Nạn đua xe trái phép lan rộng cả nước, không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM mà vùng nông thôn cũng hình thành các băng nhóm đua xe. Từ đua xe, các tay chơi chuyển sang cướp giật và các tệ nạn khác. Xã hội bất an vì nhóm tội phạm này.
Ở TPHCM, mỗi đêm có đua xe, người dân sợ hãi vì từng đoàn mô tô nổ máy kinh thiên động địa. Chưa kể hàng ngàn “cổ động viên” ùa theo ủng hộ, la hét. Một bộ phận thanh, thiếu niên lao theo trò chơi này mà bỏ học, hư hỏng.
Mỗi lần có đua xe là có tai nạn xảy ra, không ít trường hợp người đi đường bị bọn đua xe tông chết oan ức. Cảnh sát giao thông triển khai nhiều đợt trấn áp, bắt giữ hàng trăm xe máy. Nhưng bao nhiêu năm nay, gần như bất lực.
Đó là điều hết sức vô lý.
Chính quyền có lực lượng cảnh sát và các công cụ hỗ trợ khác trong tay. Chính quyền lấy luật pháp làm công cụ trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Đối với nạn đua xe trái phép, dứt khoát dẹp được. Theo dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 34 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đua xe trái phép sẽ bị phạt từ 30- 40 triệu đồng kèm theo hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn và tịch thu xe không phân biệt chủ sở hữu.
Có ý kiến cho rằng tiêu hủy sẽ gây ra lãng phí. Nhưng xét kỹ sẽ thấy không lãng phí, chỉ cần tịch thu tiêu hủy một vài đợt, nạn đua xe trái phép sẽ giảm. Chưa kể, đốt vài trăm, thậm chí vài ngàn chiếc xe đua trái phép để lập lại trật tự, hạn chế tai nạn giao thông, cứu nhiều thanh – thiếu niên thoát khỏi tệ nạn xã hội và giữ gìn sự bình yên cho người dân thì cũng đáng.
Đua xe trái phép sẽ bị tước giấy phép lái xe không thời hạn, bị phạt tiền 40 triệu đồng, bị tịch thu và tiêu hủy xe. Người nào không chịu phạt tiền thì bị cưỡng bức lao động công ích có giá trị ngày công tương đương với số tiền bị phạt. Nếu nghị định quy định như vậy và lực lượng chức năng xử phạt thật quyết liệt thì đố ai dám đua xe trái phép.
Theo Lê Thanh Phong
Lao động
Source: Báo Dân Trí