Chuyện một cậu bé 6 tuổi, học lớp 1 trường tiểu học Đ.N (Hà Nội) viết “đơn ly dị” cô bạn gái cùng lớp và cô bé lớp 2 viết thư gửi “thằng điên” (đối tượng hay trêu chọc mình) đã trở thành đề tài bàn tán “nóng hổi” của rất nhiều diễn đàn mạng mấy ngày qua. >> Đơn li dị của bé lớp 1 là bình thường? >> Giật mình chuyện học sinh lớp 1 viết… đơn ly dị >> Bài văn “lạ” – từ góc nhìn nhà tâm lý
Anh chị sững sờ, mẹ cha bình thản
Trên một số diễn đàn tuổi teen, các topic liên quan đến vấn đề này đều được “giật” thành những tiêu đề “ấn tượng” như: “Kỹ năng viết “đơn ly dị” của học sinh lớp 1”, “Giật mình khi học sinh lớp 1 viết đơn ly dị”, “Choáng với đơn ly dị của học sinh lớp 1”… và nhanh chóng thu hút sự tham gia của rất nhiều thành viên. Hầu hết các thành viên đều tỏ ra ngạc nhiên và không tin đó là lời lẽ của học sinh lớp 1, 2. Thành viên “langtu_pt9x” viết: “Lớp một mà viết được như thế này thì quá Pro (chuyên nghiệp), siêu thiên tài…
Thời mình học lớp 1, sang đến học kỳ 2 mà bảng chữ cái vẫn chưa thuộc nữa là viết đơn. Mình 20 tuổi đầu rồi mà chẳng biết yêu là gì”. Riêng những câu cảm thán đầy sự thảng thốt pha chút hài hước dạng “Bọn trẻ bây giờ lớn nhanh thế này ư?”, “Ước gì mình được như em ý”, “Tuổi trẻ tài cao – hậu sinh khả úy”… thì cũng xuất hiện đầy rẫy trên khắp các diễn đàn.
“Ngày xưa vào học lớp 1 thì mới bắt đầu làm quen với chữ cái, với con số nhưng ngày nay vào học lớp 1 các em đã vanh vách đọc truyện tranh, chơi game… Từ việc phát triển sớm, có quá nhiều cơ hội để tiếp xúc với phim ảnh, sách truyện, người lớn… nhưng lại không được định hướng rõ ràng nên nhiều trẻ có những suy nghĩ bất bình thường. Đọc đơn ly dị và thư gửi thằng điên của hai học sinh trên chúng ta dễ nhận ra là toàn ngôn ngữ của người lớn, các em chỉ bắt chước theo chứ đâu phải là hiện tượng phổ biến của các em đâu. Cho nên tôi không cảm thấy kinh ngạc hay sốc khi các em tư duy được như vậy. Nhưng rõ ràng, đã đến lúc người lớn cần phải để ý hơn trong việc giao tiếp khi có mặt trẻ ở đó và càng phải cân nhắc hơn trong việc cho con tiếp xúc với các loại văn hóa phẩm”. – TS Trần Thu Hương – Giảng viên khoa Tâm lý (ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia Hà Nội) |
Đại đa số các bạn trẻ đều cho rằng, suy nghĩ và ngôn ngữ của 2 em nhỏ như trên là biểu hiện rõ nét sự phát triển trước tuổi của thế hệ trẻ ngày nay và nguyên nhân được đề cập đến nhiều nhất vẫn là do ảnh hưởng của phim ảnh, sách truyện… Ngoài ra, cách ứng xử, cách sống của người lớn trong gia đình cũng được các thế hệ 8x, 9x… đưa ra như một nguyên nhân gián tiếp khiến các em học sinh nhỏ bắt chước. Nhiều 8x còn tỏ ra lo ngại nếu ngày càng có nhiều học sinh tiểu học sớm ý thức được sự gần gũi khác giới, sự thích thú lứa đôi (mặc dù theo quan điểm của chúng – PV).
Bởi theo họ, sự phát triển quá sớm về mặt giới tính sẽ khiến nhân cách của các em không được bình thường. “Lá thư “gửi thằng điên” đọc thấy buồn vì thấy cô bé còn nhỏ mà dùng từ nghe nặng quá… lo ngại cho sự phát triển của các em”, một thành viên có nick name aotrang9x viết.
Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh lại xem đó là một sự ngây ngô đáng yêu của trẻ con. Trên nhiều diễn đàn dành cho cha mẹ, các bậc phụ huynh đã không ngần ngại bảy tỏ sự đồng tình đối với cậu bé lớp 1. Thành viên
Cùng quan điểm trên, một thành viên có nick name dangnga viết: “Đọc lá thư của bé gái mà buồn cười quá đi mất. Đúng là con gái, giỏi văn hơn giỏi toán. Còn đơn ly dị của bé trai thì hơi ngạc nhiên vì không ngờ bọn trẻ bây giờ tiếp thu nhanh quá. Những chuyện không hay của người lớn mà chúng cũng biết và lặp lại y như vậy, có điều là trong suy nghĩ của chúng những chuyện đó thật ngây ngô, vô tư như chính tâm hồn của bọn trẻ vậy”.
Hầu hết các bậc phụ huynh đều chung suy nghĩ: Hành động của 2 học sinh trên chỉ là sự non nớt của trẻ thơ và không nên trầm trọng hóa điều đó. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận cần phải hướng cho các em vào một môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng, nhất là trong gia đình. Bởi ngoài nhà trường thì với các trẻ, người lớn trong gia đình cũng là một yếu tố tác động rất lớn đến hành vi và cách ứng xử của trẻ.
Các nhà giáo dục nói gì?
Theo cô Lê Thu Trang – giáo viên lớp 1, Trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội) thì hiện tượng học sinh lớp 1 viết thư cho nhau để nói những lời đại loại như “tớ yêu cậu”, “tớ thích cậu”… rất phổ biến. Bản thân cô giáo Trang đã không ít lần chứng kiến cảnh các học sinh lớp 1 hôn vào má nhau để thể hiện tình cảm hoặc tìm mọi cách được nằm cạnh bạn mình thích trong giờ ngủ trưa.
Cô giáo Trang chia sẻ: “Thời kỳ đầu, khi chưa biết chữ các em thường thể hiện bằng hành động như hôn vào má, nắm tay, nằm gần… để bày tỏ tình cảm. Đến khi biết chữ rồi thì các em lại viết vào mẩu giấy nhỏ những điều mình muốn nói để gửi cho “đối phương”. Cho nên, chuyện cậu bé lớp 1 viết đơn ly dị là một chuyện hết sức bình thường. Nó thể hiện sự ngây thơ của lứa tuổi các em chứ không có gì ghê gớm đến mức các bậc phụ huynh phải lo lắng cả.
Trong lớp tôi trước đây cũng có một cậu bé viết thư tỏ tình với bạn gái, cô bạn gái sau khi nhận được thư đã đưa lên nộp cho tôi. Nhìn vào dòng chữ “tớ yêu bạn” trong mẩu giấy nhỏ tôi không hiểu chuyện gì cho đến khi tôi gọi cậu bé lên hỏi chuyện thì cu cậu hồn nhiên trả lời là vì con quý bạn thì con mới viết như thế. Đối với các em, yêu có nghĩa là vì bạn ấy học giỏi, hát hay hoặc có gương mặt đẹp… tình yêu này đơn thuần chỉ là sự quý mến mà các bé muốn dành cho nhau.
Tôi nghĩ, cậu bé Đ.H làm động tác viết đơn ly dị cô bạn gái cũ là vì muốn bạn ấy biết mình không thích bạn ấy nữa, không muốn bị bạn gái ấy cản bước khi mình đến với bạn gái mới mà thôi. Cũng phải thừa nhận rằng cậu bé này rất thông minh. Tuy nhiên, do còn ngây thơ nên em dùng từ chưa chuẩn xác mà thôi.
Với những trường hợp như thế thì giáo viên và cha mẹ nên gần gũi các em rồi nhẹ nhàng giải thích cho các em hiểu là những từ ngữ đó không hợp với các em và các em cũng không nên làm như thế. Học cùng một lớp thì nên thương yêu, đoàn kết với các bạn. Nhưng cũng qua đây để thấy rằng, người lớn khi dùng từ trước mặt trẻ con phải nên thận trọng, cân nhắc câu chữ… vì các em rất nhạy cảm và thường hay bắt chước theo.
Riêng với lá thư của cô bé lớp 2 thì tôi có một chút băn khoăn. Đó là em dùng câu cú rất gãy gọn và đã biết dựa vào một thế lực mạnh hơn mình để “hăm dọa” đối phương, tất nhiên sự hăm dọa này cũng chỉ đơn giản là để người ta sợ mà tránh xa mình thôi. Nhưng, với trường hợp này thì cả giáo viên và phụ huynh rất cần phải để ý với mức độ thường xuyên, cần nên gần gũi em nhiều hơn. Bởi, trong trường tôi từng có trường hợp một học sinh lớp 1 gọi “đàn anh” lớp 4 đánh một bạn trong lớp đến sưng đầu hoặc học sinh lớp 3 đánh nhau với học sinh lớp 4 vì ỷ thế có anh chị học hơn lớp…
Cho nên, khi phát hiện con em mình như thế thì cần nên giáo dục cho các em nhận thức ra vấn đề và dập tắt những ý nghĩ có tính bạo lực đó. Tôi rất thông cảm cho cô bé Bầu vì có thể em bức xúc quá nên mới dùng đến biện pháp viết thư với những lời lẽ như thế cho bõ tức. Nhưng rõ ràng, ý nghĩ có tính bạo lực đã bắt đầu len lỏi trong suy nghĩ của em và nó có thể sẽ được tiếp tục nếu không giáo dục cho em hiểu”.
Đồng quan điểm với cô giáo Lê Thu Trang, TS Trần Thu Hương – giảng viên khoa Tâm lý (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng cả hai trường hợp trên chỉ đơn giản thể hiện non nớt, ngây thơ của lứa tuổi mà thôi. Đó không phải là những điều trong tầm tư duy của trẻ mà chủ yếu là những điều trẻ từng được nhìn thấy rồi bắt chước theo. Bởi vậy nó không trầm trọng đến mức phải báo động. Ở một khía cạnh nào đó chúng ta có thể vui mừng vì khả năng tư duy và vốn ngôn ngữ của trẻ em ngày nay phát triển hơn trước rất nhiều.
Nhưng xét ở một khía cạnh khác, đây cũng chính là biểu hiện của sự phát triển sớm trước tuổi ở trẻ. Và đây chính là hệ quả tất yếu của việc cha mẹ cho con đi học quá sớm.
Theo Khánh Toàn
Source: Báo Dân Trí