TT – Lễ hội Đường sách xuân Nhâm Thìn 2012 sẽ diễn ra từ ngày 20 đến hết 26-1 (27 tháng chạp đến mồng 4 tết) như một không gian văn hóa đọc tại các cung đường: Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế (Q.1, TP.HCM).
Đường sách hướng đến văn hóa truyền thống
Lễ hội do Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cùng các nhà xuất bản, phát hành sách trên địa bàn thành phố tổ chức.
Đường sách có những góc dành cho các gia đình ở TP.HCM đến tham gia – (ảnh chụp tại đường sách xuân Tân Mão 2011) – Ảnh: L.Điền |
Với chủ đề “Truyền thống, hiện tại và tương lai”, đường sách xuân Nhâm Thìn thiết kế trục “Con đường truyền thống” trên đoạn Mạc Thị Bưởi (từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ) giới thiệu các sách lịch sử, hình ảnh văn hóa truyền thống, Sài Gòn xưa… với điểm nhấn là chủ đề “Chủ quyền đất Việt qua nhiều thế hệ”, khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Trên trục đường Nguyễn Huệ và Ngô Đức Kế – “Con đường giao thoa hiện tại hướng tới tương lai” – sẽ giới thiệu sách và hàng loạt nội dung khác, như hoạt động đối ngoại nhà nước và ngoại giao nhân dân của thành phố, triển lãm bản đồ quy hoạch tổng thể TP.HCM đến năm 2025. Đặc biệt, trục “Con đường tương lai” (Ngô Đức Kế) dành cho các hoạt động phục vụ thiếu nhi, nơi đây có cả cà phê sách, sách phục vụ người khiếm thị, và mô hình xe sách lưu động từng phục vụ các quận huyện ngoại thành.
Đường sách năm nay sẽ có hàng loạt hoạt động mang dấu ấn văn hóa truyền thống, như các trò chơi dân gian: bịt mắt đập trống, ô ăn quan, nhảy cò, lựa đậu, chơi đối đáp theo phong tục ngày xuân ở các miền Việt Nam, múa dân vũ tập thể… (do Công ty Thái Anh và Sao Bắc Đẩu tổ chức bắt đầu từ chiều 28 tháng chạp); Công ty sách Phương Nam tổ chức chương trình “Du xuân cùng Truyện Kiều với danh hài, nhà văn Mạc Can điều khiển trò chơi bói Kiều, gieo quẻ đầu năm; NXB Tổng Hợp TP.HCM ngoài hàng loạt sách chính trị, văn hóa, nghiên cứu được bày bán, còn tổ chức triển lãm mỹ thuật “Sen – hương sắc Việt” từ mồng 1 đến mồng 3 tết; Công ty Fahasa tổ chức chương trình giao lưu vào sáng mồng 4 tết với các nhà văn, nhà thơ TP.HCM: Lê Thị Kim, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Thạch Biền.
Lần đầu xuất hiện tại đường sách có website bán sách Tiki và Công ty Lạc Việt – nơi đang có một số dự án phát triển sách điện tử và các công cụ như từ điển, các phần mềm hỗ trợ eBook và dữ liệu số.
Dù vậy, việc tham gia hoạt động đường sách trong mấy ngày tết đối với một số đơn vị cũng có những khó khăn. Trong số ba nhà xuất bản của TP.HCM thì năm nay chỉ có NXB Tổng Hợp tham gia. Nhà sách Hà Nội năm ngoái rất nhiệt tình với đường sách thì năm nay rút vì không huy động được nhân viên. “Anh em làm cả năm cũng muốn nghỉ ngơi, nên dù trực đường sách tết được tăng lương gấp 3-4 lần nhưng ai cũng muốn… về quê ăn tết hơn” – một nhân viên Sách Hà Nội cho biết.
Mặc dù đường sách đang dần trở thành một điểm mới trong nét văn hóa ngày xuân của TP.HCM, trong giới xuất bản cũng có ý kiến cho rằng TP.HCM đã có một “thương hiệu” về sách là hội sách tổ chức hai năm một lần. Nay đường sách ngày tết có thể làm xen kẽ: năm nào tổ chức hội sách vào tháng 3 thì không làm đường sách dịp tết, để dành làm đường sách vào năm không có hội sách. Giãn ra như vậy để mọi người kịp có khoảng thời gian nhớ đến không khí hội sách, đường sách và công tác tổ chức, tham gia cũng tốt hơn.
Không gian đường sách rộng hơn Bắt đầu từ năm 2011, lễ hội đường sách của TP.HCM là một nội dung mới song song với đường hoa Nguyễn Huệ. So với năm ngoái – đường sách chỉ tổ chức trên trục đường Mạc Thị Bưởi – thì năm nay không gian dành cho đường sách rộng hơn nhiều, gồm cả ba đoạn đường hình chữ U: Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế. |
LAM ĐIỀN
Source: Báo Tuổi Trẻ