Kỹ năng tư duy sáng tạo

AT – Bạn có biết một cặp dưa vuông hiện nay trị giá 1,5 triệu đồng? Và bạn có biết để sản xuất ra quả dưa ấy vô cùng đơn giản?

Kỹ năng tư duy sáng tạo

Việc tạo ra một quả dưa vuông không khó, nhưng để có ý tưởng đó thì phải hàng nghìn năm!

Chỉ cần để quả dưa còn non vào trong một chiếc hộp cứng, thế là bạn sẽ có một quả dưa đặc biệt. Hãy nghĩ xem, điều gì khác sẽ xảy ra nếu bạn để quả dưa từ lúc còn nhỏ vào một cái hộp hình trái tim? Hình hồ lô? Thậm chí hình mặt cười?

Thời đại của ý tưởng

Ý tưởng làm những món quà tặng bằng mùn cưa trộn với hạt giống để vào trong vỏ trứng đã làm giàu cho chủ nhân của ý tưởng ấy trong vòng chưa đầy một năm. Với lối thuyết trình sáng tạo bằng cách dùng búa để đập mảnh kính không vỡ trước mặt khách hàng, anh chàng tiếp thị mặt hàng kính không vỡ tháng nào cũng đứng đầu về doanh số.

“Thời đại của ý tưởng đã đến”. Thế giới ngày nay là một thế giới phẳng mà ai tạo được sự khác biệt người đó sẽ chiến thắng. Để phóng một tờ giấy ra xa nhất có thể có, hầu hết mọi người đều nghĩ đến cách xếp nó thành một chiếc máy bay. Tuy nhiên, kết quả chỉ là sự lạng lách vô định, khó đi xa và chẳng trúng đích. Rất ít người nghĩ đến cách chỉ cần vo nó lại rồi ném đi sẽ xa hơn nhiều và chính xác hơn rất nhiều. Với sự sáng tạo, chúng ta có những cách nghĩ cách làm ít tốn sức, ít tốn thời gian mà hiệu quả lại cao.

Sự sáng tạo có thể ứng dụng trong mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ trong việc tìm ra phương pháp học hành hiệu quả của học sinh cho đến phương pháp làm việc hiệu quả của người đi làm hay nghĩ ra những ý tưởng đột phá để kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ có số ít dân số là người sáng tạo.

Vì sao chúng ta không sáng tạo?

Thứ nhất, do lối mòn tư duy. Hễ nói đến mở đầu bài thuyết trình là học sinh sinh viên nào cũng liền nghĩ đến câu: “Kính thưa quý thầy cô và các bạn, ngày hôm nay nhóm chúng em sẽ thuyết trình về chủ đề abc, xin mời mọi người cùng chú ý lắng nghe”. Hễ nói đến nón là người ta nghĩ đến công dụng duy nhất là đội lên đầu. Hễ là bóng đèn thì nó sẽ sáng. Đó chính là những lối mòn tư duy, được hình thành do nhận thức ấy nhiều lần lặp đi lặp lại trong suy nghĩ. Tuy nhiên, nếu nghĩ khác đi, bạn sẽ có sự hiện diện của sáng tạo: tại sao chúng ta không mở đầu một bài thuyết trình bằng một câu chuyện, một câu tục ngữ, một hình ảnh, một vật mẫu hay một trò chơi nho nhỏ? Sự mới lạ sẽ thu hút và tạo ấn tượng hơn nhiều.

Thứ hai, do tính ì tâm lý. Lối mòn tư duy ai cũng có, tuy nhiên có người vượt qua được, có người thì không – họ cứ lẩn quẩn với những ý nghĩ cũ, lối làm cũ. Nếu bạn càng khó vượt khỏi lối mòn trong tư duy thì tính ì càng cao.

Bài tập: Trong vòng 3 phút, hãy ghi ra giấy tất cả các công dụng của một tờ giấy.

Kết quả: Trên 20 công dụng: rất linh hoạt (không bị ì); trên 15 công dụng: khá linh hoạt (ít ì); trên 10 công dụng: trung bình (tương đối ì); trên 5 công dụng: ì nhiều; dưới 5 công dụng: rất ì.

Ths NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU
(giảng viên khoa tâm lý giáo dục,  ĐH Sư phạm TP.HCM)

Áo Trắng số 22 ra ngày 01/12/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.