Đừng chạy trốn nếu có ý tưởng

TT – Đến VN tham dự Tuần lễ phim Đan Mạch, nhà làm phim tài liệu lừng danh người Đan Mạch Jørgen Leth không chỉ mang đến bộ phim Năm trở ngại (The five obstruction) mà còn tham gia những buổi giảng về điện ảnh tại Viện Goethe và Hãng Phim tài liệu khoa học trung ương.

Đạo diễn Jørgen Leth:

Đừng chạy trốn nếu có ý tưởng

Cảnh trong phim Năm trở ngại – Ảnh: jorgenleth.blogspot.com

Tuổi Trẻ có buổi trò chuyện với ông về định hướng làm phim cũng như những nội dung ông muốn chia sẻ với các nhà làm phim Việt.

* Thưa ông, ông nói những gì với các nhà làm phim tài liệu VN trong buổi làm việc ngày 6-12 tại Hãng Phim tài liệu khoa học trung ương?

– Tôi giới thiệu với họ về công cụ, ý tưởng khi làm phim, ví dụ những ghi chép và đưa ra các quy luật trò chơi và cả cản trở cho chính mình, làm sao để làm phim với nguồn tài chính nhỏ cùng phương pháp đối phó với những trở ngại khi làm phim. Một thông điệp nữa của tôi là đạo diễn nên độc lập trong việc thể hiện ý tưởng của mình và nên tạo sự tò mò cho khán giả.

* Ông nói đến việc làm một bộ phim với kinh phí tối thiểu. Làm sao để làm phim với điều kiện tối thiểu, và điều kiện tối thiểu để làm được một bộ phim là gì?

Đạo diễn Jørgen Leth – Ảnh: H.Điệp

– Mùa hè năm nay tôi vừa làm một bộ phim không tốn tiền tí nào. Phim làm ở Tây Ban Nha, dài 3 phút, người kể chuyện là người đàn ông du hành, phim được quay bằng điện thoại iPhone, câu chuyện đó ngắn và mang tính chất trinh thám. Diễn viên chính là tôi, kể chuyện là tôi và quay phim là con trai. Phim này được gửi đi dự thi liên hoan phim Đan Mạch, hiện có trên trang web của tôi (lethfilm.dk). Khi làm bộ phim ấy, tôi muốn gửi đến các bạn trẻ một thông điệp là các bạn có thể làm phim không tốn một tí tiền nào. Và đừng lấy bất kể lý do nào đó để mà chạy trốn nếu bạn có ý tưởng để làm phim, bởi tiền bạc, kỹ thuật chỉ là điều kiện nhỏ chứ không phải là quyết định cho các nhà làm phim giỏi và có nhiều ý tưởng.

Một điều nữa mà tôi muốn nói đến đó là hãy tận dụng tối đa những gì mình đã bỏ ra và sử dụng, ví như hôm nói chuyện với các bạn sinh viên trong Viện Goethe, tôi có đưa dẫn chứng là một bộ phim tôi thực hiện năm 1970 tốn hết 10 cuốn phim về một tay vợt tennis, mà trong cả 10 cuốn phim ấy tôi không cắt bỏ bất kể một khung hình nào. Đương nhiên điều đó rất khó bởi người làm phim phải hoàn toàn tự tin vào bản thân và có sự chắc chắn ngay từ đầu, nhưng cũng phải có sự sáng tạo với bài toán không bỏ đi cái gì.

Cạnh đó, tôi cũng giới thiệu với các nhà làm phim VN những bộ phim dùng nhiều tiền, trong đó sử dụng tới 100 kỹ thuật viên, 27 người quay phim trong một ngày. Việc làm phim nhiều hay ít tiền không quan trọng bằng trí tưởng tượng, cái đó mới là giá trị. Đặc biệt trong những phim ít tiền, trí tưởng tượng sẽ thú vị hơn nhiều.

* Bộ phim dài 3 phút mà ông thực hiện không tốn một đồng tiền nào có được trình chiếu tại VN không?

– Không, tiếc quá, bởi tôi không biết chiếu nó bằng cách nào.

* Có bao nhiêu bộ phim được thực hiện không tốn tiền?

– 15 phim.

* Có phim nào ông làm theo sự tác động của người khác? Hay tất cả đều là ý muốn của ông?

– Tất cả là sở thích và niềm quan tâm cá nhân, tôi cũng sẽ thực hiện phim theo ý tưởng của người khác nhưng đó là sự hứng thú của bản thân. Ví dụ như Chân dung một nhà thơ chẳng hạn. Tuy nhiên, so với các nhà làm phim khác, tôi may mắn hơn bởi tôi tự coi mình là tác giả. Tất cả những phim tôi đã thực hiện không có phim nào là kịch bản của người khác.

* Đã khi nào ông tiếp xúc với điện ảnh VN?

– Tiếc là thời gian tôi sang VN không nhiều nên chưa được xem một bộ phim nào, tuy nhiên tôi dự đoán rằng ở VN cũng sẽ có những cá nhân làm phim theo ý tưởng của mình. Cũng như ở Trung Quốc hay Đài Loan, các nhà làm phim bày tỏ thái độ của mình đang nổi lên.

* Ông có nhìn thấy cơ hội cho điện ảnh Việt?

– Tôi thấy nhiều cơ hội cho nhà làm phim VN khi những năm gần đây Liên hoan phim Cannes đang dành cơ hội cho những nền điện ảnh không lớn: Iran, Thái Lan, Romania… Cả giám khảo và khán giả đang bày tỏ sự thích thú phim ảnh thuộc nền văn hóa khác mang tính nghệ thuật chứ không chỉ giải trí thông thường. Nếu các nhà làm phim Việt chọn những vấn đề văn hóa, lịch sử đất nước mang dấu ấn của riêng bạn thì cơ hội cho điện ảnh Việt rất lớn bởi đã có sẵn sự quan tâm và trông đợi rồi.

* Ông đã nhìn thấy những gì ở VN có thể trở thành chất liệu cho phim tài liệu của mình?

– Tôi chẳng quan tâm đến chính trị mà chỉ để ý đến cuộc sống hằng ngày. Tôi thấy những gì trên đường phố rất thú vị. Tôi thích đi theo những người bán hàng hay người ngồi trên xe máy. Hoặc có thể muốn tìm hiểu sâu hơn một gia đình làm gì, người nông thôn sống thế nào nhưng chưa xác định được chủ đề cụ thể.

Tôi là người nhạy cảm, tò mò và tự coi mình là nhà nhân chủng học, là nhà thơ nên những gì đơn giản nhất về đời sống hằng ngày cũng có thể là đề tài thú vị để tôi làm phim. Còn đối với phim truyện, tôi nhìn thấy con người, đường phố, đô thị nơi đây phù hợp làm bối cảnh cho phim kịch tính.

HOÀNG ĐIỆP thực hiện

Sinh năm 1937, đạo diễn người Đan Mạch bắt tay vào làm phim tài liệu nghệ thuật từ năm 1967 với bộ phim Con người hoàn hảo (The perfect human) dưới góc nhìn nhân chủng học (trong phim ông đóng vai chính). Bộ phim vừa ra mắt đã nhận được sự đánh giá tốt của những nhà phê bình điện ảnh trong nước. Còn bộ phim Năm trở ngại chính là thách thức của người học trò với ông khi yêu cầu ông làm lại nội dung của Con người hoàn hảo nhưng với năm điều kiện khắc nghiệt: làm phim tại Cuba, chỉ làm phim với 12 hình/giây, quay ở phố đèn đỏ Bombay, thể hiện dưới dạng hoạt hình (một loại hình mà ông rất ghét), đạo diễn phải thể hiện phần lời bình phim về năm trở ngại này… Phim đã thu hút sự chú ý trong buổi chiếu ra mắt toàn thế giới tại Liên hoan phim Venice 2003.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.