Thâm sơn kỳ cục án – Kỳ cuối: Tình nghĩa xóm giềng

TT – Ông Cao Xà Bân là chiến sĩ lão thành đã tham gia hai cuộc kháng chiến, nhà ở thôn 2, xã Khánh Trung (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), cạnh nhà vợ chồng Cao Ly Ngân.

Thâm sơn kỳ cục án – Kỳ cuối: Tình nghĩa xóm giềng

Vợ Ngân bị sốt rét nặng. Ngân phải đưa vợ lên Bệnh viện Khánh Vĩnh nằm lại bảy ngày bảy đêm, quên mất chuyện… con heo nái 50kg sắp đẻ còn bị nhốt trong chuồng không có chi ăn.

Vụ án con heo nái

Nhịn cái gì thì cũng được nhưng nhịn… đẻ e rằng không! Con heo nái đến ngày đẻ, cắn chuồng ra rẫy để lót ổ. Nó đi vào vạt ruộng lúa chín vàng của ông Bân, cắn nát một vạt lúa lớn rồi quây rơm lại làm ổ. Nó đẻ được hai con heo con tròn múp.

Ông Bân ra thăm ruộng định gặt lúa, thấy con heo đẻ phá lúa thì giận lắm. Ông coi con heo cắn phá lúa của ông cũng như… heo rừng. Ông Bân kêu người đến bắn con heo mẹ làm thịt, mời cả xóm ăn tiệc thịt heo. Ông lại bắt thêm một con heo con, con còn lại để cho vợ chồng thằng Ngân “làm vốn”.

Bảy ngày sau vợ chồng Cao Ly Ngân về, tìm heo không thấy. Người trong xóm cho biết ông Bân đã làm thịt mời họ ăn rồi. Cao Ly Ngân làm đơn thưa ông Bân gửi lên Ủy ban nhân dân xã Khánh Trung, đòi ông Bân phải trả lại con heo nái 50kg.

Xã xử: con heo nái cắn phá lúa là có tội, bắn nó làm thịt ăn là đúng (!). Thế nhưng ông Cao Xà Bân ăn hết 50kg thịt thì quá nhiều. Ông phải trả lại cho Cao Ly Ngân 25kg thịt heo. Hai con heo con chia hai nhà, mỗi nhà một con làm giống.

Cái luật làng của người Raglay là vậy nhưng dường như Cao Ly Ngân không ưng cái bụng lắm. Anh làm đơn kiện dân sự, gửi lên Tòa án nhân dân huyện Khánh Vĩnh, quyết đòi ông Bân trả con heo nái. Nghe thằng Ngân kiện mình, ông Bân thách: “Hắn kiện kệ hắn. Heo hắn vào cắn lúa mình, mình bắn làm thịt cho hắn kinh”.

Nhận được đơn kiện, chánh án Binăng Quang mời thêm một kiểm sát viên cùng về xã Khánh Trung, nhờ xã gọi hai bên lên hòa giải.

Trước “phiên tòa”, lần lượt Cao Ly Ngân rồi Cao Xà Bân trình bày vụ việc. Bên ủy ban xã cũng trưng ra biên bản làm việc phân xử của mình. Ông Quang nhận xét: “Vụ việc đã được xã phân xử theo luật tục của người Raglay nhưng đã xử… trật cái lệ rồi”.

Ông hỏi ông Bân: “Heo cắn hết bao nhiêu lúa của ông?”. Ông Bân: “Một đám lớn lắm, khoảng bảy giạ”. “Như vậy, vợ chồng thằng Ngân phải đền cho ông già bảy giạ lúa, nghe chưa”. Lại hỏi: “Khi con heo cắn lúa, vợ chồng thằng Ngân có ở nhà không? Có biết không?”. Ông Bân: “Hai đứa hắn không ở nhà. Bọn hắn đi bệnh viện nên không biết”. “Phải rồi. Cho nên ta nói vợ chồng thằng Ngân không biểu con heo ra cắn lúa của ông Bân. Vậy sao ông Bân nỡ bắn con heo đem làm thịt?”. “Mình coi nó như heo rừng”.

Ông Quang cười, nhỏ nhẹ: “Không được đâu ông Bân à. Heo nuôi ở nhà khác heo rừng chớ. Ông phải đền lại cho vợ chồng thằng Ngân con heo nái 50kg và trả con heo con cho thằng Ngân. Nhà ông Bân còn heo chớ?”. “Nhà mình còn heo”.

“Vợ chồng thằng Ngân phải trả lại cho ông Bân bảy giạ lúa ngon, phơi khô, sàng kỹ, quạt sạch. Tôi xử vậy có ưng cái bụng không, bà con?”.

“Xử đúng lắm thằng tòa à. Ưng bụng lắm rồi” – đám đông trả lời. Ông Bân cũng gật đầu khen đúng. Biên bản hòa giải thành được viết tại chỗ cho hai bên lăn tay. Cao Ly Ngân đòi được con heo nái mới, dù không có sữa nhưng anh vẫn sướng. Anh nói với ông Bân: “Ông già ơi, để tui mua rượu mời ông uống. Ông đừng bỏ tiền ra nghe”.

Ông Bân: ”Ờ, mày mua đi. Mình chịu uống rượu của mày đấy!”.

Cây quế giữa rừng

Xã P (huyện P, Quảng Nam) là một xã miền cao, giáp biên giới Lào. Phần lớn bà con trong xã là người Mơ Nông. Hai ông Hồ Văn S. và Hồ Văn R. cùng là người Mơ Nông, từ lâu vốn là hàng xóm tốt. Ông S. có một rẫy quế hai tuổi, ông R. có một rẫy quế bốn tuổi, gần nhau.

Một ngày đẹp trời, ông S. cầm cây mác đi thăm rẫy. Lên rẫy, tự dưng ông thèm… rượu. Nhìn những hàng quế hai tuổi của mình, rồi nhìn qua những hàng quế bốn tuổi cao to, mơn mởn của ông R., ông S. suy tính. Trong một lúc không tự chủ được, ông S. vào rẫy của bạn chọn một cây quế đẹp nhất, thẳng nhất chặt ngay.

Hạ xong cây quế, chặt bỏ hết cành nhánh, ông xòe gang tay đo, cứ bốn gang khứa một cái. Ông lột vỏ quế ngay tại chỗ, lấy dây bó lại. Bước ra khỏi rẫy gặp một tay thương lái người Kinh cưỡi xe gắn máy chạy qua, ông kêu lại bán mớ vỏ quế. Tay thương lái chê ỏng chê eo, chê quế non không cay, không thơm… rồi trả cho ông 150.000 đồng mua mớ vỏ quế.

Có tiền trong tay, ông S. đi ngang quán tạp hóa quơ hai chai rượu gạo, lại mua một đùm lòng heo, hành tỏi, rau dưa. Rồi ông cầm cái bao nilông lùng nhùng đó ghé vào nhà ông R..

Thấy bạn đến mang theo rượu thịt, ông R. cảm động lắm. Ông cũng đang thèm rượu. Hai ông bạn vàng nhanh chóng nhóm bếp, cắt lòng, thái dưa, xào nấu thức ăn. Làm xong mồi nhậu, hai ông trải chiếu ra sân “cưa” sạch hai chai rượu gạo. Ngấm rượu, cả hai lăn ra chiếu ngủ đến chiều tối mới tỉnh giấc.

Hai hôm sau, ông R. lên thăm rẫy quế. Giàng xui khiến làm sao lại gặp ngay tay thương lái người Kinh mua hàng dạo đi qua. Tay thương lái khoe hai hôm trước mới mua được mớ vỏ quế bốn tuổi của ông S. rất đẹp. Sinh nghi, ông R. chạy ngay vào rẫy của mình.

Nhìn gốc quế mới bị chặt, cành nhánh còn tươi rói, ông R. hiểu ra mọi chuyện. Hóa ra lão S. đã chặt trộm quế của ông! Ông bèn làm đơn thưa ông S. ra ủy ban xã.

Nhận được đơn thưa, ông chủ tịch ủy ban xã P, cũng là người Mơ Nông, viết giấy mời hai ông S. và R. lên hòa giải. Trước mặt chủ tịch xã, ông S. thừa nhận đã chặt trộm cây quế của ông R. bán được 150.000 đồng.

Chủ tịch xã phân tích cho ông S. rõ: Trước nay trong cộng đồng Mơ Nông chưa ai xâm phạm vật gì của ai. Việc chặt cây quế trong rẫy ông R. để đem vỏ bán lấy tiền là sai. Số tiền phạm pháp không lớn nên không bị xử lý hình sự. Để góp phần nhắc nhở ông S. giữ đúng phép nước luật làng, ủy ban xã sẽ phạt hành chính ông S..

“Nhưng mình dùng số tiền bán vỏ quế mua rượu và lòng heo rủ R. nhậu rồi. Mình đâu có nhậu một mình mà xã lại phạt?” – ông S. gân cổ cãi. Chủ tịch xã muốn phì cười, tiếp tục giải thích: “Khi ông rủ ông R. nhậu, ông không nói rõ số tiền mua mồi, mua rượu là do chặt cây quế của ông R. mà ra. Vả chăng ông chỉ nhậu có mấy chục ngàn, nghĩa là ông vẫn còn cất giữ cả trăm ngàn đồng do bán quế mà có. Ông sai rồi”.

Chủ tịch xã quyết định: buộc ông S. phải trả lại cho ông R. số tiền còn lại, phạt hành chính ông S. 100.000 đồng. Việc “thi hành án” được tiến hành tại chỗ, số tiền phạt sẽ đóng sau khi nhận được quyết định. Ông S. móc túi quần, còn được 104.000 đồng đưa cho ông R.. Hóa ra họ chỉ mới nhậu hết 46.000 đồng.

Trên đường về nhà, ông R. nắm lấy tay bạn. “Cái chi rứa?”. “Lão S. cầm 50.000 đồng này đi, kiếm thêm 50.000 đồng nữa đóng tiền phạt. Mình còn 50.000 đồng đây, hai anh em mình đi mua đồ nhậu”.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

>> Kỳ 1: Vụ án “chơi” con cọp
>> Kỳ 2: Rơchăm Sơn đi kiện
>> Kỳ 3: Con rọ rạy
>> Kỳ 4: “Chuyện tình” xứ núi
>> Kỳ 5: Chuyện trâu bò

__________

Đón đọc số tới:

“Khách lạ” từ thế giới ảo

“Khách lạ” ấy là game online, là thần tượng hay một mẫu hình ảo nào đó… một ngày nó bước vào ngôi nhà con người và trở thành tác nhân gây ra những điều kinh khủng, thậm chí là cái chết. Điều gì đang diễn ra khi thế giới ảo ngày một thật hơn?

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.