TTCT – Trong và ngoài triển lãm, giữa những cuộc trò chuyện mang tính trà dư tửu hậu hay phát biểu chính thống đều thấy một xu hướng mang tính trọng tâm mà hiện nay hầu hết họa sĩ trẻ đều hướng đến, đó là: “Nghệ sĩ phải cùng chung vấn đề với công chúng”.
Hội họa trẻ: chuyện hôm nay
Thăng bằng – sơn dầu của Phạm Duy Hoàng |
1. Vấn đề của công chúng mà các họa sĩ nói đến chính là những vấn đề chung của xã hội.
Họa sĩ Trần Trung Lĩnh, với triển lãm Mặt nạ tận cùng của hiện sinh: bí ẩn, khá thành công trong năm vừa rồi, đã bộc bạch: “Tôi vẽ tranh chẳng theo cái gì hết ngoài chính cái “nhơm nhớp” trong mắt mình, nó chuyển thẳng lên đầu rồi xuống tay qua màu sắc lên tranh. Cũng chẳng có một ẩn dụ nào ở đây hết”. Cái “nhơm nhớp” trong mắt mà Trần Trung Lĩnh nói phải chăng cũng là cái “xốn mắt”, cái thế sự nhiễu nhương ngoài đường mà người nghệ sĩ không thể ngó lơ để cứ mãi duy mỹ?!
Ở triển lãm Tác giả trẻ chọn lọc 2010, một triển lãm mang tính “tổng kết” của hội họa trẻ Sài Gòn trong năm qua, có thể thấy hầu hết họa sĩ chọn đề tài liên quan tới cuộc sống đô thị mà họ đang gắn bó. Lim Khim Ka Ty với Bụi trong thành phố, Ngô Đình Bảo Châu với Kẹt xe, Lê Huy Cửu với Nhan sắc và lá phổi thành phố, Nguyễn Đình Hiền với Tôi và thiên nhiên… Bằng trực giác và cả những trải nghiệm nội tâm, những tác phẩm này tuy phản ánh một đề tài cụ thể nhưng lại vượt qua được tính minh họa, mang dấu ấn sáng tạo cá nhân đậm nét. Thoát ra những bộn bề của công việc mưu sinh, họ nhập vai người kể chuyện với những câu chuyện của hôm nay như nạn ô nhiễm môi trường, phá rừng, không gian đô thị, bão giá…
Với triển lãm Khi tiếng hát cất lên, họa sĩ trẻ Lã Huy đã tạo nên một dấu ấn khá đẹp trong giới hội họa. Nếu như các họa sĩ khác thường dùng cọ, bay hay dao để quệt màu, thì Lã Huy vẽ bằng… đuôi cọ. Kỹ thuật vẽ đuôi cọ với những xoắn xoáy đến mức điêu luyện khiến tranh của Lã Huy tạo dựng một vẻ đẹp riêng biệt. |
2. Với “nhân vật chính” là một con cá vàng, họa sĩ Nguyễn Bảo Ngọc đã dẫn dắt người thưởng lãm đi theo câu chuyện của đô thị hôm nay, với bài toán về không gian sống… Tại sao là cá vàng? Nguyễn Bảo Ngọc ngắn gọn rằng: “Vì đó là loài cá chỉ có trí nhớ trong ba giây”. Với ba giây trí nhớ thì ký ức là cái gì? Một câu hỏi không phải là trò chơi ẩn dụ. Và thật bất ngờ thú vị, với loạt tranh này Nguyễn Bảo Ngọc đã bán hết cả năm bức tại triển lãm A touch of Vietnam 2 (tổ chức tại Bảo tàng Black Earth, Singapore từ ngày 12 đến 27-11-2010).
Phải nói bất ngờ vì với những người trong cuộc, việc bán tranh phần nhiều không nằm trong “toan tính” của họ. Với thị trường tranh trong nước, hiện nay người mua vẫn chuộng loại tranh trang trí (art design) hoặc “sang trọng” hơn là tranh theo phong cách pop art, nhưng vẫn là đề tài dùng để “ve vuốt thị giác” chứ không phải để… ngẫm nghĩ. Nói về những đề tài khiến công chúng ngẫm nghĩ ở phong cách pop art thì giới chuyên môn nhìn nhận nhiều họa sĩ trẻ Việt Nam ảnh hưởng Mao pop (hay còn gọi là pop Tàu, một loại nghệ thuật đại chúng Trung Quốc dựa trên pop art, nhưng để giễu nhại, châm biếm, đả kích những nhân vật và vấn đề xã hội đương đại).
Nhưng có lẽ sự ảnh hưởng cũng là điều bình thường khi thế giới ngày nay đã tương đối “phẳng”. Việc mượn ngôn ngữ của nghệ thuật đại chúng để nói lên “cõi lòng” của nghệ sĩ đối với xã hội cũng là điều dễ hiểu. Còn về phía công chúng nghệ thuật thì tỏ ra hứng thú khi xem những triển lãm mà ở đó bày ra những tâm trạng sống của người trẻ, như triển lãm Phía sau tri thức của Phạm Trần Việt Nam hay Khi tiếng hát cất lên của Lã Huy.
3. Đối với thị trường tranh thì nhà sưu tập Lê Thái Sơn nhấn mạnh một điểm đáng lưu ý rằng: “Bất kể dòng tranh nào cũng có đối tượng của nó. Có những họa sĩ đáp ứng ngay thị trường, cũng có họa sĩ chỉ vẽ cho mình, nhưng rồi những tranh vẽ ấy có khi lại được chọn trong các bộ sưu tập, được đấu giá rất cao… Nói tóm lại, các họa sĩ chỉ nên lo vẽ, còn chuyện mua bán là chuyện… ngoại thân. Bản chất của thị trường tranh muôn đời là vậy”.
Có lẽ cũng ý thức được như vậy nên các họa sĩ trẻ không e ngại không khí “đông đúc và vắng vẻ” (đông vui ngày khai mạc, nhưng vắng vẻ trong suốt thời gian triển lãm), nhiều triển lãm với những chủ đề sáng tạo liên quan mật thiết đến đời sống vẫn được mở ra. Và các nghệ sĩ tiếp tục bộc lộ cái nhìn cá nhân trước thực trạng xã hội, cống hiến các thử nghiệm mang tính học thuật, dự báo những bất ổn trong đời sống… qua tác phẩm của họ.
Đứa trẻ thân yêu – tổng hợp của Lã Huy |
Bụi trong thành phố – sơn dầu của Lim Khim Ka Ty |
Lời tự tình của rừng – sơn dầu của La Sương |
Nụ hôn dường như hình tròn – sơn dầu của Nguyễn Bảo Ngọc |
Mắc kẹt trong tự do – sơn dầu của Nguyễn Bảo Ngọc |
TRẦN NHÃ THỤY
Source: Báo Tuổi Trẻ