TTCT – 1. Sherlock Holmes thuộc loại nhân vật hư cấu, sống “dai” hơn người thật và ngày càng to lớn hơn nguyên mẫu được tác giả sáng tạo.
Sherlock Holmes: khôn hơn, lanh hơn, mạnh hơn
Sinh thời nhà văn Anh Arthur Conan Doyle (1859-1930) viết tổng cộng chỉ hơn 50 truyện ngắn và bốn truyện dài về tay thám tử tài ba có trí thông minh siêu việt tên Sherlock Holmes. Thế nhưng từ đó đến nay người ta đã làm hơn 200 phim truyện và vô số phim truyền hình khai thác nhân vật lừng danh này.
Sherlock Holmes (phải) do Robert Downey Jr. đóng – Ảnh: filmofilia.com |
Dần dần, Sherlock Holmes trở thành đại diện cho một thứ lớn hơn và căn cơ hơn nhân vật do nhà văn Conan Doyle sáng tạo: nguyên mẫu điển hình của một nhà điều tra xuất sắc dùng trí thông minh sắc sảo để phá án. Kỳ phùng địch thủ của ông là những kẻ thông minh ngang ngửa, nhưng lại dùng trí tuệ để vi phạm luật pháp.
Vì vậy những câu chuyện Sherlock Holmes thường là những cuộc đấu trí thú vị, đào sâu mối quan hệ giữa trí tuệ và đạo đức, đặt vấn đề lương tâm trong trật tự xã hội, để thiện thắng ác, được sự tán thưởng của công chúng tử tế.
2. Một thoáng liếc qua bối cảnh xã hội những câu chuyện Sherlock Holmes có thể giúp việc thưởng thức tác phẩm. Arthur Conan Doyle sống và viết vào thời nữ hoàng Victoria trị vì nước Anh, một thời thịnh trị được sử gia gọi là thời đại Victoria. Thời đó cuộc cách mạng kỹ nghệ bắt đầu ở Anh và những thành tựu nhanh chóng thay đổi suy nghĩ và lối sống con người; kiến trúc, văn học, nghệ thuật, giáo dục đều phát triển ngoạn mục; xã hội gia tăng nhu cầu hưởng thụ, chuộng sự sang trọng, trí thức.
Mặt khác, dân số tăng nhanh, cách biệt giữa các tầng lớp dân chúng ngày càng lớn, người nghèo chen chúc trong những khu nhà ổ chuột, trẻ em lao động vất vả, đĩ điếm nhan nhản, trộm cắp như rươi, kẻ giết người hàng loạt nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Sự cách biệt, tương phản của xã hội được phản ánh trong tác phẩm của hai nhà văn tiêu biểu cho thời này là Charles Dickens và William Makepeace Thackeray.
Arthur Conan Doyle cũng là nhà văn nổi tiếng đương thời, nhưng không chú trọng phản ánh và phê phán hiện thực như Dickens và Thackeray. Tác phẩm của Doyle mở đường cho một thể loại văn học mới: truyện trinh thám, mà nhiều nhà phê bình văn học xếp vào loại văn học giải trí hay văn học đại chúng. Người khó tính không chịu xếp Doyle ngang hàng với Dickens và Thackeray.
Ngày nay, trong khi tác phẩm của Dickens và Thackeray được đọc ở trường học thì tác phẩm của Doyle chiếm lĩnh sân khấu, tivi, điện ảnh, và Sherlock Holmes không ngừng được sáng tạo lại. Mới đây nhất là phim Sherlock Holmes: A game of shadows (đã chiếu ở VN với tựa đề Sherlock Holmes và trò chơi của bóng đêm).
3. Trong phim mới này có nhiều thứ không hoàn toàn ăn nhập với nhau: các nhân vật chính nói năng, ăn mặc kiểu Victoria, nhưng có nhà phẫu thuật đồ nhựa có thể thay đổi hoàn toàn hình dạng con người, lại có những doanh nhân sản xuất vũ khí Đức, và có cả dân hát rong tụ tập ở ngoại ô Paris lẫn quý ngài đại sứ đến từ triều đình các nước châu Âu. Tuy nhiên tất cả đều được gài vô cuộc đọ sức giữa hai trí tuệ siêu việt là Sherlock Holmes và giáo sư Moriarty, được coi là tội phạm cực kỳ thông minh ở châu Âu vào cuối thế kỷ 19.
Nhắm vào khán giả trẻ, cỡ tuổi trung học, đạo diễn đẩy tốc độ phim nhanh, căng thẳng, xài nhiều phù phép kỹ thuật, có đủ những màn đánh đấm, nổ tung, chết người.
Sherlock Holmes trong sách của Doyle có biết một thứ võ thuật Nhật mà ông gọi là “baritsu”, không hiểu là võ gì, còn Sherlock trong phim, do Robert Downey Jr. đóng, thì chơi nhuần nhuyễn võ thuật của phim Hong Kong, ứng phó nhanh nhạy sắc cạnh như điệp viên James Bond.
Tuy nhà sản xuất ráng giữ được tính chất cốt lõi của thương hiệu Sherlock Holmes: hơn thua bằng trò đấu trí, nhưng Sherlock Holmes trong phim giống nhân vật phim hành động cậy nhờ nắm đấm hơn một quý ông Ănglê chững chạc đường hoàng của thế kỷ 19. Mà có thể ý đồ của nhà sản xuất là tân tạo hình ảnh Sherlock Holmes như một anh hùng hành động thế kỷ 21.
Trong buổi chiếu phim cuối tuần mà đa số khán giả tuổi dưới hai mươi, ai bận tâm đến hiện thực xã hội đầy bi hài kịch thời kỹ nghệ hóa và phát triển? Ai bỏ tiền và thì giờ để nghiền ngẫm những cuốn sách như Hội chợ phù hoa của Thackeray hay Câu chuyện hai thành phố của Dickens?
Ngay cả Sherlock Holmes của Doyles cũng không chắc tồn tại nếu không thay đổi: trong bộ phim mới này, để chinh phục khán giả trẻ, Sherlock Holmes không chỉ thông minh hơn mà phải khôn hơn, lanh hơn, mạnh hơn (không kể trẻ hơn và đẹp trai hơn) đối thủ.
LÝ LAN & MART STEWART
Source: Báo Tuổi Trẻ