Trẻ bỏ học: lỗ thủng nhỏ, hậu quả lớn

TT – 25 ý kiến bạn đọc đã mổ xẻ, phân tích về bài viết “Trẻ không đến trường: vì sao?” (Tuổi Trẻ ngày 3-12), trong đó tập trung phân tích lý do học sinh chán học và những hệ quả của nó.

Trẻ bỏ học: lỗ thủng nhỏ, hậu quả lớn

Nhiều học sinh dành nhiều thời gian để chơi game (ảnh chụp tại một tiệm Internet ở huyện Củ Chi, TP.HCM) – Ảnh: N.C.T.

Bỏ học và những hệ quả xã hội

Các tổ chức quốc tế khi nghiên cứu về tình trạng bỏ học của học sinh mới chỉ khuyến cáo về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam trong tương lai. Vấn nạn bỏ học còn đặt ra nhiều vấn đề xã hội khác cũng quan trọng không kém.

Trong cái nhìn xã hội học, giáo dục tại nhà trường là một giai đoạn rất quan trọng trong việc “định hình” nhân cách nói riêng và con người nói chung. Mỗi cá nhân sẽ chỉ phát triển cân bằng nếu được hưởng hai nền giáo dục tốt từ gia đình và nhà trường.

Đây là hai môi trường quan trọng nhất mà ở đó mỗi cá nhân được uốn nắn, được trang bị những kỹ năng, kiến thức, thái độ nền tảng để có thể hội nhập được vào xã hội với tư cách là một thành viên của xã hội. Do đó khi đứa trẻ phải bỏ học vì bất cứ lý do nào thì coi như xã hội phải đón nhận một thành viên “khiếm khuyết”. Và mỗi năm xã hội có hơn 200.000 thành viên như vậy, cộng dồn cho 10 năm, 20 năm con số sẽ cực lớn.

Đây sẽ là một trong những “dự báo” cho các vấn đề xã hội khác như tội phạm, trộm cướp mà xã hội sẽ phải đối diện trong tương lai không quá xa. Nghiên cứu xã hội học về tội phạm cho thấy tình trạng tội phạm nơi nhóm thất học hoặc học vấn thấp bao giờ cũng cao hơn nhóm có học vấn cao, do những hạn chế về nhận thức và thiếu khả năng kiếm sống bằng những hoạt động nghề nghiệp hợp chuẩn trong xã hội.

Nếu khoảng 10% số học sinh bỏ học hiện nay khi trưởng thành sau này có những hành vi lệch chuẩn thì xã hội sẽ phải trả những cái giá rất đắt.

Tình trạng bỏ học ngày nay sẽ là một dấu hiệu của tình trạng bỏ học trong tương lai do có tính liên thế hệ. Có nghĩa là khi bố mẹ thất học hoặc học vấn thấp thì nhiều khả năng con cái của họ cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự, bởi họ không đủ tri thức để hướng dẫn con cái trong việc học và thu nhập của họ cũng không đủ để trang trải cho việc học của con cái vốn đang ngày càng đắt đỏ hơn.

Do đó, tuyệt đối không thể nào xem thường hiện tượng bỏ học dù tính ra tỉ lệ phần trăm trên tổng thể là không lớn.

LÊ MINH TIẾN

Không chấp nhận lý do chán học

Liên quan đến việc học sinh bỏ học, thất học, chúng ta buộc phải chấp nhận nguyên nhân kinh tế vì đây là lý do khách quan. Nghèo đói và ngu dốt luôn đi kèm với nhau và luôn là trăn trở của cả nhân loại. Còn nguyên nhân do trẻ chán học, theo tôi, là không thể chấp nhận được.

Cần tìm các nguyên nhân làm trẻ chán học để giải quyết nhanh. Tôi có tham khảo một số sách giáo khoa nước ngoài, tất cả sách đều có nhiều hình ảnh rất sinh động và bắt mắt. Còn sách giáo khoa Việt Nam, tuy gần đây đã được cải cách nhiều nhưng vẫn quá nhiều chữ, ít hình ảnh và hình ảnh ít được in màu. Theo tôi, đây cũng là một lý do khiến trẻ chán học.

Unad

Chương trình quá nặng

Tôi có con học năm đầu tiên của chương trình cải cách. Năm lớp 1 con đi học về, buổi tối cả mẹ và con cùng học. Bản thân tôi cũng tốt nghiệp đại học sư phạm và khi cầm những quyển sách giáo khoa cải cách đó, tôi cứ băn khoăn tự hỏi không biết những nhà soạn sách có từng qua những khóa về sự phát triển của trẻ không?

Đã bao giờ đứng lớp để hiểu rằng trong 45 phút thầy cô có thể làm được những gì, khi mà trí óc non nớt của học sinh không thể thu nạp khối kiến thức như người lớn muốn áp đặt?

Với một chương trình sách giáo khoa như vậy thì chuyện trẻ bỏ học chẳng có gì là khó hiểu và nếu cứ tiếp tục thế này thì mọi nỗ lực ngăn dòng bỏ học sẽ chẳng thu được kết quả gì. Tôi thỉnh thoảng vẫn kiểm tra xem các con thu nhận kiến thức thế nào và các cháu có thích thú học không, thì nhận thấy rất ít thứ tạo được sự quan tâm thích thú của các cháu. Mấy năm đầu đi học, chỉ cần không theo kịp vài môn, lại không có sự giúp đỡ của cha mẹ, việc trẻ chán học, bỏ học là tất yếu.

Thu Hiền (anbinh_pt_2008@…)

“Ngồi nhầm lớp”

Tôi thấy học sinh bỏ học có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chán học là chủ yếu và chán học là do “ngồi nhầm lớp”. Theo guồng máy phổ cập giáo dục và chạy đua trường chuẩn nên các trường không dám cho học sinh lưu ban, không biết gì cũng lên lớp. Ở trường tôi, nhiều học sinh lớp 7, lớp 8 mà các phép toán cộng trừ nhân chia số nguyên không biết làm.

Thế nhưng năm nào trường tôi cũng đạt tiên tiến với thành tích 95% học sinh từ trung bình trở lên (trong khi theo tôi đánh giá chỉ đạt 35-40%). Khi lên lớp cao, kiến thức nặng hơn, các em càng mù tịt, vậy là bỏ học.

minhky80@…

Gia đình cần quan tâm hơn

Tôi là giáo viên dạy ở vùng có học sinh bỏ học tương đối nhiều. Tôi nghĩ nguyên nhân chính khiến học sinh bỏ học là sự thiếu quan tâm của gia đình. Nhiều gia đình còn chưa nhận thức được việc học của con là quan trọng, họ nghĩ đó là việc của nhà trường và mọi thứ đều đổ lỗi cho giáo viên chủ nhiệm lớp.

Trường lại quy định nếu trong năm học có học sinh bỏ học thì quy trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm, mọi thành tích phấn đấu trong năm học đều bị cắt hết. Vì vậy, một số học sinh đụng cái gì cũng dọa bỏ học. Đến trường không học bài cũ, không tham gia bất kỳ một hoạt động của nhà trường, thậm chí còn không có sách vở…

Học tập như vậy nên lâu dần các em mất kiến thức dẫn đến chán học, bỏ học.

Văn Hiếu

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.