Một tuần sau bị công an phường Thủy Xuân (thành phố Huế) đánh, bé Ngô Đình Phát, 11 tuổi, vẫn phải nằm viện điều trị. Các vết thương đã bớt bầm tím, nhưng việc đi lại rất khó khăn.> Cậu bé 11 tuổi nhập viện sau khi trở về từ đồn công an/ Thiếu úy đánh bé 11 tuổi nhập viện bị đình chỉ công tác
Sáng 20/6, tại Bệnh viện Giao thông vận tải Huế, cháu Ngô Đình Phát đã có thể ngồi dậy, thỉnh thoảng đi lại, nhưng còn rón rén và khuôn mặt luôn nhăn nhó vì đau.
Mẹ cháu, bà Nguyễn Thị Son cho biết, 10 sáng nay các bác sĩ tiếp tục lấy máu xét nghiệm, sau đó mới xem xét có thể cho cháu về nhà điều trị ngoại trú hay không.
Vẫn chưa hết bàng hoàng từ khi rời công an phường, Phát kể, do thích chơi game trên điện thoại của bố nên cháu rất muốn có điện thoại riêng để chơi. Buổi trưa 15/6 qua nhà cô ruột Ngô Thị Ánh chơi (sát nhà Phát), thấy rất nhiều tiền để ngay dưới gối trên giường nên đã lấy đi mua điện thoại.
Cháu Ngô Đình Phát tại bệnh viện. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Bị mọi người phát hiện, cháu đã nhận lỗi với cô và mẹ. Nhưng do trót mua điện thoại nên mẹ và cô Ánh bảo cháu dẫn đến cửa hàng bán điện thoại để trả lại. Khi đến nơi, chủ cửa hàng nhất quyết bảo cháu không mua điện thoại ở đó và không chịu trả lại tiền.
Được mấy người trong thôn mách nên nhờ công an phường can thiệp để cửa hàng trả lại tiền, Phát đã ngồi lên xe đi với cô ruột đến trụ sở công an phường.
“Đến nơi, mấy chú dắt cháu vào phòng, bắt cháu đứng trước bàn và liên tục nạt nộ. Sau đó hai chú công an vừa quát vừa đánh cháu. Một chú lấy cái gậy đen ngắn (dùi cui) đánh liên hồi vào mông và đùi cháu, còn chú kia dùng chân đạp và đá cháu. Cháu càng kêu đau các chú ấy càng đánh mạnh”, Phát kể.
Thấy cháu bị đánh và kêu khóc, bà Ánh chạy lại can ngăn nhưng bị công an đuổi ra. Phát không biết kêu ai nên chỉ biết đứng khóc. “Sợ quá, cháu ngã quỵ xuống nền nhà nhưng hai chú công an vẫn bắt cháu đứng tựa vào bàn làm việc và tiếp tục đánh”, cậu bé kể rồi òa khóc.
Xác nhận lời kể của Phát, bà Ngô Thị Ánh cho biết, thời gian Phát bị đánh trong phòng gần 30 phút. “Tôi chỉ nghĩ chở cháu lên công an phường rồi mấy anh ấy giúp hai cô cháu đi trả điện thoại lấy lại tiền, chứ không nghĩ là công an lại đánh cháu đến nông nỗi này”, bà Ánh nói.
Theo bà Ánh, sau khi hỏi cung cháu Phát, công an phường Thủy Xuân mới đồng ý cùng hai cô cháu lên cửa hàng bán điện thoại và lấy lại tiền. Sau đó công an phường đã gọi điện báo cho bố cháu Phát là ông Ngô Đình Chung lên làm giấy bảo lãnh đón con về.
“Khi bố cháu đến, mấy chú công an bế cháu lên xe rồi bảo là không sao. Về nhà cháu đau quá, nằm trên giường mà toàn thân nóng ran”, Phát kể.
Các vết thương đã bớt đỏ, nhưng Phát vẫn thường nằm sấp trên giường bệnh cho đỡ đau. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Thượng tá Đặng Ngọc Sơn, Trưởng công an thành phố Huế, khẳng định: “Cháu bé có dấu vết như vậy là rõ ràng công an phường có đánh cháu, nhưng chúng tôi đang xác minh xem đánh ở đâu, những ai đánh để làm rõ và chắc chắn sẽ xử lý nghiêm, không bao che”.
Liên quan đến vụ việc, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết đã cử cán bộ đến thăm hỏi đồng thời giúp đỡ gia đình cháu Ngô Đình Phát số tiền một triệu đồng lo thuốc men, đồng thời làm việc với phía công an để nắm bắt sự việc.
Trước đó chiều 15/6, cháu Ngô Đình Phát đã ăn trộm của cô ruột 3,1 triệu đồng đi mua điện thoại. Khi cùng cô lên công an phường nhờ công an can thiệp để trả điện thoại lấy lại tiền, về nhà Phát liên tục kêu đau với các vết thương bầm tím ở mông và đùi. Gia đình phải đưa em nhập viện vào buổi tối cũng ngày.
Sau sự việc, công an thành phố Huế đã tạm đình chỉ công tác với trung úy Trần Nguyễn Hồng Quang, công an phường Thủy Xuân, người đã đánh Phát.
“Đành rằng con tôi hư, các anh công an có quyền dạy dỗ, nhưng đánh con tôi như thế thì thật là quá đáng”, ông Ngô Đình Chung, bố của cháu Phát nói.
Văn Nguyễn
Source: Báo VNExpress