Ham làm ông chủ, sinh viên thành con nợ

(Dân trí) – Chưa có kinh nghiệm, lại nhìn nhận việc kinh doanh đơn giản, không ít sinh viên hay cử nhân vừa ra trường có tâm lý nóng vội làm giàu thật nhanh. Để rồi khi thất bại không phải ai cũng có thể vực dậy để xem đó là cơ hội cọ xát.

Vỡ nợ ngay khi làm ông chủ

Đầu năm thứ 2, khi bạn bè còn tập trung đầu tư cho bài vở với những kiến thức cơ bản ở giảng đường và bắt đầu bằng những việc bán thời gian tích lỹ kinh nghiệm thì S.H, sinh viên (SV) một trường ĐH tại TPHCM nảy ra ý tưởng mở tiệm Internet ở quê. H tính, mở tại nhà không mất tiền mặt bằng, chi phí các thứ đều thấp, đầu tư 20 máy, mỗi máy bình quân hoạt động 10 tiếng/ngày, mỗi tháng sẽ thu lời hàng chục triệu mà chẳng phải mất công sức gì. Nhìn toàn thầy mặt thuận lợi, H nhờ bố mẹ vay ngân hàng, cậu còn vay mượn thêm của bạn bè gần 200 triệu đồng để thực hiện kế hoạch làm giàu của mình.


Nhiều SV vừa ra trường, chưa kinh nghiệm nhưng rất nóng lòng làm… sếp (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Nhưng chỉ hơn một tháng sau, khác với khí thế ban đầu, H suy sụp hẳn. Khi bắt tay vào dự án, nhiều bất cập xuất hiện mà H không lường được trước nên lại càng rối. Chẳng có kinh nghiệm về máy móc, H vội mua lại hàng máy tính thanh lý của một tiệm nét vì ham giá rẻ, nghĩ rằng sắm được nhiều máy lãi càng nhiều. Giàn máy đã kém, chuyển được về quê của H thì chẳng khác nào đống sắn vụn, H lại phải gọi thợ đến sửa. Khi “đống sắt” khởi động được, H liên hệ với bưu điện để kết nối đường truyền Internet thì “té ngửa” được biết khu vực nhà mình chưa có cáp quang. Hàng chục bộ máy chỉ vài chiếc hoạt động, H đã phải “vớt vát” bằng cách cho thuê chơi game offline nhưng cũng sớm “chết yểu” vì khách không chuộng, không có người trông mà máy móc lại hỏng liên tục. Tài sản gần 200 triệu đồng của H được thanh lý với khoản tiền chỉ có thể mua nổi một bộ máy tính mới.

Kết thúc dự án, H gánh một món nợ khổng lồ không ngừng đẻ lãi. Chưa kể, việc học hành của H cũng ảnh hưởng rất nhiều vì ý tưởng kinh doanh này.

Không đến mức “non nót” như H nhưng N.Đ.T (cựu SV trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng bấp bênh trên con đường “làm chủ” của mình và đến giờ vẫn “tay trắng”. Ra trường, T đi làm cho công ty bất động sản với thu nhập khá nhưng không chịu nổi cảnh mình học cao mà phải làm theo ý người khác, T quyết tâm mở công ty về lĩnh vực nội thất nhôm kính để ngồi vào ghế giám đốc dù trong tay chẳng vốn cũng chưa nhiều kinh nghiệm.

Công việc chẳng như lý thuyết T vẽ ra cứ có khách là mình bán lãi gấp 2, gấp 3 lần. Tiền thuê địa điểm, tiền hàng, tiền lương nhân viên… T đều vay nặng lãi nhưng đến khi làm chủ T mới biết, tìm được lượng khách để có thể duy trì một doanh nghiệp không dễ như khi mình làm nhân viên. Công ty phá sản, T ôm khoản nợ lớn nhiều năm vẫn phải chạy trả lãi. Áp lực “giám đốc” làm T khó quay về để làm lại từ đầu nên trong khi bạn bè nhiều người từng bước vững vàng đi lên thì T đang bỏ về quê sống nhờ bố mẹ và vẫn nuôi mộng… một bước thành ông chủ.

Phải có kiến thức vững vàng

Việc SV khởi nghiệp, thậm chí là chủ khi còn nghề trên ghế nhà trường hiện nay không hiếm và đó là điều rất đáng khích lệ. Thế nhưng số người có thể gọi là thành công không nhiều vì hầu hết họ không lường hết được những khó khăn khi đưa ra những ý tưởng của mình vào thực tế. Nhiều trong số các doanh nghiệp mọc ra rồi đóng cửa cũng thuộc về các ông chủ non trẻ.


SV, cử nhân tại TPHCM tại một chương trình tư vấn về khởi nghiệp.

Ảo tưởng về khả năng của bản thân, nhiều SV nghĩ khi ra ra trường mình có thể làm sếp ngay lập tức dù họ có thể chưa biết để có thể chèo lái một doanh nghiệp đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Lý do “phải làm chủ” của SV cũng rất khôi hài. Có người đua theo bạn bè, có người làm chủ vì muốn được là “tay trên” người khác, người lại muốn giàu thật nhanh, thậm chí một SV năm cuối trường Bách khoa TPHCM từng khẳng định ra trường sống chết gì cũng phải làm giám đốc vì… không muốn dân Kỹ thuật điểm đầu vào ĐH cao hơn nhưng ra trường cứ phải đi làm thuê cho dân Kinh tế.

Nhiều chuyên gia đánh giá, SV mới ra trường thường rất nôn nóng làm giàu nên họ thường đòi hòi mức thu nhập cao hoặc vội vàng muốn được làm chủ mà quên nhìn nhận vào thực tế. Vì thế cơ hội làm việc cũng như cam kết lâu dài của họ với doanh nghiệp không cao. Chính điều này đã hạn chế cơ hội được học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cho người trẻ nên khi ra riêng họ dễ gặp thất bại. Và cũng vì thiếu sự cọ xát nên khi gục gã họ khó vực dậy hơn.

Tại chương trình giao lưu “Bàn về chiến lược khởi nghiệp – Nhìn thấy tương lai trong hiện tại” do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và Hội doanh nhân trẻ TPHCM tổ chức mới đây, ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ nhiệm kiêm Tổng giám đốc công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) nhấn mạnh kinh doanh cũng giống như người bệnh khi đối mặt với ca phẫu thuật quan trọng phải ký vào biên bản chấp nhận rủi ro. Một trong những tố chất cần thiết của người làm kinh doanh, đặc biệt là người làm chủ là phải dám dấn thân và tư tưởng dám hy sinh. Nhưng không thể vì thế mà làm liều, người kinh doanh cần chủ động lường được mức độ rủi ro để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Ông Trai khuyên với những người mới lập nghiệp, đừng quá vội tìm cái mới mà hãy học thêm cái cũ, học thêm từ những người đi, tránh những cái sai người khác đã gặp phải để chọn ra hướng đi đúng đắn là khắc phục hoàn toàn những cái sai đó. “Và để làm được điều này, các bạn cần trau dồi cho mình kiến thức khi đang đi học. Muốn kinh doanh thành công bền vững trước hết cần phải có kiến thức vững vàng chứ đừng chờ vào may mắn”, chuyên gia này khẳng định.

Hoài Nam

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.