Ngày càng nhiều học sinh ngay từ tiểu học đã vận dụng lý thuyết trên lớp để tạo ra những sản phẩm, mô hình, công trình nghiên cứu khoa học độc đáo và hữu ích. >> Cậu học trò sáng tạo máy dọn rác thải trên nước >> Bật mí về tài năng sáng tạo nhí tuổi lên 9
Từ vật bỏ đi trở thành vật có ích
Cô Phùng Thị Thanh Lài – Trợ lý thanh niên trường Phổ thông Năng khiếu TP.HCM, cho biết giờ không chỉ các học sinh thuộc khối tự nhiên như: lý, sinh, hóa sáng tạo kỹ thuật mà ngay cả học sinh các môn văn, Anh văn cũng tham gia sáng tạo, nghiên cứu.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) năm nào cũng tổ chức cuộc thi với tên gọi “chạm và biến”. Ý nghĩa là học sinh “chạm vào lý thuyết và biến thành thực tiễn”. Từ đó, học sinh đã sáng tạo nhiều mô hình độc đáo như: Tạo ra năng lượng từ nguồn nước thải, vận dụng pin điện thoại bỏ đi để làm đèn pin cảm quang (tự sáng trong bóng tối và tự tắt trong ánh sáng). Học sinh lớp chuyên Anh tự thiết kế và biên soạn sách Animal Idioms book (thành ngữ, tục ngữ tiếng Anh liên quan đến con vật) và đang hoàn thiện. Các bạn chuyên văn thì nghiên cứu, tập hợp các thông tin du học các nước in thành tập sách để giúp học sinh trong trường tiện tham khảo.
Lê Thị Hà My, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường Lê Hồng Phong, cho biết: “Mục đích là tạo sân chơi khoa học, vận dụng kiến thức vào thực tế để bài học đỡ nhàm chán. Điều này giúp cho chúng em có kỹ năng làm việc đội nhóm”.
Trồng rau sạch
Cô Lê Thiên Thư, giáo viên môn sinh vật trường Phổ thông Năng khiếu TP.HCM, cho biết: “Việc ứng dụng kiến thức vào thực tế sẽ giúp học sinh nhớ bài lâu hơn. Ngoài ra còn giúp các em phát triển tư duy, sáng tạo và kỹ năng làm việc đội nhóm”.
Hiện nay, một nhóm học sinh TP.HCM của trường Phổ thông Năng khiếu đang vận dụng kiến thức của bài học Nhân giống vô tính (sinh vật lớp 11) để nuôi cấy mô cây cẩm chướng trong ống nghiệm. Đây là loại cây ôn đới, thích hợp khi trồng ở Đà Lạt. Sau 4 tháng, quá trình vô mẫu, tạo cụm chồi (thông qua kích thích tố cytokinin), nhân cụm và tạo rễ (thông qua kích thích tố auxin) đã mang lại kết quả khả quan.
Ngoài ra, các học sinh còn vận dụng kiến thức đã học trong bài Chứng minh các nguyên tố khoáng thiết yếu (sinh vật lớp 11) để nuôi trồng rau sạch trong môi trường dinh dưỡng tại nhà để phục vụ bữa ăn.
“Kỹ sư nhí” lắp ráp robot
Đầu năm học này, CLB Lắp ráp robot của trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) chính thức đi vào hoạt động. Mỗi tuần, học sinh mỗi khối được sinh hoạt một lần. Học sinh khối lớp 1, 2 sẽ lắp ráp những mô hình cơ bản, đơn giản về các con thú như chim cánh cụt, rùa… Khối lớp 3, 4, 5 ngoài lắp ráp mô hình con thú còn làm những mô hình động như con quay, con gà chạy… Sau khi hoàn thành tác phẩm của mình, các em lại có cách tạo trò chơi theo suy nghĩ của mình như tổ chức thi đấu, so tài robot với nhau…, giúp giờ sinh hoạt trở nên sôi động.
Trong quá trình lắp ráp robot, nhiều em tỏ ra căng thẳng, mồ hôi nhễ nhại khi tập trung ráp các vật nhỏ vào đúng các khớp nối. Sau mỗi công đoạn thành công các em khoe ngay với người bạn bên cạnh. Là một học sinh nữ nhưng Trần Quỳnh Hương, lớp 3, có thể lắp ráp robot nhanh hơn cả các bạn nam. Vừa lắp mô hình của mình, cô bé còn lắp giùm các bạn nam bên cạnh. Hương chia sẻ: “Lúc nghe tới giờ lắp ráp robot, con háo hức lắm. Mỗi buổi là một mô hình khác nhau. Mô hình nào con cũng thấy thích, nhất là những mô hình chuyển động được như con quay, con gà…”. Cô Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: “Thông qua hoạt động này, bé vừa học vừa chơi lại có thể phát triển tư duy, sự khéo léo và tính kiên nhẫn”.
Source: Báo Dân Trí