Mấy ngày qua, báo chí phanh phui vụ sử dụng hóa chất “Super tạo nạc” trong chăn nuôi lợn. Các ngành chức năng cũng xác định đó là Clenbuterol. Tôi bàng hoàng khi nghe tin này vì đây là một hiểm họa lớn đang đe dọa sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người.
Clenbuterol là gì?
Clenbuterol là 1 chất thuộc nhóm Beta-2-agonist. Đầu tiên, Clenbuterol (Được gọi tắt là Clen) được dùng làm thuốc trị bệnh hen suyễn. Liều dùng không được vượt quá 200 mcgs (1 mcg = 1/1000 mg) và trong khi điều trị phải giữ cho huyết áp luôn dưới 140/90.
Tác dụng phụ của Clen thường là: run tay, mất ngủ, đổ mồ hôi, huyết áp cao, buồn nôn. Clen có thể làm mở rộng tâm thất, gây phì đại tim và ở 1 mức độ nào đó, có thể gây hoại tử. Clen còn làm tăng thân nhiệt.
Clenbuterol có tác dụng chính là làm giảm nhanh lượng mỡ trong cơ thể động vật( bằng cách giải phóng acid béo tự do từ mô mỡ ) và tăng khối lượng cơ. Phụ nữ cũng nên cẩn thận với các thuốc giảm béo có chứa Clenbuterol.
Quá trình sử dụng Clenbuterol trong giới thể thao
Đầu thập niên 70, người ta đã biết sử dụng Clenbuterol trong thi đấu thể thao, nhằm hạ hạng cân của một võ sĩ. Trong giải Mekong Judo Game trước Giải Phóng ( hiện nay là giải Judo trong kỳ Sea Games ), một số vận động viên đã sử dụng Clenbuterol.
Với một liều lượng chỉ hơn 1mcg/lb thể trọng ( một võ sĩ 60 kg chỉ dùng liều 30 mcgs ), dùng 2 liều trong ngày và 3 ngày trong một tuần, võ sĩ này có thể giảm được 19,5% khối lượng mỡ của cơ thể.
Nhưng do những hậu quả tai hại của clen, một số nước đã cấm sản xuất Clenbuterol, một số nước cấm sử dụng làm thuốc cho người (như Mỹ).
Những vụ ngộ độc do ăn phải thịt heo bị nhiễm Clenbuterol
Thập niên 80, Mỹ đã cấm sử dụng Clenbuterol vào thức ăn gia súc. Vào năm 1990, Trung Quốc cũng cấm sử dụng Clenbuterol trong chăn nuôi gia súc. Ở Tây Ban Nha, vào năm 1994, 140 người đã nhập viện sau khi ăn phải thịt heo bị nhiễm Clenbuterol. Họ bị chóng mặt, tim đập nhanh, khó thở, run tay và nhức đầu.
Tháng 9/2006, 330 người ở Thượng Hãi bị ngộ độc do ăn thịt heo siêu nạc. Tháng2/2009, trên 70 người ở Quảng Đông bị ngộ độc khi ăn lòng heo có dư lượng Clenbuterol.
Tháng 3/2011, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc mở đầu một chiến dịch kéo dài 1 năm để truy quét thức ăn chăn nuôi có chứa Clenbuterol, sau khi một công ty con của tập đoàn Shuanghui (sản xuất thịt lớn nhất TQ) bị phát hiện Clenbuterol trong thịt heo của công ty. Tổng cộng có 72 người bị bắt và bị cảnh sát giam giữ vì bị cáo buộc sản xuất, bán hoặc sử dụng thịt heo có Clenbuterol.
Ngoài Clenbuterol, còn phụ gia độc hại nào trong thức ăn chăn nuôi nữa không?
Vì Clenbuterol có tác dụng làm giảm mỡ, nên chỉ có khả năng tạo nạc. Ngoài ra, còn có thể làm giảm thể trọng heo. Vậy chắc chắn phải có một chất làm tăng trọng heo chứ!
Theo lời báo chí, heo sau khi ăn thức ăn có pha “thần dược”, thì khoảng 15 ngày sau, heo sẽ bị gãy chân, làm tôi liên tưởng đến 1 steroid có tác dụng giữ nước trong cơ thể động vật, làm tăng nhanh thể trọng, nhưng dùng lâu dài sẽ bị mục xương. Đó là prednisolone, thuộc nhóm hidrocortisone.
Mức độ nguy hiểm của việc mua bán, sử dụng Clenbuterol trong chăn nuôi
Một kg “thần dược” có thể pha vào 1 tấn thức ăn gia súc. Vì một con heo tăng trọng 2 kg mỗi ngày, nên có thể ăn 6 kg thức ăn (tỷ lệ tăng trọng = 1:3), nghĩa là ăn phải 6g Clenbuterol.
Vì liều điều trị cho một người (khoảng 50- 60 kg) không thể vượt quá 200 mcgs = 0,2 mg, nên lượng Clenbuterol cho phép trong con heo là: 2*0,2 = 0,4 mg. Vậy lượng clen mà heo ăn vào một ngày cao hơn lượng clen cho phép là: 6000g/0,4 = 15.000 lần
Nếu heo được vỗ nạc trong 13 ngày (trước 15 ngày phải bán), thì dư lượng Clenbuterol cao so với lượng cho phép là:15.000 *13 = 195.000 lần. Quá khủng khiếp!
Kiến nghị: Bộ Nông nghiệp phải có biện pháp quyết liệt để dập tắt hiểm họa Clenbuterol này. Các nhà làm luật nên khẩn trương đưa ra hình phạt thật nặng đối với tội ác này. Một số quốc gia trong Liên minh châu Âu xử đến 14 năm tù giam cho tội danh này.
ThS Lê Tấn Lam Anh
Source: Báo VNExpress