Tăng cường cho trẻ vận động; cân chỉnh chế độ ăn với nhiều rau xanh và hạn chế béo nhưng đừng bao giờ cắt bớt chế độ sữa của bé… là lời khuyên của các bác sĩ Trung tâm dinh dưỡng TP HCM nhằm kiểm soát tình trạng béo phì ở con trẻ.> Cậu ấm cô chiêu phát phì vì ăn nhiều mà ít vận động
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, mục tiêu chính của việc điều trị béo phì trẻ em là giảm tốc độ tăng cân nhanh về mức tăng cân sinh lý bình thường theo tuổi hoặc duy trì cân nặng hiện tại, tránh tăng cân thêm trong một thời gian nhất định.
Việc điều trị béo phì ở trẻ em cần gia đình tham gia phối hợp điều trị, vì phải theo dõi bé lâu dài. Trẻ và gia đình cần có kiến thức về béo phì và cách điều trị trên phương diện ăn uống cũng như vận động. Hạn chế sử dụng thuốc giảm cân cho trẻ em, ngoại trừ trường hợp cần thiết và bác sĩ chuyên khoa.
Vận động giúp trẻ hạn chế được tình trạng thừa cân béo phì. Ảnh minh họa: Thiên Chương |
Phải cho trẻ năng vận động
Phụ huynh cần tạo điều kiện cho trẻ tập thể dục, chơi thể thao khoảng 30 phút rồi tăng dần lên 60 phút mỗi ngày và ít nhất 4-5 lần mỗi tuần. Nên tập các môn dùng sức trung bình và kéo dài như bơi lội, đạp xe đạp, đi bộ, chạy bộ chậm, chơi bóng…
Tập thói quen năng động trong mọi hoạt động của trẻ như đi thang bộ thay vì thang máy; đến trường bằng xe đạp hoặc đi bộ nếu có thể; phụ giúp cha mẹ làm việc nhà như quét nhà, lau nhà, tự dọn dẹp phòng riêng, chăm sóc vườn cây.
Thời lượng tập thể dục cho từng lứa tuổi thay đổi theo từng trẻ. Bé 1-3 tuổi mỗi ngày dành 90 phút dành cho hoạt động thể lực có định hướng và 60 phút chơi tự do. Trẻ 4-6 tuổi phải có 60 phút dành cho hoạt động thể lực có định hướng và 60 phút chơi tự do. Có thể chia nhỏ ra thành những đợt tập thể dục 15 phút.
Không để bé nằm, ngồi yên quá một giờ trừ khi ngủ, tối đa là 2 giờ. Một trong những cách hạn chế trẻ ngồi hay nằm yên là kiểm soát thời gian của bé trước màn hình tivi, vi tính, video game, đọc truyện.
Cân chỉnh chế độ ăn
Nên cho trẻ ăn đúng giờ, không bỏ bữa nhất là bữa ăn sáng, hạn chế ăn sau 20 giờ. Cho trẻ ăn chậm nhai kỹ, bữa ăn nên kéo dài tối thiểu 20 phút. Duy trì bữa ăn gia đình đều đặn. Lập giờ giấc các bữa ăn chính và bữa phụ cố định để trẻ biết rõ thời gian các bữa ăn.
Phụ huynh làm gương cho trẻ về chế độ ăn lành mạnh với nhiều trái cây, rau xanh, giảm béo trong thực đơn hàng ngày. Không dự trữ thức ăn ngọt như bánh ngọt, kẹo, kem, chè, chocolate trong nhà. Tạo điều kiện thuận tiện cho trẻ chọn thức ăn vặt ít năng lượng bằng cách trữ sẵn trái cây, sữa chua, sữa ít béo không đường.
Nên ăn thịt nạc, cá, trứng và đậu hũ. Hạn chế chất béo như mỡ, phủ tạng động vật như gan, tim, cật, óc, da động vật, các món chiên nhiều dầu. Chọn phương pháp chế biến ít béo như hấp, luộc, nướng…
Hạn chế những loại bánh nướng phết dầu bơ chế biến sẵn. Hạn chế thức uống có đường và thức ăn nhiều bột đường vì năng lượng dư sẽ chuyển thành mỡ. Hạn chế sử dụng dầu dừa vì làm tăng tạo cholesterol nội sinh. Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn nhanh như gà tẩm bột chiên sẵn.
Khuyến khích trẻ uống nước lọc, hạn chế thức uống có đường như nước ngọt, nước trái cây hương liệu. Cho trẻ biết không cần thiết ăn hết phần thức ăn, trẻ cảm thấy hết đói thì nên ngưng ăn. Ăn các món ăn phụ ít năng lượng như trái cây, rau – khoai – củ luộc, yaourt giảm béo, rau câu, sữa ít béo không đường…
Chất xơ cũng góp phần kiểm soát cân nặng
Rau và trái cây nên chiếm một thể tích lớn trong phần ăn. Ăn nhiều rau, trái cây trong và sau bữa ăn sẽ giúp trẻ cảm thấy no nhanh và kết thúc bữa ăn sớm. Cảm giác no này có thể kéo dài cả sau bữa ăn, đặc biệt có lợi với chế độ ăn kiêng. Chất xơ tan trong rau và trái cây còn giúp đào thải một lượng chất béo không có lợi cho sức khỏe qua đường ruột.
Những quan niệm sai lầm:
Một nguyên tắc cơ bản trong điều trị béo phì là không để bị dạ dày trống vì sẽ làm cho trẻ rơi vào tình trạng mỏi mệt, không tập trung, có nguy cơ ăn bù vào các bữa ăn sau. Tổng năng lượng hàng ngày quyết định việc tăng hay giảm cân chứ không phải là số bữa ăn trong ngày. Nên ăn nhiều bữa, mỗi bữa với số lượng ít tốt hơn ăn ít bữa với số lượng thực ăn lớn.
Chế độ ăn giảm cân không được uống sữa: Trong thực đơn giảm cân vẫn có sữa vì sữa là nguồn cung cấp chính canxi giúp trẻ phát triển chiều cao. Loại sữa tốt nhất cho trẻ béo phì là sữa giảm béo (dành cho trẻ trên 6 tuổi), không đường vì năng lượng mỗi ly sữa không béo cung cấp chỉ tương đương nửa chén cơm. Ngoài ra sữa còn bổ sung vitamin và chất khoáng cần thiết bị thiếu hụt khi thực hiện chế độ ăn kiêng.
Khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM trong 5 năm qua cho thấy, hơn 38% học trò tiểu học tại TP HCM thừa cân béo phì. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc trung tâm cho biết mỗi năm, lượng học sinh thừa cân béo phì ngày càng tăng. “Nhiều nhất là ở bậc tiểu học với 17,1% béo phì, 21% thừa cân. Tỷ lệ này không thay đổi nhiều ở học sinh trung học cơ sở và chỉ giảm nhẹ ở cấp trung học phổ thông. Học sinh nam thừa cân béo phì nhiều hơn các bạn nữ”, bà Diệp nói. Theo bác sĩ Yến Thủy, chỉ 10% trẻ béo phì có nguyên nhân từ một bệnh khác như nội tiết, di truyền, thần kinh, thuốc…Còn lại là do mất cân bằng năng lượng, tức năng lượng đưa vào cơ thể nhiều hơn năng lượng tiêu hao. Béo phì dễ khiến trẻ mắc bệnh tăng mỡ trong máu (cholesterol và triglyceride), gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, đái tháo đường, sỏi túi mật, sạm da vùng nếp gấp như cổ, nách, bẹn (biểu hiện của rối loạn nội tiết trong cơ thể trẻ). Ngoài ra, béo phì cũng có thể làm cho trẻ đau và thoái hóa các khớp chịu lực chính của cơ thể như khớp hông, khớp gối; chậm chạp, đau đầu thường xuyên (do hội chứng giả u não); ngủ ngáy, khó thở khi ngủ do lượng mỡ thừa chèn ép đường hô hấp. Một số trẻ béo phì có khuynh hướng mắc chứng tự ti, không hài lòng với hình dáng cơ thể có thể dẫn đến trầm cảm. Trẻ dễ bị kỳ thị, ấn tượng xấu, chọc ghẹo, bắt nạt bởi các trẻ cùng lứa tuổi. |
Thiên Chương
Source: Báo VNExpress