(Dân trí) – Mai Khuyên kể cho tôi nghe, trận sốt bại liệt thập tử nhất sinh khi ba tháng tuổi làm cho đôi chân của bạn bị teo quắt. Cô gái ấy đã không thể học bò, học đi, học chạy từ đó…
Nguyễn Thị Mai Khuyên – cô bé khuyết tật sinh năm 1988 tại Hà Nội – trải qua nhiều năm tuổi thơ theo học tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An – Hà Tây (cũ). Từ nhỏ tới lớn, Mai Khuyên luôn cố gắng trong học tập và rèn luyện, vào năm lớp 11, Khuyên đã từng đạt giải ba trong kỳ thi học sinh giỏi văn TP Hà Nội và cũng từng được nhận danh hiệu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.
Sau khi thi đỗ vào khoa tiếng Anh trường Đại học Hà Nội, Mai Khuyên được giao trọng trách Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Tình nguyện viên vì hoà bình Việt Nam (VPV club), Chủ tịch CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội. Bất cứ ai trong số chúng tôi đều ấn tượng với “cô gái khuyết tật” xinh đẹp và dễ mến ấy.
Bước ngoặt đầu tiên là khi “cô gái tình nguyện” Mai Khuyên tham gia CLB sinh viên khuyết tật Hà Nội, lúc đó, em đã… giơ tay ứng cử làm Phó Chủ tịch và thuyết phục mọi người với phương châm “không có chữ khuyết tật trong cả tinh thần và hành động”. Một người bạn đến từ Canada đã lan tỏa nhiệt huyết tuổi trẻ đến cho Mai Khuyên. Bạn ấy đã “quên” cả việc lập gia đình, mải miết đi qua hai mươi hai quốc gia trên thế giới để làm công việc duy nhất trong suốt năm năm, đó là tình nguyện.
Từ đó, “cô gái tình nguyện” hoạt động theo một cách riêng, lặng lẽ mà nhiệt huyết. Mai Khuyên ấp ủ dự án mở lớp tiếng Anh miễn phí khi tiếp xúc với nhiều người khuyết tật có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện. Nghĩ là làm, lớp học được mở không lâu sau đó dưới sự giúp đỡ của bạn bè, Ban hành động về sự phát triển và hòa nhập (IDEA), Hội người khuyết tật Hà Nội và Trường trung cấp kỹ thuật tin học Hà Nội Estih.
Mai Khuyên tự liên hệ mượn địa điểm, xin tài trợ, đi làm thêm để trang trải tiền tài liệu. Đến nay, lớp học đã tốt nghiệp được bảy khóa tiếng Anh giao tiếp. Mai Khuyên chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi, nản lòng. Cho biết về những kỷ niệm trải qua, em kể rằng, chú Đức trong một lần tai nạn đã mất đi cả đôi bàn tay và đôi mắt nhưng chú đã học tiếng Anh theo một cách đặc biệt. Chú dùng trí óc để ghi nhớ, dùng miệng để phát âm và chỉ sau ba tháng chú trở thành người học giỏi nhất lớp.
Ngày nhỏ, trò chơi yêu thích nhất của “cô gái tình nguyện” là quả địa cầu. Cô bạn say sưa ngắm và luôn nuôi dưỡng ước mơ bay đến những vùng đất xa, những chân trời mới.
Mai Khuyên nhận ra, Đan Mạch hiện đại không còn “Cô bé bán diêm”, là đất nước hào phóng nhất trong vấn đề viện trợ cho người khuyết tật, người Đan Mạch được nằm trong danh sách những người hạnh phúc nhất thế giới. Đan Mạch chính là nguồn động lực khiến Mai Khuyên đang hoàn tất thủ tục du học ngành Nhân quyền tại Úc trong thời gian tới.
Với Mai Khuyên, hạnh phúc là hành trình chứ không phải là đích đến. Hành trình của bạn không bao giờ cô độc vì luôn có bạn bè. Nơi trở về của Mai Khuyên luôn bình yên với hình ảnh người bố. Bạn sẽ kể mọi chuyện, sẽ hát và đọc thơ tiếng Anh cho bố nghe. Bố của bạn không biết ngoại ngữ nhưng không bao giờ ông cần bạn phiên dịch, vì tình yêu thương có ngôn ngữ riêng của nó.
Gặp Mai Khuyên, tôi nghĩ rằng, trái tim của “ cô gái tình nguyện ấy” luôn thắp lửa, không ngừng sưởi ấm cho chính mình và mọi người. Trong cuộc sống này, mỗi người chỉ cần là một ngọn lửa, cuộc sống sẽ tràn ngập ánh sáng.
Thế Cường – Quyên Quyên
Source: Báo Dân Trí