TT – Trò chơi tập thể luôn được xem là công cụ hữu hiệu mang đến niềm vui, sự gắn kết tập thể, hơn thế còn giúp bổ sung kiến thức, rèn kỹ năng, thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của nhiều người.
Cho cuộc chơi đậm chất văn hóa
Nhưng không ít trò chơi tập thể hiện nay chỉ mang lại những tiếng cười gượng gạo vì thiếu cái duyên, thiếu tính nhân văn, thậm chí thừa thô tục.
Tình bạn – một trò chơi đơn giản rèn luyện tinh thần đồng đội – Ảnh: T.Bình |
Kẻ cười, người mếu
Cách đây mấy tháng, cư dân mạng xôn xao bàn tán về clip trò chơi “thanh niên bú sữa”. Trong clip nói trên, bạn nữ cặp bình sữa vào nách cho bạn nam hì hụi mút sữa giữa tiếng hò reo cổ vũ. Có hai luồng ý kiến phản hồi với những lý lẽ riêng: một số nhận xét “vui, hấp dẫn”, số khác cho là “vô duyên”. Rõ ràng trò chơi này tạo được sự hào hứng với nhiều tiếng cười, chỉ tiếc là nụ cười của các bạn nữ “cho bú” trông gượng gạo vì mắc cỡ.
Gây hào hứng là trò chơi “ăn mì”: từng cặp nam – nữ dùng miệng thu ngắn dần cọng mì, đến khi cọng mì cực ngắn thì họ buộc phải chạm môi nhau. “Bị hôn” bởi người khác phái trước đám đông nên bạn nữ đỏ mặt thẹn thùng. Nhưng “đỉnh” nhất có lẽ là trò “ăn táo”: bạn nữ đeo trái táo lủng lẳng trước ngực, bạn nam chạy ào tới ngoạm lấy. Đám đông càng hào hứng hơn khi quả táo cứ nhỏ dần, nhỏ dần. Bị “đụng chạm” phần nhạy cảm, bạn nữ ngượng ngùng cúi gằm mặt.
Ở trò chơi “bắt sâu”, bạn nữ (bị bịt mắt) được lục lọi, sờ soạng khắp người bạn nam để tìm vật nhỏ (băng keo, kẹp giấy) gọi là “sâu”, sau đó dùng miệng lấy “sâu” ra. Với trò này, bạn nam cứ co rúm người và dùng tay bảo vệ những chỗ nhạy cảm. Còn với trò “tắt nến”, bạn nam lại phải đeo trái chuối lủng lẳng phía bên dưới thắt lưng để dập tắt nến. Có người chơi loay hoay cả buổi, nóng ran vùng nhạy cảm mà vẫn không làm tắt nến.
Mạnh bạo hơn là các trò chơi mang tính thi thố. Bạn Minh Quang (SV Trường ĐH Mở TP.HCM) kể từng chơi trò “vượt chướng ngại vật”. Theo đó, đội 1 căng tấm bạt cách mặt đất nửa mét và lắc lư thật mạnh nhằm ngăn cản đội 2 đi trên tấm bạt để lấy kẹo. Và một người chơi đã bị hất văng khỏi tấm bạt, đầu đập xuống nền ximăng phải đi cấp cứu. Trước đó, trong các trò chơi khác, Quang và đồng đội vì thua cuộc nên bị phạt lột dần những thứ trên người. “Cả đội của tôi bị lột trần, đến khi sắp bị lột cả quần thì mạnh ai nấy chạy” – Quang kể.
Chơi không chỉ để cười
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Trò chơi – công cụ giáo dục cộng đồng” mới đây, nhiều bạn trẻ nhận xét không mấy tích cực về các trò chơi nói trên. Phương Loan (SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng sẽ hết vui nếu vì chơi mà có ai đó chảy máu, đau đớn hay xấu hổ trước đám đông. Còn Thúy Vy (SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) phát biểu rằng thật hết cười nổi nếu người chơi bị ép chơi hay ép ăn những thứ không muốn. “Tệ hơn là bị sờ soạng, đụng chạm phần cơ thể nhạy cảm chỗ đông người” – Vy bức xúc.
Anh Trần Tuấn Huy, giám đốc Trung tâm Huấn luyện kỹ năng sống – giá trị sống YMCA, nhắc lại hình ảnh các bạn nữ cười gượng gạo, cúi gằm mặt để chứng minh rằng trò chơi chỉ thật sự vui khi mang lại sự an toàn, thoải mái cho người chơi. Theo anh Huy, ngoài việc tạo bầu không khí vui vẻ, trò chơi cần chú trọng rèn kỹ năng và có tính giáo dục. Bạn Diễm Trang, trưởng nhóm A new day, bổ sung: “Trò chơi thiếu tính nhân văn sẽ tạo ra những tiếng cười thô tục”.
Để minh họa, Trang kể lại trò “vác người trên không” mà bạn từng chứng kiến. Hôm đó, người quản trò thông báo “ưu tiên” cho các bạn nữ mặc váy hoặc quần thiệt ngắn khiến các bạn hơi hoảng nhưng rồi vẫn bị tham gia. Khi có hiệu lệnh, bạn nam vác ngược bạn nữ (bị bịt mắt) trên vai chạy đến úp mặt vào thau bột để ngậm kẹo. Thế là mọi người đều thấy “tuốt tuồn tuột” bạn nữ. Trang bức xúc: “Bạn có vui nổi không khi bỗng dưng thành người… chiêu đãi đám đông?”.
Theo Diễm Trang, rất nhiều trò chơi tập thể hiện nay mang tính hơn thua. Sự thắng cuộc thành mục tiêu tối thượng nên người chơi lắm khi lách luật chơi, gian lận. Điều này gây tổn hại thể chất, tinh thần người chơi và là mầm mống gây bất hòa, mâu thuẫn. Chính vì vậy mà Trang và bạn bè thành lập nhóm “ham chơi” A new day. Mới đây nhóm đã giữ chân hơn 30 bạn trẻ chơi suốt cả ngày bằng 24 trò chơi giáo dục. “Vừa chơi vừa được bổ sung kiến thức, rèn kỹ năng nên chẳng ai bỏ cuộc nửa chừng” – Trang khoe.
Bà Nguyễn Thị Hải, chủ nhiệm Câu lạc bộ Công tác xã hội chuyên nghiệp TP.HCM, cho rằng nhà tổ chức cần nghĩ tới mục đích trò chơi để từ đó xây dựng chủ đề và nội dung cuộc chơi. Theo bà, bản thân người quản trò cũng là một công cụ giáo dục hiệu quả với những lời nói tích cực, động viên người chơi phát huy tiềm năng, ưu tiên người còn rụt rè trước đám đông… “Quan trọng nhất vẫn là công đoạn rút ra ý nghĩa của trò chơi sau khi được trải nghiệm, để từ đó có thể giúp người chơi thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi theo hướng tích cực” – bà Hải nói.
THÁI BÌNH
Source: Báo Tuổi Trẻ