Phụ huynh cũng “muốn ghét tiền”

TTCT – Bạn tôi là giáo viên của hai trường THPT ở Hà Nội, dạy chính ở trường công, dạy thêm ở trường tư. Bạn có một căn nhà ba tầng khá khang trang ở một quận nội thành Hà Nội.

LTS: Bài văn nghị luận nghĩ về đồng tiền của em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 chuyên lý Trường THPT Hà Nội – Amsterdam (*), tuần qua đã trở thành đề tài trên các diễn đàn giáo dục. TTCT giới thiệu hai ý kiến liên quan đến bài văn này.

Câu chuyện giáo dục

Phụ huynh cũng “muốn ghét tiền”

Chồng bạn là kỹ sư của một doanh nghiệp cơ khí, sáng sáng tự lái ôtô đi làm. Vốn liếng làm ăn nhà bạn đủ để chồng bạn tham gia hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Nói chung, bạn thuộc thành phần có của ăn của để, và là một trong những người có đời sống kinh tế khấm khá so với bạn bè cùng tốt nghiệp trường sư phạm năm 1994 của chúng tôi.

>> Khóc vì thấy mình trong đó
>> Trao học bổng cho học sinh Nguyễn Trung Hiếu

Minh họa: Lê Thiết Cương

Vậy mà từ nhiều năm nay, bạn luôn mang lấy trong mình trạng thái thon thót lo âu kể từ khi quyết định cho đứa con gái lớn học ở Trường Ams (**) (từ cấp THCS) bởi một lý do khó hiểu: nhà bạn “nghèo”, con bạn không đua được với con người ta! Sau khi đọc bài văn dưới dạng thư gửi mẹ của em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 chuyên lý cũng của Trường Ams, bạn tôi thốt lên: Tôi cũng muốn ghét tiền!

Chẳng hiểu từ bao giờ trong giới phụ huynh Hà thành ám ảnh một mặc định: đã có con học Trường Ams thì nhà phải giàu. Tất nhiên, cả con phải giỏi nữa. Nhưng nếu phụ huynh nào tự thấy con mình chỉ giỏi không thôi thì họ có nhiều lựa chọn khác được xem là tốt hơn, chẳng hạn các trường THPT chuyên của các trường đại học. Cô con gái bà chị tôi đỗ chuyên địa ở Trường Ams nhưng lại chọn học ở một “trường thường”. Gọi là “trường thường” nhưng con đỗ được vào đó bố mẹ cũng “mát mặt”. Cả Hà Nội có khoảng dăm trường như vậy. Lý do cháu không chọn Trường Ams vì cháu nghe bảo “bọn Ams ăn chơi lắm”, tạng cháu không hợp.

Thật ra cái gọi là “ăn chơi” mà người ta gán cho học sinh Trường Ams cũng không có gì ghê gớm và thua xa so với những thứ ăn chơi của giới “anh chị” nhan nhản trong các trường bình thường. Cũng chỉ là những buổi liên hoan, những tiệc sinh nhật được tổ chức trong các nhà hàng cà phê hoặc khách sạn hạng sang, những dạ hội được đầu tư kỹ lưỡng, những chuyến dã ngoại tới các khu vui chơi đắt tiền… kèm theo chi phí đóng góp không nhỏ của mỗi học sinh tham gia. Và “xã hội phụ huynh” của Trường Ams cũng đa dạng như xã hội ngoài đời. Chỉ có điều tỉ lệ phụ huynh thành đạt ở Trường Ams có vẻ như cao hơn ở môi trường bình thường, vì nếu phụ huynh không có tiềm lực kinh tế tốt, con họ khó mà giỏi!

Cô bạn mà tôi nhắc đến phần đầu trong bài viết này cho biết để giúp con thi từ lớp toán 2 lên toán 1, có thời gian dài bạn tôi phải ném hết thu nhập dạy ở hai trường của mình vào các lớp học thêm của con, thu nhập của bố cháu dùng để chi tiêu cho sinh hoạt trong gia đình và trả nợ.

Bạn tôi phân tích: “Thời xưa người ta học giỏi chủ yếu nhờ vào khả năng tự học của bản thân. Thời nay, để học giỏi ngoài tố chất của học sinh còn phụ thuộc vào việc bố mẹ có nhiều tiền cho con đi học thêm hay không! Cái giỏi của trẻ con thời nay được thể hiện ở chỗ ai là người giải được các bài toán khó nhất mà thầy ra trong các lớp học thêm. Thầy càng nổi tiếng, thù lao càng đắt, lớp học thêm càng ít học sinh, bài tập càng khó. Con tôi không đi học thêm, đương nhiên nó sẽ không giải được những bài toán mà bạn bè nó giải được, từ đó nó sẽ có tâm lý tự ti và chẳng bao giờ lên hạng nổi!”.

Bạn tôi cũng chỉ dám “gồng” mình trong những thời kỳ cao điểm. Còn bình thường, bạn cho con đi học thêm chủ yếu ở các trung tâm mà tiền học chỉ thu khoảng 50.000-100.000 đồng/ca gần hai giờ. Vậy mà mỗi tháng bạn tôi cũng mất đứt vài ba triệu đồng cho khoản này. “So với con người ta, đều đều như vắt chanh chi hơn chục triệu đồng tiền học thêm mỗi tháng, nhà tôi chẳng phải nhà nghèo thì giàu với ai?” – bạn tôi đay đả!

Trở lại câu chuyện “muốn ghét tiền”, cô bạn tôi nhận xét: “Chính ở một môi trường mà phần lớn phụ huynh có điều kiện để có thể xem tiền chẳng là cái gì, miễn sao con họ học giỏi đã khiến Hiếu sớm có những suy nghĩ cay đắng về giá trị của đồng tiền. Những người như gia đình tôi còn bị áp lực của đồng tiền khi người giàu là số đông, huống hồ gia đình Hiếu! Hiếu chỉ suy nghĩ đơn giản, có tiền mẹ Hiếu sẽ khỏi bệnh, trong khi không thiếu người giàu vẫn chết vì bệnh tật. Trong bài văn Hiếu không nói ra, nhưng tôi tin một người hiếu thảo, thông minh, sắc sảo như Hiếu vẫn còn những ý nghĩ khác về đồng tiền khi được sử dụng đúng với giá trị đích thực của nó, chỉ có điều là em ấy chưa có cơ hội để nói lên”.

THƯ HIÊN

__________

(*): http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/463891/Bai-van-%E2%80%9Cnghi-ve-tien%E2%80%9D-dong-day-yeu-thuong.html
(**): Cách gọi tắt Trường Amsterdam

__________

Tiền và nước mắt

Tiền là thứ ai cũng có trong túi hằng ngày, không ít thì nhiều. Nhưng đề bài văn của cô giáo Trường THPT Hà Nội – Amsterdam “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống” vẫn là một bài văn khó đối với các em học sinh lớp 11. Vậy mà không ngờ bài văn của Nguyễn Trung Hiếu đã có được câu trả lời hay về đồng tiền, quen mà lạ, dễ mà khó ấy. Bằng sự chân thành, với những chi tiết chân thực của chính cuộc đời còn rất trẻ con của mình, Hiếu đã làm nhiều người, ở nhiều độ tuổi rơi lệ. Em đã viết một bài văn thành công về đồng tiền.

Giữa một thành phố hoa lệ, nơi triết lý “làm giàu” thịnh hành và mọi người đang lao vào kiếm tiền, Hiếu cũng đã thử vạch ra những kế hoạch làm ra tiền để giúp đỡ gia đình khó khăn của mình. Như em thổ lộ trong bài văn: “Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ”. Bà mẹ nghèo kề bên cái chết, đang phải chạy thận mỗi tuần vài lần đã kiên quyết “gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe”.

Bà mẹ đáng quý của em biết rằng đồng tiền nào kiếm được cũng phải trả giá, cái giá con bà phải trả có thể là lơ là hay từ bỏ việc học hành, nỗi đau ấy còn lớn hơn cả căn bệnh thận nguy hiểm mà bà đang chịu. Nhịn ăn sáng và mang đến lớp cái cặp lồng đựng cơm với muối vừng cho bữa trưa có lẽ là cách làm ra tiền đơn giản nhất của một học sinh nghèo như Hiếu, nhưng rất khó thực hiện với nhiều người cùng tuổi hay nhiều tuổi hơn em. Vì nó đòi hỏi một cố gắng phi thường, một sự hi sinh và trước hết, một chọn lựa về cách sống.

Bài văn chân thực của Hiếu đã làm rơi những giọt nước mắt cảm động, cảm thông và quan trọng hơn cả là những giọt nước mắt ân hận, sám hối. Một em học sinh trạc tuổi Hiếu bình luận: “Năm nay tôi đang học lớp 12, sinh ra trong một gia đình đầy đủ về vật chất, giống như bao người khác, tôi đã phung phí không biết bao nhiêu là tiền của ba mẹ, từng đống card game tôi tung tiền ra mua mà không hề tiếc… Thật sự, giờ đây tôi đã hối hận lắm, tôi thật tệ, không bằng Hiếu. Mong các bạn đừng như tôi”.

Và một người lớn tuổi khác: “Nhớ lại thời đi học, anh thật tệ, anh bất hiếu, không được như em”… Làm người khác nhìn lại chính mình để họ rơi những giọt nước mắt sám hối chân thành không dễ. Hiếu chắc không dám có tham vọng gì hơn là bày tỏ câu chuyện của chính mình và gia đình chỉ trong một bài văn nộp cô giáo. Nhưng sự dằn vặt của em vì cảnh nghèo, sự chân thành, lòng hiếu thảo và tình thương muốn bộc lộ với mẹ đã giúp em làm được hơn thế rất nhiều. Bài văn đã lan tỏa rất xa ngoài Trường Amsterdam, thức tỉnh sự vô cảm đang ngự trị trong tim nhiều người.

“Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền” – ngắn gọn và thấu đáo trong một câu ấy thôi, Nguyễn Trung Hiếu đã tìm được lời đáp làm rơi nước mắt cho một trong những câu hỏi đau đớn nhất của nhân loại: tiền là cái chi chi?

NGUYỄN QUANG THÂN

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.