TT – Giải thưởng Làn sóng xanh (LSX) năm nay lại khiến câu chuyện hậu giải thưởng có thêm đề tài gây bàn tán xôn xao trong dư luận.
Làn sóng xanh – ánh hào quang buồn chán
Minh Hằng và Ngô Kiến Huy – hai ca sĩ đoạt giải triển vọng Làn sóng xanh 2001 – giải thưởng khiến nhiều khán giả hoang mang từ danh sách đề cử đến kết quả – Ảnh: T.T.D. |
>> Làn sóng xanh 2011: Vẫn những gương mặt cũ
Trên các diễn đàn, nhiều người vẫn còn ngạc nhiên về các giải thưởng, và nói rằng kết quả dường như chưa thuyết phục lắm.
Không còn gì phấn khích
Theo công bố giải thưởng LSX 2011 tối 4-12, ca sĩ Mỹ Tâm giành được “hattrick”, tức nhận liền ba giải: ca sĩ của năm, top 10 ca sĩ được yêu thích nhất và top 10 nhạc sĩ được yêu thích nhất. Theo ban tổ chức, Mỹ Tâm có chương trình biểu diễn từ thiện xuyên Việt, có DVD ca nhạc phim… Lý do đó có vẻ như rất chông chênh, đang nhanh chóng sa vào các cuộc bàn cãi. Đặc biệt, ở hạng mục “nhạc sĩ”, nhiều người nói rằng âm nhạc VN hiện tại không thiếu những cái tên hết sức cạnh tranh với Mỹ Tâm như Thùy Chi, Mai Khôi, Lê Cát Trọng Lý…
Bên cạnh đó, sự có mặt của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lại khiến chương trình LSX có thêm hình ảnh của một “cặp đôi hoàn hảo”, hoàn toàn không có gì khích lệ cho sự mới mẻ của một năm âm nhạc. Cũng với hạng mục là ca sĩ của năm, nhiều khán giả đã viết trên blog của mình rằng “như thế nào để được gọi, được bình chọn là ca sĩ trong năm, bề nổi nhiều nhất hay là nỗ lực cho nghệ thuật nhiều nhất?”. Và trong lời bàn tán đó, nhiều cái tên khác đã được nhắc tới như Đức Tuấn, Tùng Dương…
Không thể phủ nhận giá trị của Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng trong giải thưởng này, nhưng rõ ràng dù là giải thưởng do thính giả lựa chọn thì ban tổ chức dường như vội vã và “an toàn” cho mình trong việc xếp đặt các giá trị đã từng có, hơn là đào sâu và dang tay mời gọi các giá trị mới mẻ, những nỗ lực cần được nâng đỡ. Và với cách thức “an toàn” như thế này, người ta có thể hình dung hai hay năm năm nữa, chiếm lĩnh các vị trí đó có lẽ sẽ vẫn là Mỹ Tâm hay Đàm Vĩnh Hưng lại chuẩn bị trang phục mới cho mỗi kỳ LSX mà thôi.
Và nếu mọi thứ quá đơn giản để bình chọn thì chưa có cuộc tổng kết này, người ta cũng đã có thể đoán trước, hiểu trước… những gì sẽ đến với LSX – một giải thưởng từng là đầu tàu đầy yêu mến và uy tín cho nhạc pop VN. Những danh sách quá quen thuộc để không còn gì phấn khích, và cũng không giới thiệu được đúng diện mạo âm nhạc VN lúc này, dù có lắm “thảm họa” nhưng không có nghĩa tệ hại đến mức không lộ diện được nhân tài.
Nhiều người còn ngờ ngợ rằng liệu ban tổ chức và những người tham gia bình chọn có đủ thông tin và quán xuyến được hết thị trường VN hay không, khi giải thưởng về phòng thu và hòa âm không tìm được người xứng đáng. Nếu xét vào bậc hiện đại và đầu tư công phu, hiện nay khó có studio cá nhân nào có thể qua được studio của nhạc sĩ Anh Quân ở phía Bắc. Còn nếu xét ở góc độ thị trường, có nhiều bài được giới trẻ ưa thích thịnh hành, không thể không kể đến Phú Studio ở phía Nam. Nhưng cả hai tiêu chí này đều bị bỏ trống.
Giải thưởng không thể là trò chơi
Lắm những điều được nghe thấy đang làm ánh hào quang của một cuộc vui từng là điểm tựa của nghệ sĩ trẻ VN trở thành cột mốc của nhiều suy nghĩ đầy ngại ngùng và buồn chán. Dĩ nhiên, còn chưa nói đến các cuộc vận động hành lang từ điện thoại vào đài cho đến công khai trong phòng họp báo của chương trình.
Vị trí đôi nam nữ triển vọng của năm có sự bình chọn đồng bộ đến mức đáng ngạc nhiên từ một số phóng viên, khiến không ít những khán giả trong đêm nhìn nhau đầy ngụ ý. Danh sách ca sĩ triển vọng có lẽ sẽ còn dài, gay cấn và đáng để cho LSX trở nên hấp dẫn hơn với những cái tên có thực lực như Văn Mai Hương, Noo Phước Thịnh, Trọng Bắc…
Những người không có giải có thể không coi đây là vấn đề, chuyện lớn là ở đây danh sách đề cử từ một chương trình có tiếng tăm lẽ ra phải sâu sát và thực tế hơn bao giờ hết với nền văn nghệ VN. Chọn ai để đề cử và ý nghĩa của chuyện đề cử như thế nào, đó là chuyện phản ánh đúng giá trị tinh thần và tri thức của xã hội. Nhìn vào sự tổng kết năm nay, người ta có thể tổng kết rằng âm nhạc VN rất tệ, và nhà tổ chức dường như cũng không mưu cầu hay khát vọng gì hơn những điều tệ sẵn có đó.
Giải thưởng không thể là trò chơi hay là chút hoa đăng để lòe mắt khán giả. Giải thưởng cần phải được trân trọng như sự chứng nhận giá trị đỉnh cao từ cộng đồng. Nếu không là vậy, mọi thứ sẽ trở thành giải trí và rẻ tiền. Việc đề cử để tạo nên một giải thưởng ngoài sự nhận biết đủ thực tế, còn cần có ý thức trong việc nâng đỡ tài năng mới, cách tân các phong trào, tạo điều kiện để công chúng tham khảo thêm các giá trị khác ngoài thị hiếu đa số… Trao giải thưởng một cách hời hợt hoặc sai lầm, đôi khi lại còn hình thành những rào cản cho sự vận động của đời sống âm nhạc, thui chột tài năng trẻ và thách thức cảm quan tự nhiên đòi hỏi cái mới của công chúng.
LSX một lần nữa là nơi phát ra nhiều tranh cãi, nhưng cũng cho thấy đó là một chương trình có khán giả. Hoặc hơn nữa, công chúng vẫn còn nuôi nấng ở LSX một niềm hi vọng. Vẫn là một cái tên lớn âm vang trong trái tim người yêu nhạc VN từ thập niên 1990, nên LSX vẫn khiến công chúng dõi theo những ánh hào quang từ đó, dù đôi khi, có thể là những ánh hào quang đầy buồn chán đến vậy.
TUẤN KHANH
Ban tổ chức đùn đẩy nhau Xung quanh các vấn đề khiến dư luận “dậy sóng” tại giải thưởng LSX 2011, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên hệ với ban tổ chức giải suốt cả chiều 7-12 để có câu trả lời cho khán giả. Là đại diện ban tổ chức trong suốt thời gian diễn ra giải thưởng LSX, phó ban FM Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) Nguyễn Công Vinh thừa nhận có thể giải đáp mọi thắc mắc nhưng không thể phát ngôn khi chưa có lệnh của giám đốc và phó giám đốc đài. Ông Trần Văn Thuận – giám đốc VOH – cho biết đang công tác tại Hà Nội và đã ủy quyền giải quyết vụ việc cho ông Nguyễn Trọng Trí – phó giám đốc đài. Khi được hỏi về giải ca sĩ triển vọng, ông Trí cho hay ông không nắm rõ sự việc và đây là giải thưởng do các nhà báo bầu chọn nên mời các nhà báo nếu có thắc mắc lên trang web xem lại các tiêu chí. NGA LINH |
Source: Báo Tuổi Trẻ