Chỉ riêng TP.HCM thôi cũng đã có rất nhiều giải pháp để hạn chế tác động xấu từ trò chơi trực tuyến (hay còn gọi là game online), nhưng rút cuộc kết quả mang lại chẳng được là bao.
Vừa qua trong hội nghị đóng góp ý kiến cho các giải pháp quản lý game online do Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM tổ chức lại có ý kiến cho rằng không nên cấm chơi game oline từ 20h – 7h sáng hôm sau như đã làm nửa năm qua, bởi khung giờ này chỉ đa phần những người vô công rỗi nghề chơi, còn học sinh, nhân viên văn phòng không chơi. Xét kỹ cũng thấy có lý, bởi về đêm thì có ít trẻ em chơi hơn bởi sự quản lý của gia đình, còn ban ngày các em có thể trốn học đi chơi game mà nhà trường lại không quản lý nổi.
Nhiều thanh niên giành thời gian chơi game online. (Nguồn: 24h)
|
Có ý kiến lại cho rằng cần cấm cấp phép đối với những game online mang tính chất đối kháng, bạo lực, thậm chí là cắt đường truyền Internet… nhưng đều bị vướng. Tất cả các biện pháp chế tài mà ngành quản lý văn hóa tại TP.HCM vừa áp dụng đều là giải pháp tình thế, mà chưa có một khung pháp lý nào quy định trong lĩnh vực này. Chính vì thế khiến cho các giải pháp đưa ra đều lúng túng, khó giải quyết mà người thi hành công vụ cũng chẳng biết dựa vào đâu để xử phạt những cơ sở cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ game online, phần mềm… Ngay như việc cấm cấp phép cho các cửa hàng Internet hoạt động gần cổng trường học tại TP.HCM cũng làm chưa được, bởi những địa điểm gần trường học mới thu hút được nhiều khách hàng. Hiện nay TP.HCM có trên 350 cửa hàng dịch vụ game online tồn tại trước cổng trường học dưới 200m, bây giờ muốn dẹp nó đi cũng phải có quy định pháp luật cụ thể mới dẹp được.
Xã hội đau đầu về game online vì chưa có hành lang pháp lý cụ thể thống nhất quản lý nó. Cũng bởi vì đối tượng chơi game online không thuần nhất chỉ gồm… những trẻ em hư. Còn rất nhiều người khác cũng chơi game và họ cho rằng nó cũng phải được đối xử bình đẳng như các trò giải trí khác, không nên và cũng không thể cấm được trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão này. Chính vì vậy họ cho rằng phải có cách quản lý game tương thích, không nên đi từ thái cực nọ sang thái cực kia.
Khi xã hội còn chưa nhất trí, thì cách tốt nhất là giáo dục từ mỗi gia đình, bởi mỗi gia đình đều biết chắc chắn rằng con em họ, hay chính bản thân họ thuộc “lớp” đối tượng nào, cần ngăn cấm hay hạn chế chơi game online đến đâu. Còn nếu như mỗi gia đình không tự quản lý được con em mình thì hy vọng gì xã hội sẽ “trông coi” hết được?
Thái Nguyên
Source: Báo Thể Thao Văn Hóa