TTO – Khoảng 300 người (từ 2 tuổi rưỡi tới 67 tuổi) đã cùng quy tụ tại Silent party 2 – tiệc vô ngôn, tổ chức tại TP.HCM tối 22-10. Đây là buổi tiệc với ý tưởng đem lại cho người tham dự một trải nghiệm mới, một không gian phi ngôn từ.
Bữa tiệc của ngôn ngữ không lời
Chị Phương (bìa trái) phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu |
Mọi người đã cùng trải qua 60 phút vận dụng toàn bộ ánh mắt, cử chỉ và nét mặt để cố gắng hiểu nhau. Đây cũng là dịp giao lưu với các thành viên của CLB Văn hóa Người điếc TP.HCM.
Thế giới có hơn 6.500 ngôn ngữ nói, tồn tại song song là hệ thống các ngôn ngữ ký hiệu, cử chỉ hết sức phong phú. Cách đây vài chục năm, các nhà nghiên cứu đã cho rằng khi nói chuyện với nhau, chỉ có 7% thông tin thật sự đến từ ngôn từ, 35% được truyền tải qua ngữ điệu và có tới 55% lượng thông tin được diễn đạt qua cử chỉ! Vậy mà năng khiếu tiềm ẩn quý giá này dường như đã hoàn toàn ngủ quên trong một thế giới ngày càng nhiều cách thức giao tiếp. |
Đọng lại trong lòng người tham dự là sự ngạc nhiên, thích thú và đồng cảm. Hầu như không thể phân biệt ai là người “nghe” và ai là người khiếm thính (hearing impaired), người điếc (the deaf) vì tất cả đều dùng điệu bộ, cử chỉ để diễn tả điều mình đang cố gắng nói tới.
Mọi người đã vận dụng luôn những từ được thành viên của CLB Văn hóa Người điếc vừa hướng dẫn để nói cùng nhau những câu đơn giản như: “Xin chào”, “Tên bạn là gì?”, “Bạn xinh lắm”, “Ôi hạnh phúc quá”, và câu được dùng nhiều nhất là “Mình rất vui đấy. Cám ơn!”.
60 phút đầu những người tham gia được yêu cầu tắt chuông điện thoại và không sử dụng lời nói, cùng xem một số thông tin và clip hát bằng ngôn ngữ ký hiệu cũng như gặp lại bậc thầy ngôn ngữ cơ thể “vua hề” Charlie Chaplin qua màn hình. Chương trình tiếp tục với phần trò chơi Thử thách im lặng. Khi kết thúc 60 phút khán giả đã cùng ồ lên và từ lúc này trở đi mọi người bắt đầu trò chuyện tìm hiểu về nhau nhiều hơn nữa.
Bạn Vũ Như Lan đến từ CLB Văn hóa Người điếc chia sẻ: “Hôm nay chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tối nay, tất cả mọi người có mặt ở đây đã dùng tay, điệu bộ, cử chỉ để cố gắng trò chuyện với nhau, chúng tôi đã gặp gỡ thêm rất nhiều bạn. Có thêm nhiều bạn đăng ký học ngôn ngữ ký hiệu. Chúng tôi mong đợi nhiều hơn những dịp giao lưu cộng đồng thế này”.
Người tham gia hoan hô bằng ngôn ngữ ký hiệu |
Các thành viên nhí đến với chương trình |
Anh Mạnh và chị Lan, thành viên CLB Văn hóa Người điếc TP.HCM, hướng dẫn 12 câu cực ngắn bằng ngôn ngữ ký hiệu |
Tiệc vô ngôn được tổ chức bởi một nhóm bạn làm trong nhiều ngành nghề như thiết kế, kỹ sư, phiên dịch, tổ chức sự kiện… sống tại nhiều thành phố khác nhau và có khi chỉ gặp nhau vài lần mỗi năm. Họ liên lạc qua mạng Internet và điện thoại. Không chỉ là bạn bè của những buổi cà phê mà còn mong muốn cùng biến những ý tưởng thú vị thành các chương trình giải trí có ảnh hưởng tới xã hội.
Qua tiệc vô ngôn, họ muốn giới thiệu một hình thức tiệc khác lạ, không chỉ là thưởng thức đồ ăn, xóa nhòa ranh giới ngôn ngữ, gỡ bỏ rào cản ngôn từ, đánh thức kỹ năng giao tiếp bằng cử chỉ có sẵn trong mọi người. Và, nhắc mọi người nhớ về cộng đồng người khiếm thính và điếc tại Việt Nam (hơn 2,5 triệu người).
ĐỖ THIÊN HƯƠNG
Tiệc vô ngôn như một tác phẩm nghệ thuật trình diễn cộng đồng “Tôi đã ba lần tới Bordeaux giao lưu văn hóa, hướng dẫn, dạy vẽ cho các bạn khiếm thính, những người hưng cảm và cả người trầm cảm … Tôi không biết ngoại ngữ và đã trò chuyện, trao đổi cùng họ bằng cử chỉ, động tác, một cây bút và một cuốn sổ để vẽ hình và không ngờ, nhiều khi chỉ có thế mà chúng tôi có thể đem lại tiếng cười tới những bệnh nhân trầm cảm ba tháng không trò chuyện cùng ai, cũng khiến người khiếm thính hứng thú trò chuyện. Bởi thế tôi luôn đánh giá cao thứ ngôn ngữ không lời này. Tiệc vô ngôn giống như một tác phẩm nghệ thuật trình diễn cộng đồng mà mọi người tới đều đóng vai trò là một phần của chương trình. Họ cùng tương tác với chương trình và tương tác với nhau chứ không chỉ thụ động đến xem và ngắm. Để truyền đạt tinh thần khích lệ cộng đồng, một tác phẩm nghệ thuật rất khó làm được. Nhưng với một hoạt động thế này mỗi người đến với nhau một cách tự nhiên, hết sức gần gũi. Qua một buổi tối thế thôi, người bình thường sống trong tinh thần của những người khiếm thính hiểu nhau hơn rất nhiều. Đồng thời những người khiếm thính cũng nhiệt tình giao lưu trò chuyện cùng những người nghe bình thường. Tinh thần này sẽ lại lan tỏa rộng hơn, được các bạn mang xa hơn. Đó chính là giá trị văn hóa của chương trình“. Họa sĩ ĐỖ ĐỨC – người cao tuổi nhất tham gia chương trình |
Source: Báo Tuổi Trẻ