TTCT – 1. Chẳng bao giờ em gửi anh một lá thư. Chẳng bao giờ em ngồi riêng bên góc bàn, cửa sổ ướt đẫm ánh trăng như điều người ta vẫn tưởng tượng là lãng mạn, lấy những tờ giấy thơm và nắn nót bắt đầu dòng chữ anh của em như cách người ta vẫn tin không bao giờ cũ.
Tình thư
Minh họa: Lê Thiết Cương |
Chẳng bao giờ em trải qua điều này: những dòng chữ sẽ dài thêm, hoặc chỉ cần ngần ấy, rồi em gấp lại, đút trong bì thư màu tím – ờ thì màu tím là màu đau tim mà, nếu không ngại ngùng, em sẽ vẽ hình một trái tim nho nhỏ phía người gửi và liền kề đó là trái tim lồng tên người nhận.
Để an toàn, phòng lỡ bạn anh tò mò soi lên soi xuống, em sẽ lót thêm vài chiếc lá – thứ lá ép khô mà em có hẳn nguồn gốc kèm tên gọi, rồi dùng keo dán, thậm chí là cơm nguội, quết đặc lên mép bì thư và dùng lòng bàn tay miết kỹ càng, kín mít mới thôi.
Em điền địa chỉ của anh mà em đã thuộc lòng, chầm chậm như học trò tập viết, nín thở và cảm thấy lồng ngực muốn vỡ tung khi đọc thầm Hanoi. Có lần, những Saigon, em chẳng ước được gần hay xa.
Lá thư đầu đời, em chưa gửi ngay đâu, hồi hộp và sợ hãi làm em mất ngủ thêm vài ngày nữa. Em lại phải giấu kỹ, chính dưới gối, để bố mẹ không phát hiện. Rồi em sẽ đợi một ban mai lăn tròn trên ngọn cỏ và run run đẩy tình thư vào hòm thư bằng gỗ, màu vàng, treo chếch ở cổng bưu điện, cũng màu vàng, như muốn trêu ngươi khả năng nhận biết sắc màu của em. Kể từ giây phút ấy, em đợi…
Thời em sinh không còn từ bưu tá. Nghĩa của nó đơn giản là người/bác đưa thư. Bác này kỳ lắm. Thời chiến tranh, bác mang thư và mang giấy báo tử, một cái nói rằng sống, một cái nói rằng chết. Nhưng hệ trọng như nhau. Vì nó thỏa mãn nỗi ngóng đợi khôn nguôi của người nhận, dẫu sau đó là hạnh phúc hay đau đớn tột cùng.
Bác nào cũng xe đạp thống nhất biển số, đủ rất dài và rất lâu để em hiểu chờ sái cổ là thế nào; về sau nâng cấp thành Honda các loại, đủ nhanh chóng để em biết Hanoi, Saigon gần em ra sao. Biết bao lần em chứng kiến bác đưa thư cưỡi Honda về làng, hết ngoặt trái rồi cua phải, rồi phanh gấp quay vòng như diễn xiếc; giữa mịt mù bụi đường, một đám trẻ hò reo bám đít, hít lấy làn khói đen mùi là lạ, lấm lét bấm bằng được cái còi rè rè dù bác đã cẩn thận giấu xe trong bờ rào. Bác oang oang có nhà không, ra nhận thư này.
Em chỉ mong có thế, đi như chạy nhưng vẫn phải giữ nét mặt bình tĩnh, vờ không rõ thư của ai, sao lại gửi cho cháu, có nhầm địa chỉ không bác. Bác dúi thư vào tay em, này thư từ vừa thôi nhá, học hành đi. Em nịnh bác vào nhà uống nước đã, đây là thư đôi bạn cùng tiến ấy mà! Bác gật gật, vậy thì tốt. Học thành tài thì được đi xe máy như xe bác đây này, xe Nhật chính hiệu nhá. Nhớ chưa? Em lí nhí dạ vâng rồi vút vào nhà.
2. Thời em sinh bì thư chuyển đổi chức năng sử dụng. Nó thuộc về chuỗi hành động phức tạp, công khai hoặc kín đáo, để thực thi những nghĩa vụ cao cả hoặc tầm thường, của/trong vô vàn tình huống đời thường. Ông Nguyễn Trãi hào hoa tinh tế tình thư một bức không phải là lựa chọn của bất kỳ ai hôm nay muốn có hàm tứ phẩm như ông. Họ sẽ cười ông vì ông hồn nhiên, cả tin và yếu đuối trong chốn quan trường lẫn tình trường.
Người đẹp đọc quốc âm có thể chưa tròn vành rõ chữ nhưng rành rẽ phân biệt các ngài tổng thống trên tờ xanh có nghĩa thế nào. Em đã cổ xưa như ngôi làng xưa cũ của nàng Dulcinea nên chẳng biết các chàng Don Quixote đang mê game và bia. Cối xay gió mơ mộng mất hút trong các email hay tin nhắn mà ở tít thung lũng mờ sương, em luôn có mỗi ngày, để hiểu rằng tam tứ núi cũng trèo là lời dối trá của anh trong thế giới phẳng. Giá có địa chỉ lá thư, em đã không như nàng Thị Mầu bồng con lên chùa nức nở.
3. Chúng mình yêu và chia tay rất hợp mốt. Em đã mươi lần ví von anh có mùi đất chua mặn, còn anh bảo đường cong này là người mẫu nghiệp dư. Nhưng bây giờ, khi thân thể em tan rữa, anh như con kiến chẳng biết tha gì, và kiệt sức trong ký ức trống rỗng…
MAI ANH TUẤN
Source: Báo Tuổi Trẻ