyền hình ở Anh đều phải qua hàng loạt kiểm tra – từ việc chấp thuận của người quảng cáo tới thẩm định của Trung tâm thẩm định quảng cáo truyền phát với từng đoạn băng video trước khi truyền phát để bảo đảm chúng không vi phạm các điều luật. Mọi khuyến cáo, kiện tụng của công luận về quảng cáo sai lệch hoặc mang tính xúc phạm đều được ITC điều tra, xem xét.

Ở Mỹ, Hội đồng thương mại liên bang (FTC) là cơ quan của chính phủ có quyền thẩm tra đối với các loại hình quảng cáo. FTC thẩm tra, xử “các phương pháp thiếu lành mạnh trong cạnh tranh” và có quyền cao nhất trong việc xử lý các loại hình quảng cáo lừa dối.

Tại Singapore, việc giám sát thực hiện Bộ luật hoạt động quảng cáo được giao cho Ủy ban tư vấn xét xử về các chuẩn mực quảng cáo của chính phủ (ASAS). ASAS đưa ra khuyến nghị, hướng dẫn các nhà quảng cáo, công ty quảng cáo, chủ phương tiện truyền thông; có quyền yêu cầu nhà quảng cáo hoặc công ty quảng cáo sửa đổi, hủy bỏ bất cứ quảng cáo nào mà ASAS cho là trái luật; có quyền phán quyết bất cứ tranh chấp nào liên quan tới việc vi phạm luật.

Ở các nước khác như Úc, New Zealand, cơ quan quản lý nhà nước lại là Hiệp hội Quản lý tổ chức các nhà quảng cáo quốc gia, Cơ quan Quản lý tiêu chuẩn quảng cáo có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các quy định quản lý chuyên ngành quảng cáo thông qua một đơn vị tư vấn do cơ quan quản lý nhà nước thuê, soạn thảo và giải quyết các vấn đề tranh chấp thường ngày trong hoạt động quảng cáo.

Đơn vị tư vấn này hoàn toàn độc lập với cơ quan quản lý nhà nước và với ngành quảng cáo, có trách nhiệm tổng hợp, cụ thể hóa các tiêu chuẩn đạo đức liên quan đến hoạt động quảng cáo từ các bộ luật liên quan như Luật thương mại, Luật bảo vệ người tiêu dùng, Luật quảng cáo, Luật thông tin, Luật cạnh tranh…

C.P. (Theo Viện Nghiên cứu lập pháp)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.