TTCT – Tôi lập gia đình đã được 18 năm, mối quan hệ giữa tôi và người vợ Việt đang dần rạn nứt do những khác biệt trong cách nuôi dạy con ngày một lớn.
Thế hệ… gối ôm Nỗi lòng những người cha Những đứa trẻ “gối ôm” không chỉ là hậu quả của một kiểu nuôi dạy “bao cấp”, chăm bẵm quá mức. Có khi chúng trở thành tác nhân gây “mất đoàn kết” giữa cha mẹ mình, như qua những câu chuyện dưới đây. || Thế hệ gối ôm || Gối ôm tròn nhưng cũng có hai mặt || Chỉ nên ăn học, đừng quan tâm việc khác? || Hãy động viên, nhưng đừng làm thay chúng tôi || Hơn cả gối ôm, đó là “thế hệ gấu bông” || Tôi chưa trưởng thành về cảm xúc || |
Một kiểu chăm con kỳ lạ
Minh họa: Vũ Đình Giang |
“Đứa trẻ”… 17 tuổi!
Cụ thể, tôi rất tôn trọng sự độc lập và riêng tư của con. Đa số phụ huynh phương Tây đều để trẻ ngủ phòng riêng từ lúc chúng lên 3. Chúng tôi thường tập cho trẻ phải tự làm nhiều thứ từ nhỏ, chẳng hạn như việc đeo balô hoặc kéo vali của mình mỗi khi đi du lịch, ra sân bay… Chúng tôi thường giáo dục trẻ phải sớm biết chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Nếu chúng lỡ nghịch và bị phỏng, té thì chúng tôi muốn các con hiểu đó chính là lỗi của chúng. Đây cũng là cơ hội để chúng học hỏi, biết đau để sau đó không làm điều tương tự.
Trong khi đó, phụ huynh Việt thường rơi vào hai khuynh hướng: hoặc sẽ đét đít đứa nhỏ ngay khi nó làm gì sai mà không cần giải thích, hoặc sẽ vỗ về theo kiểu “cái ghế này hư nè”, “cục đá này kỳ ghê”… và làm cho trẻ tin rằng đó là do bản thân xui xẻo, không phải do mình gây ra nên chẳng cần phải suy nghĩ nhiều về việc vì sao mình bị như vậy.
Tôi nhớ có lần con trai (lúc đó 8 tuổi) bị té xe đạp do phóng nhanh trong hẻm, vết thương ở tay và chân khá nặng nên con phải nghỉ học cả tuần lễ. Thay vì hỏi cặn kẽ để biết lý do, nói cho con những điều nên và không nên khi chạy xe ngoài đường thì vợ tôi lại quyết định sau đó sẽ tự mình chở “quý tử” đi học bằng mọi giá, khi vợ bận thì tôi buộc phải là người thay thế.
Vợ tôi giảng giải rằng đường phố ở Việt Nam quá xuống cấp, nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Xe ôm? Vợ tôi cho rằng không nên tin tưởng giao con cho bất kỳ ai.
Sợ bất đồng không đáng xảy ra, tôi đành ngậm tăm làm theo “chỉ đạo” của vợ dù lòng không vui. Nhiều khi phờ phạc vì công việc nhưng nhận được tin nhắn kêu đón con là tôi buộc phải dừng lại hết mọi việc, lật đật đi đón thằng bé nếu không muốn nhìn thấy gương mặt cau có của vợ khi về nhà. Vấn đề là ở chỗ hai vợ chồng đều mệt mỏi mà thằng bé cũng chẳng vui vẻ gì.
Nhiều lần do chúng tôi kẹt xe hoặc thằng bé học ra sớm, nó phải đứng đợi một mình ở cổng trường. Những lần đưa đón con đi sinh nhật bạn, tôi buộc phải đứng đợi bên ngoài bởi theo lời vợ: “Phải canh xem tụi nhỏ có rủ rê con mình làm điều gì bậy bạ không”.
Một số lần tôi phải đứng chờ con dưới mưa, lạnh buốt. Thằng bé hiểu chuyện, thương cha nên tự nguyện rời cuộc vui sớm, tiu nghỉu leo lên xe về nhà. Lúc đó, con tôi đã là chàng trai 15 tuổi. Họ hàng tôi bên Mỹ khi nghe chuyện này đều trố mắt nhìn. Ngay bản thân tôi cũng chưa từng chứng kiến một kiểu chăm con như vậy ở Mỹ hay những quốc gia mình từng tới công tác.
Theo chân con cả khi con… du học
Có những lần con muốn gây bất ngờ cho gia đình. Con học lóm và thử nấu vài món ăn, tự lau nhà, giặt đồ… Vẻ mặt đang hớn hở của con nhanh chóng bị dập tắt khi nhận được lời chê thẳng thừng từ mẹ: “Không biết và không ai bảo thì đừng bày đặt. Nhà lỡ cháy thì mọi người có mà dọn ra đường ở”. Thấy vợ lớn tiếng với con, tôi cũng muốn bênh vực nhưng sự nhu nhược khiến tôi chững lại.
Tôi thường tìm cơ hội trò chuyện cùng con về những vấn đề liên quan đến tình dục, giới tính… nhưng vợ tôi cho rằng tôi đang “vẽ đường cho hươu chạy” nên không đồng ý. Chuyện thằng bé có bạn gái cũng bị vợ tôi làm ầm ĩ. Vợ tôi tuyên bố: “Chừng nào chưa tốt nghiệp đại học thì đừng mơ mộng chuyện đó!”. Khoảng cách giữa ba chúng tôi cứ thế giãn ra.
Chúng tôi cho con du học ngay khi cháu hoàn thành chương trình lớp 10 tại Việt Nam.
Qua Mỹ, tôi thấy con có vẻ hạnh phúc hơn rất nhiều so với lúc ở nhà. Nhìn con vui vẻ dẫu phải tự nấu nướng, dọn dẹp quần áo và tự học… tôi như trút được một gánh nặng trong lòng.
Tuy vậy, tôi nghe vợ bàn tính sẽ qua Mỹ thăm nuôi con một thời gian trước khi cháu tốt nghiệp cấp III! “Con mình còn con nít quá, không có người trông coi và hướng dẫn thì không khéo nó lại chọn ba cái ngành tầm phào chứ không phải y, dược thì khổ” – vợ tôi giảng giải.
Hôm bữa nghe hai mẹ con nói chuyện đó qua Skype, tôi nghe giọng thằng bé buồn xo.
Vài tuần trước, con “bí mật” chia sẻ với tôi về chuyện đang có bạn gái và ý định thi vào ngành khoa học vi tính. Con buồn có lẽ vì biết mình sẽ phải “dẹp mộng” cả hai thứ trên khi mẹ qua tới nơi…
SAM G. (doanh nhân người Mỹ)
CÔNG NHẬT (ghi)
__________
Đừng xem nhẹ giai đoạn ấu thơ
Là một thạc sĩ giáo dục học, tôi có thể khẳng định sự thành công hay thất bại của một đứa trẻ trong tương lai liên quan nhiều đến cách chúng được cha mẹ ủng hộ, dạy dỗ lúc nhỏ.
Tôi và vợ (là người Việt) có một con gái 2 tuổi tên Emma. Chúng tôi đều làm trong lĩnh vực giáo dục nhưng đôi khi vẫn gặp bất đồng trong cách dạy con.
Một điều ít ai biết não của trẻ dưới 8 tuổi thường có khả năng tiếp thu trung bình nhanh gấp ba lần người lớn, vì thế chúng quan sát, học hỏi mọi thứ rất dễ dàng.
Vậy mà nhiều người Việt truyền thống thường cho rằng trẻ con độ tuổi này cần được bao bọc kỹ lưỡng và không nên dạy dỗ, uốn nắn nhiều. Đó là lý do chúng ta thường thấy cảnh người bà hoặc mẹ chấp nhận cầm tô thức ăn chạy vòng vòng theo đứa trẻ đã 4 tuổi chỉ mong chúng chịu ăn vài muỗng…, để rồi sau đó thắc mắc vì sao con mình lớn lên không thể kiếm được việc làm, không có động lực học và thiếu bản lĩnh sống, sợ sệt đủ thứ. Họ không gieo hạt đúng cách thì sao có thể đòi quả ngọt.
Vợ tôi và cô bảo mẫu người Việt ngạc nhiên khi thấy tôi đưa muỗng cho con tập dùng lúc bé mới 6 tháng tuổi. Tôi giải thích rằng trước tiên cần cho con quen tay và sau đó con sẽ bắt đầu quan sát, bắt chước cách mọi người dùng vật dụng này như thế nào. Thật vậy, vài tháng sau Emma đã có thể cầm muỗng một cách cứng cáp và biết tự đút ăn trước 2 tuổi.
Khi Emma chập chững biết đi, tôi chỉ cho cháu biết thùng rác và làm vài động tác giả để cháu hiểu đây là nơi để bỏ đồ dơ. Chỉ vài tuần sau Emma đã có thể làm điều tương tự. Đối với trẻ nhỏ, những bài học này là những trò chơi thú vị và chúng luôn vui vẻ tiếp thu hết mình.
Hiện tại, mỗi khi Emma thảy đồ dơ xuống đất (thói quen của mọi đứa trẻ) tôi không nhặt lên, thay vì vậy tôi sẽ nói lớn, giọng nghiêm “thùng rác” và Emma sẽ ngay lập tức cầm đồ lên đem bỏ vào thùng rác.
Những nhiệm vụ nho nhỏ này quan trọng bởi chúng giúp trẻ dần dần học được cách tự chịu trách nhiệm, cảm thấy được tin tưởng… từ đó sẽ trở nên tự tin, ngoan ngoãn hơn.
Một điều khác cần quan tâm là phụ huynh nên biết phân biệt đâu là “khóc tốt” (good crying) và đâu là “khóc xấu” (bad crying) ở trẻ. Một đứa trẻ khóc để cha mẹ biết mình bị té hay đang gặp vấn đề trong người là “khóc tốt”. Một đứa trẻ khóc khi bị từ chối mua đồ chơi mà chúng vòi vĩnh là khóc “xấu”. Sự thỏa hiệp với “khóc xấu” sẽ làm trẻ sớm tạo ra một suy nghĩ sai lầm: cứ khóc là những đòi hỏi của mình dù đúng hay sai sẽ được thực hiện. Trong trường hợp này, phụ huynh nhất thiết phải nghiêm khắc, tỉnh táo để giáo dục trẻ.
Những sự khác nhau đơn giản này có phải phụ huynh nào cũng biết?
CODY FUSTON
(người Mỹ, thạc sĩ – giảng viên Đại học Gloucestershire, Anh)
CÔNG NHẬT ghi
Thà “gối ôm” còn hơn “kẹo mút” (*)! Cậu tôi có ba người con, trai gái đủ cả. Cậu cật lực lao động ngày đêm mà không có thú tiêu khiển nào khác ngoài tranh thủ đưa đón con cái đi học, đi sinh hoạt đội nhóm, thậm chí cả đi chơi, sinh nhật bạn bè… Các con cậu học giỏi, ngoan ngoãn và cũng bàng quan với những gì thân thương gần gũi nhất. Cậu lo xa đã cho chúng học ngoại ngữ từ nhỏ với người bản xứ, học bơi, tập leo trèo, chơi thể thao, biết đi xe máy và thậm chí lái ôtô dù chưa đến tuổi. Cậu dạy con rất chu đáo cách ứng phó trong từng trường hợp nhưng chưa cho chúng thử nghiệm lớn một lần, bởi với cậu con cái không thể là vật thử nghiệm. Quả thật, chúng chẳng bao giờ được đi đâu khỏi nhà một mình, hầu như lúc nào cũng có cậu hay mợ thay nhau kèm cặp cạnh bên. Cậu vẫn biết bảo bọc kỹ càng giống như sống trong môi trường vô trùng, sẽ rất an toàn song chậm tạo kháng thể miễn nhiễm cho con, nhưng thà thế còn hơn thả chúng ra sớm quá, sợ không đủ sức kháng cự trước bao cạm bẫy… Rồi dù chậm thì chúng vẫn phải lớn. Năm ngoái, cậu đưa hai con đầu du học tại Pháp và Mỹ, qua bên đó một mình chúng khắc tự biết lo thân. Sau vài tháng bỡ ngỡ, giờ hai anh em đã thích nghi được, thậm chí thích thú với môi trường mới. Tôi không hoan nghênh cách nuôi dạy kiểu “úm” con của cậu mợ mình, và tôi vẫn đang loay hoay chọn cách giáo dưỡng đôi thiên thần nhỏ của mình sao cho khỏe mạnh, sống tự lập, trách nhiệm và yêu thương. Con tôi mới 2-3 tuổi, đôi khi mẹ phải nén cảm xúc để không làm chuột túi cho con hoài. Tuy nhiên, nếu chưa tìm được cách nào hay hơn thì thà tôi đành chịu con mình “ôm gối” hơi lâu một chút rồi tập gỡ ra từ từ, còn hơn thành “kẹo mút chơi bời”. TRÂN CHÂU (TP.HCM) ___________ (*) nickname của kẻ cùng bạn gây tai nạn giao thông chết người còn huênh hoang tự đắc trên mạng. |
Source: Báo Tuổi Trẻ