Công viên không chỉ có ghế đá

TTCT – Nếu chương trình trò chơi truyền hình “Chung sức” của MC Tạ Minh Tâm có đề mục yêu cầu liệt kê những gì gắn liền với công viên, chắc chắn sẽ có đáp án là “ghế đá”.

Công viên không chỉ có ghế đá

Bởi từ lâu, hình ảnh những chiếc ghế đá đặt dưới tán hàng cây xanh được xem là biểu tượng của công viên, là thứ “tiện nghi” tối thiểu để mọi người tận hưởng thú vui nhàn hạ sau khi bách bộ hay kết thúc các hoạt động tại đây.

“Góc nói” trong khuôn viên Hong Lim Park ở Singapore – Ảnh: T.V.T.

Nhưng công viên đương nhiên không chỉ có ghế đá, mà hiện diện ở đó trước hết và chủ yếu là cây xanh. Nếu không kỳ vọng nhiều hơn thì hai yếu tố vừa kể đủ để tạo nên một nơi chốn thư giãn công cộng luôn được coi trọng ở những đô thị bất kể lớn nhỏ.

MC chương trình “Chung sức” sẽ tiếp tục thử thách một trong hai đội chơi, và các thành viên trong đội sẽ lần lượt kể thêm nào là chim, thú, tượng đá, nhà nghỉ chân… Nếu bạn tham gia trò chơi truyền hình quen thuộc này, như thế là tạm đủ, có thể lấy điểm và lãnh giải ngon lành.

Nhưng còn một liệt kê nữa có thể không nằm trong đáp án lại chiếm vị trí quan trọng, đến 50% khi ta nghĩ về công viên. Đó là “giao thức nhân văn”, là thực thể văn hóa, tinh thần được xác lập giữa người với người và cách hành xử giữa người với cái nền bối cảnh tự nhiên ở nơi được gọi là công viên. Đó chính là môi trường nhân văn bên cạnh không gian thiên tạo, không gian của tự nhiên.

Nói thế bởi chỉ cần nhìn vào cách sử dụng công viên và cách hành xử trong công viên của một người nào đó, ta có thể đoán biết được ngưỡng văn hóa của họ. Đó là văn hóa hành vi trong giao tiếp nơi công cộng. Không ít người vào công viên để nhận, để tận hưởng không khí trong lành – thứ khí sạch quý giá không phải mất tiền mua – nhưng sau đó lại thải rác ngay chỗ mình vừa ngồi hay vứt bừa những thứ người khác không muốn nhìn thấy.

Đối với những người này, công viên là “thiên đường” của họ nhưng lại là “địa ngục” đối với những người biết trân quý môi trường xanh – sạch, hay trực diện hơn là những người lao công.

Ở một nơi đất chật người đông, đường sá lúc nào cũng đầy xe cộ kèm theo khói bụi mịt mù như Sài Gòn, công viên còn có thêm một công năng nữa đó là nơi đi bộ lý tưởng và là giải pháp đi bộ khả thi nhất với những ai yêu môi trường. Đi vào lối dành cho người đi bộ là đi vào cái ổ ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn, thế nên an toàn nhất là bách bộ trong công viên.

Hình ảnh ai đó đi bộ trong công viên nhắc ta nhớ rằng những nơi công cộng ở thành phố này đang thiếu xanh, ngoại trừ… công viên. Nhưng gần đây, người ta cũng tìm mọi cách, mọi lý do để thu hẹp dần cả những cung đường đi bộ lý tưởng và có thể xem là sự lựa chọn cuối cùng của khách bộ hành. 

Cũng bởi thành phố đang thiếu xanh nên các nhà kinh doanh địa ốc hiện chuộng sử dụng ngay yếu tố này như một thế mạnh tiếp thị cho dự án bất động sản của mình. Thậm chí, để tạo sự khác biệt với những dự án khác cùng quy mô và tương đồng về phong cách kiến trúc, họ luôn yêu cầu người copywriter đầu tư công sức sáng tạo những đoạn văn thật thăng hoa khi viết về phần “mảng xanh” cho các ấn phẩm quảng cáo dự án của mình.

Công viên nhiều khi còn là nơi thể hiện trạng thái xã hội. Trong lần du lịch đến đảo quốc sư tử Singapore cách đây hai năm, khi tra cứu thông tin trước chuyến đi, tôi bị hấp dẫn bởi một cái góc rất lạ có tên là “góc nói” (Speakers’ Corner) nằm trong khuôn viên Hong Lim Park. Đó là một công viên hết sức bình thường nằm gần khu Trung tâm Cộng đồng xanh Telok Ayer Hong Lim và nó chỉ trở nên bất thường trong mắt một du khách quốc tế như tôi khi ở một góc nhỏ công viên có đặt tấm bảng “Speakers’ Corner”.

Tại đây, theo quy định, mọi người dân Singapore được phép tụ họp vào một số giờ nhất định trong ngày, thoải mái bày tỏ chính kiến của mình về mọi vấn đề xã hội đang diễn ra hằng ngày, miễn là không được khích động, phát ngôn vô lối.

Những ngày lang thang trong công viên, tôi nghiệm ra rằng sở dĩ người ta yêu công viên là bởi chốn thiên nhiên pha chút nhân tạo này gieo vào lòng người – ở một môi trường đô thị hóa cao độ – tâm thức đặc biệt: tâm thức xanh.

TRẦN VĂN THƯỞNG

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.