Tu viện – lớp mầm non nhân văn

AT –  Ngày tôi còn nhỏ trường mầm non rất ít, không nở rộ như bây giờ và tụi tôi trước khi vào lớp một sẽ được ba mẹ gửi học với các cô giáo làng hay các nhà giữ trẻ kiêm luôn dạy vài chữ O, A.

Bài tham dự cuộc thi tùy bút “Ngôi trường trong trí nhớ”

Tu viện – lớp mầm non nhân văn

Ảnh: flickr

Ngày ấy thị xã nhỏ bé của tôi duy nhất chỉ có một nhà trẻ và ở đó chủ yếu là con cái của các vị quan chức, công nhân viên khá giả, còn bọn trẻ nghèo thì chỉ trường làng thôi. Khắp Sa Đéc khi ấy nổi tiếng với tu viện Chúa Quan Phòng – một trường học gia đình.

Tu viện không hẳn là trường học mà là nơi các giáo dân gửi con mình để các xơ dạy giáo lý, rèn luyện và tu dưỡng đạo giáo. Dần dà tu viện thành trường học với đủ các cấp từ mầm non đến trung học. Có những trẻ em, thiếu niên hư hỏng không chịu học hành được ba mẹ gửi nội trú lại trường, sau một thời gian dưới sự huấn luyện khắt khe của các xơ, chúng đã ngoan ngoãn và còn học rất giỏi. Tu viện là ngôi trường đầu tiên và đặc biệt khắc sâu trong tâm trí của kẻ ngoại đạo như tôi.

Còn nhớ ngày đầu tiên đi học, tôi đã sợ hãi khi thấy toàn những người ăn mặc “không đẹp”, mặt lúc nào cũng nghiêm nghị, khó đăm đăm. Tôi đã không dám buông tay mẹ vì trước khi đi học mẹ và mấy chú thím ở xóm đều bảo học ở đó hở ra một chút là bị đòn ngay, mấy xơ khó lắm!

Rồi mẹ cũng trao tay tôi cho một người mặc nguyên bộ đồ xanh đậm giản dị mà mặt thì rất “ác”, không biểu cảm sự chiều chuộng, thương yêu tí nào. Bà y như mụ phù thủy độc ác trong truyện Bạch Tuyết – đó là cảm nghĩ non nớt của tôi khi ấy. Dáng mẹ nhỏ dần rồi mất hút sau cổng xa tít tắp ngoài kia cũng là lúc tôi khóc òa như mẹ đã bỏ rơi mình. Giật tay, tôi chạy ùa theo mẹ, bà phù thủy vẫn đuổi theo sau và chộp được tôi. Mắt tôi nhắm nghiền, sợ gương mặt lạnh ấy mà kêu mẹ thê thảm. Rồi một bàn tay nhăn nheo, hơi run rẩy của ai đó lau những giọt nước mắt trên má, vỗ vỗ vào mông tôi và xưng ngoại khiến tôi bớt sợ và không biết ngoại đã dụ thế nào mà tôi nín khóc và te te theo ngoại. Đôi mắt ngoại nhăn nhúm nhưng rạng ngời, đầy yêu thương.

Sau khi được ngoại thưởng một hũ yaourt, tôi không sợ nữa và bắt đầu hòa nhập vào đám trẻ xôn xao của chị Hồng. Chị bị ba mẹ bỏ rơi trước cổng tu viện và ngoại đã nuôi chị cùng rất nhiều những đứa trẻ như chị. Chị Hồng thích mèo, có lần bị mèo cắn chị tức quá cắn lại ngay lỗ tai con mèo. Mấy xơ ai cũng gọi chị là Hồng “Khùng”. Chị thường ăn mặc luộm thuộm, đeo nhùng nhằng những hạt chuỗi, cài hoa… nhưng chị rất vui, dạy tụi nhỏ xếp hàng đều tăm tắp và chơi đủ thứ trò chơi khiến bé nào miệng cũng cười toe.

Ngôi trường ấy thân thương nhất đời tôi, vì ở đấy tôi không gọi cô giáo bằng cô mà gọi bằng dì Năm, dì Sáu, hiệu trưởng thì gọi bằng bà ngoại. Từ lúc nào trường như một gia đình thứ hai vậy, phù thủy bỗng hóa người thân yêu, rất hiền lành. Trường rất rộng, trồng nhiều hoa. Hoa đẹp tuyệt là nhờ chú Để – chú làm vườn cho tu viện. Chú cũng là một đứa trẻ đáng thương khi đôi chân tật nguyền của chú, đã làm ba mẹ bỏ rơi chú nhưng ở đây chú có bà ngoại thương yêu, có những đứa trẻ thơ rất thích chú, quấn quýt bên chú líu lo.

Ngoài giờ học, trẻ ở tu viện được chơi đùa, ăn uống và ngủ trưa không khác gì ở nhà nên khi đã quen, tôi và mấy đứa đồng trang lứa ở xóm đều mê đi học, chủ nhật ở nhà là bức bối, nhớ dì Sáu, chị Hồng rát ruột.

Tuổi thơ tôi trôi đi, trôi nhẹ nhàng cùng thời gian. Chị Hồng giờ đuôi mắt đầy những dấu chân chim, chị đã đeo kính lão nhưng tóc đuôi ngựa vẫn nhong nhỏng cao, cổ vẫn đầy những hạt trai đủ màu, miệng vẫn nghêu ngao xếp hàng cùng lũ trẻ. Còn chú Để, đôi chân khập khiễng ấy vẫn đưa tụi nhỏ sống nội trú trong tu viện ngày ngày đến trường. Các dì, bà ngoại vẫn nghiêm nghị nhưng đằng sau gương mặt lạnh băng ấy là những yêu thương nồng ấm, đưa bao lớp trẻ đến với tri thức và tình người – bài học đầu đời đầy nhân văn mà tôi không bao giờ quên. 

THU HIỀN (Sa Đéc)

Áo Trắng số 23 ra ngày 15/12/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.