TT – Bắt đầu từ tháng 3-2012, giờ phát sóng của HTV7 có sự thay đổi đáng kể. Giờ phim Việt lúc 20g45 sẽ được đôn lên lúc 20g và thay vì phát sóng hai tập phim/ngày, chỉ phát sóng có một tập. “Trám” vào giờ này không gì khác ngoài show truyền hình giải trí.
Nở rộ show truyền hình
Thành công của những chương trình cũ là chất kích thích cho nhà sản xuất tiếp tục tung ra nhiều chương trình mới trong năm 2012 – Ảnh: Gia Tiến |
Nhiều chuyển động cho thấy show truyền hình sẽ lấn át phim truyện trong năm 2012 này.
Nở rộ và cải tiến
Giải thích về sự thay đổi trên, ông Nguyễn Quý Hòa, tổng giám đốc HTV, cho biết: “Ðó là kết quả của một quá trình khảo sát về đối tượng khán giả của HTV trong một thời gian dài. Giờ phim Việt lúc 20g sẽ thuận lợi hơn với đa số khán giả xem phim, việc phát sóng một tập phim cũng sẽ phần nào làm bớt đi sự nặng nề nếu xem một lúc đến hai tập. Và đặc biệt là khán giả có thể chọn lựa xem được nhiều thể loại giải trí khác nhau.
Những chương trình mới sẽ được tổ chức một cách hoành tráng, hấp dẫn. Còn những chương trình cũ như Tiếng hát truyền hình, Tiếng ca học đường… chúng tôi sẽ thay đổi cấu trúc, sân khấu dàn dựng sẽ được đầu tư hơn để làm tăng độ hấp dẫn, sức lan tỏa rộng lớn hơn. Những chương trình truyền hình thực tế như Ngôi nhà mơ ước, Vượt lên chính mình, Bếp yêu thương… sẽ đổi mới nhân vật, tăng tính vùng miền…”.
Ðón đầu trước sự thay đổi khung giờ phát sóng của HTV, một số công ty quảng cáo đã và đang mua lại một loạt bản quyền chương trình truyền hình – đặc biệt là chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng – của thế giới để sản xuất lại như Các bác sĩ nói gì?, Thủ lĩnh thanh niên (đề cao những tấm gương thanh niên nhiệt tình đóng góp xả thân cho xã hội), Masterchef (Tìm kiếm vua đầu bếp), Bạn có thể khiêu vũ? (Tìm kiếm ngôi sao nhảy múa, tương tự như VN Idol nhưng nghiêng nhiều về thí sinh có năng khiếu và được đào tạo)…
Trước đó VTV đã phát sóng một loạt chương trình truyền hình thực tế như VN Idol, Người mẫu VN, Tìm kiếm tài năng, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Ðồ rê mí… Những chương trình này đã và đang tạo nên một sức hút đặc biệt với khán giả. Thừa thắng xông lên, năm 2012 này ngoài những chương trình đã có, VTV sẽ tiếp tục tung ra những chương trình mới như Hợp ca tranh tài, dự kiến ra mắt vào ngày 24-2. Chương trình nổi tiếng The voice (bản quyền của Mỹ) cũng đã được mua bản quyền, đến tháng 9 bắt tay vào sản xuất…
Một hình thức sản xuất show truyền hình mới đang được áp dụng là các nước cùng hợp tác để sản xuất. Cách làm này giúp chi phí sản xuất chương trình giảm một cách đáng kể. Game show Trò chơi truyền hình xuyên quốc gia (The biggest gameshow in the world, sản xuất năm 2011 với sự hợp tác của năm nước VN, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Ai Cập), phát sóng trên kênh Let’s Việt – VTC4 là một ví dụ. Ngoài ra dự kiến sẽ có hai chương trình truyền hình thực tế mới là Tìm kiếm người mẫu và Doanh nhân giỏi được sản xuất và phát sóng theo cách thức này.
Sự thay đổi tất yếu
Lý giải cho sự lấn lướt của show truyền hình với phim truyện trong giai đoạn hiện nay, một chuyên gia làm việc lâu năm trong lĩnh vực truyền hình nhận định: đó là sự thay đổi tất yếu. Ông nhấn mạnh: “Sau một thời gian phát triển ồ ạt về số lượng, phim truyền hình đang trong giai đoạn hoàn thiện mình. Những bộ phim phát sóng hiện nay đều na ná nhau, không có sự riêng biệt. Phim không có chất lượng thì làm sao lôi cuốn được khán giả. Doanh thu của khung giờ phát sóng không thu được như kỳ vọng thì chắc chắn nhà đài sẽ tìm một giải pháp khác”.
Ông Quý Hòa cũng nhìn nhận việc cải tổ giờ phim của HTV có phần lý do nhằm nâng cao chất lượng phim truyền hình: “Trong bối cảnh thực tế hiện nay chúng tôi không đẩy mạnh số lượng phim mà chú trọng đến chất. Chúng tôi duyệt kịch bản, giám sát sản xuất chặt chẽ hơn… Những bộ phim có chất lượng tốt, khán giả quan tâm mới được đưa vào phát sóng khung giờ vàng”.
Xét về lĩnh vực kinh doanh, việc ra đời rầm rộ các show truyền hình hiện nay còn bởi tâm lý “con gà ganh nhau tiếng gáy”. Trong tình hình kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp rất tính toán đầu tư quảng cáo vào lĩnh vực nào để tạo lợi thế nhiều nhất. Dù việc mua bản quyền và sản xuất chương trình truyền hình thực tế không rẻ chút nào nhưng nó hiện đang có sức lan tỏa trong khán giả rất lớn.
Vì thế khi tập đoàn kinh tế này tài trợ cho một chương trình truyền hình thì ắt sẽ có một tập đoàn kinh tế khác đầu tư cho chương trình khác có quy mô hoành tráng hơn… Sự cạnh tranh, những “chiêu trò” của nhà sản xuất bày ra trong những show truyền hình, suy cho cùng cũng vì mục đích tìm cho được càng nhiều khán giả càng tốt.
Hướng đến những chương trình cộng đồng, nhân văn Sau nhiều năm thực hiện thành công các game show, chương trình truyền hình thực tế thuần tính giải trí, nhiều đơn vị sản xuất đã chủ động hướng đến việc tạo nên những chương trình mang tính cộng đồng, xã hội và nhân văn hơn. Ngôi nhà mơ ước, Vượt lên chính mình, Bếp yêu thương, Con đã lớn khôn… và sắp tới là Các bác sĩ nói gì?, Thủ lĩnh thanh niên… chính là những chương trình dạng đó. Thực tế cho thấy các chương trình này tuy rất khó “tạo dư luận” nhưng lại nhận được sự ủng hộ bền bỉ, lâu dài, hết mình và vô tư từ bạn xem đài ở mọi thành phần xã hội từ khắp cả nước. Theo một đơn vị có thâm niên sản xuất các chương trình giải trí truyền hình, việc chủ động chọn các chương trình dạng này để thực hiện thay cho những chương trình thuần giải trí trong thời gian qua một phần vì muốn tự làm mới mình, cung cấp thêm nhiều “món ăn tinh thần” khác nhau cho khán giả, nhưng một phần khác họ cũng bắt đầu mệt mỏi và ái ngại trước việc phải liên tục “bày trò”, đua theo những ầm ĩ không đáng có của một bộ phận dư luận ảo. Q.N. |
HOÀNG LÊ
Source: Báo Tuổi Trẻ