Tiếng kêu cứu từ nỗi cô đơn LTS: Đa số các bạn chọn “lối sống emo” (xem TTCT số ra ngày 20-2) thường là những người phải trải qua những cú sốc lớn đầu đời nhưng không tìm được hướng giải quyết ổn thỏa nhất. TTCT giới thiệu câu chuyện của H.Thương (16 tuổi) – một bạn trẻ đang đi qua thời kỳ “sống emo”…

TTCT – Bố mẹ tôi ly dị khi tôi còn nhỏ, mẹ bù đầu với chuyện kinh doanh nên dường như tôi phải tự lo tất cả. Nhiều lúc ở trường có chuyện không vui muốn chia sẻ với mẹ nhưng mẹ thường về nhà rất khuya và mệt mỏi. Thấy thế tôi lại thôi.

Tiếng kêu cứu từ nỗi cô đơn

LTS: Đa số các bạn chọn “lối sống emo” (xem TTCT số ra ngày 20-2) thường là những người phải trải qua những cú sốc lớn đầu đời nhưng không tìm được hướng giải quyết ổn thỏa nhất. TTCT giới thiệu câu chuyện của H.Thương (16 tuổi) – một bạn trẻ đang đi qua thời kỳ “sống emo”…

Chúng tôi không biết cách tự cứu mình

Dần dần tôi trở nên ít nói, không thích chia sẻ với bạn bè ở trường và bạn bè cũng không thích tôi vì tôi quá trầm lắng, tách biệt. Lúc này, tôi tham gia một nhóm thích ca hát trên một diễn đàn mạng và bước vào thế giới ảo này. Tôi bắt đầu có bạn trai, anh ấy là một cái tên khá “hot” trên nhiều diễn đàn, theo đó tên tôi cũng nổi lên. Anh ấy luôn quan tâm, chia sẻ với tôi từng chút một nên tôi đặt vào anh tất cả sự tin tưởng.

Chưa đầy một tháng sau anh quyết định chia tay khiến tôi rơi vào trạng thái hụt hẫng, không còn tin tưởng bất kỳ ai. Tôi bắt đầu dễ xúc động, dễ khóc khi thấy ai đó khóc. Chưa qua được cú sốc này thì tôi – con bé 16 tuổi – phát hiện mình đang mang thai. Mọi thứ xung quanh như sụp đổ, tôi chỉ biết gọi điện thoại cho anh để báo. Chúng tôi cùng đến bệnh viện để giải quyết bào thai đó. Lúc vào phòng chờ một mình tôi rất sợ.

Tôi nghĩ đến mẹ, ước gì mẹ có thể ở đây và chia sẻ với tôi. Tôi cảm thấy đau khi phải bỏ đi đứa con chưa thành hình của mình. Tôi thấy thương mẹ nhiều lắm, cảm thấy có lỗi với mẹ.

Ảnh: emo-life.com

Sau khi giải quyết bào thai trong im lặng, tôi và anh ấy cắt đứt mọi liên lạc. Hơn hai tháng liền, đi học về là tôi lại nhốt mình trong phòng, gặm nhấm nỗi đau không một ai chia sẻ. Qua một cô bạn, tôi có được số điện thoại một trung tâm tư vấn. Tôi gọi điện và nhận được những lời khuyên đại loại như đừng tiếp tục như thế nữa, hãy mở lòng ra, hãy tìm bạn mới… nhưng tôi không cách nào thực hiện thành công những lời khuyên đó. Tuy nhiên tôi lại không muốn mẹ biết được tình trạng của mình. Tôi chán nản vô cùng.

Tôi bắt đầu rạch tay, chân cho… bớt buồn. Ban đầu tôi cũng sợ nhưng càng rạch càng thấy đỡ buồn hơn. Những vết cắt trên người tôi ngày càng nhiều, vết này chưa lành vết khác đã xuất hiện. Nhiều lần mẹ hỏi, tôi chỉ nói là bị té xe để mẹ khỏi bận tâm.

Tôi còn vào mạng, lướt qua nhiều diễn đàn của các bạn đồng trang lứa để tìm cách tự giải thoát. Và tôi biết về “lối sống emo”. Theo những gì tôi đọc được, “lối sống emo” bắt nguồn từ một dòng nhạc rock, đặc biệt ở Nhật phần lớn những người yêu loại nhạc rock này đều chọn “lối sống emo”. Họ ăn mặc và trang điểm theo phong cách rock, tóc lúc nào cũng để mái che mất một mắt. Họ chỉ muốn nhìn đời bằng một mắt, mắt còn lại để khóc, để sống với cảm xúc nên phải che lại.

Những người trong hội này rất trung thực với cảm xúc của mình và tôn thờ thần tượng vì đa số họ đang mất niềm tin vào cuộc sống xung quanh. Tôi cũng tìm ra thần tượng như một cách tìm điểm tựa cho cuộc sống: đó là nhạc rock. Lúc ấy, tôi có thể dễ dàng cười khi thấy mọi người cười nhưng sau đó có thể bật khóc, hét toáng lên khi gặp một ánh mắt buồn.

Sau thời gian tập làm quen với “lối sống emo”, tôi đam mê cuồng nhiệt với rock, thờ ơ với xung quanh. Ngày ngày tôi chỉ biết nhốt mình trong phòng, trầm cảm, dễ cáu gắt với những ai có lời nói không đúng về rock. Trong thời gian này mẹ luôn than phiền việc tôi đi chơi về trễ, không lo học, suốt ngày chỉ có nhạc và game. Mẹ càng cấm đoán tôi càng chống lại quyết liệt hơn, nhốt mình trong phòng và cắt tay. Tôi mất niềm tin hoàn toàn vào cuộc sống và nghiện việc làm đau mình. Những người bạn khác của tôi lại nghiện xăm, xăm những nơi được cho là đau nhất và xăm liên tục. Chúng tôi cô đơn nhưng không biết cách tự cứu mình mà để nó nhấn chìm mình từng ngày…

HUYỀN TRANG – KIỀU KHANH ghi

Trong cô đơn, tôi nhìn mình rõ hơn

(Phản hồi bài viết “Lối sống emo”)

Tôi là một học sinh 16 tuổi, đang học tại một trường THPT ở TP.HCM. Tôi không xa lạ với nỗi cô đơn của bạn dù có thể nguyên nhân nỗi buồn của bạn khác tôi.

Tuổi teen rất dễ cô đơn vì đây là lứa tuổi nhạy cảm và có nhiều thời gian để nghĩ đến bản thân. Cô đơn ở tuổi chúng ta có thể vì nhiều lý do: không có bạn, không có người yêu, ba mẹ không quan tâm… hoặc chẳng có lý do gì cả, nó tự đến như một điều cần thiết của cuộc sống, thế thôi! Tuy những thành viên trong gia đình tôi luôn quan tâm đến nhau nhưng tôi không phải là một ngoại lệ để sự cô đơn không “quấy rối”.

Khi cô đơn tôi thường nghe nhạc – những bài nhạc vui để xốc dậy tinh thần, hoặc đọc truyện – những quyển truyện tranh vui nhộn cười chảy nước mắt. Khi cô đơn tôi rủ mấy đứa bạn thân đi ăn ốc, ăn kem, uống trà sữa. Bạn bè, thức ăn, những câu chuyện lan man bất tận làm nỗi cô đơn bị quên lãng. Khi cô đơn tôi gọi điện cho những người bạn cũ hỏi thăm sức khỏe hoặc lấy thư, thiệp sinh nhật, thiệp Noel ra đọc lại để thấy mình được quan tâm, yêu mến.

Cô đơn cho tôi khoảng lặng để nhìn lại mình, để hiểu rõ mình hơn. Tôi có thể trải nghiệm cảm giác xem phim một mình, ăn kem một mình, một mình lặng lẽ quan sát, cảm nhận cuộc sống.

Khi cô đơn tôi dọn dẹp căn phòng bừa bộn của mình, xếp lại tủ quần áo xốc xếch hoặc lau nhà, cố tránh những khoảng thời gian rảnh rỗi rồi suy nghĩ lung tung lang tang về sự cô đơn của mình.

Khóc cũng là một cách giải tỏa sự cô đơn. Khi khóc, nỗi cô đơn vơi đi rất nhiều.

Đôi khi tôi lại thích cô đơn. Cô đơn như một sự cần thiết phải có của cuộc sống, một mặt khác của niềm vui, một mặt không thể thiếu. Trong cô đơn như thế tôi đã hiểu ra rất nhiều điều. Tôi nhìn rõ mình hơn. Tôi thấy quý gia đình, bạn bè, quý cuộc sống hiện tại.

Bạn tự cắt tay để giải tỏa buồn phiền, cô độc. Tôi nghĩ đó chỉ là một cách thể hiện, hay có thể một cách giải tỏa, nhưng chắc chắn nó không thể giải quyết được sự cô đơn. Tôi không cổ vũ hay tán đồng, bởi lứa tuổi chúng ta có rất nhiều cách để thể hiện mình. Cắt tay, xăm mình, thậm chí tự hủy hoại bản thân là sự đau đớn vô nghĩa, là căn nguyên của nỗi cô đơn triền miên, không lối thoát. Sống trên đời 16 năm, chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện cắt vào tay của mình, đơn giản vì mọi chuyện rồi sẽ trôi qua. Quý trọng bản thân mới có thể hạnh phúc, mình phải yêu thương mình trước thì mới có đủ năng lượng để yêu thương một ai khác.

Nếu thấy cô đơn quá sức chịu đựng, tôi khuyên bạn hãy tìm đến bạn bè, những cuộc vui lành mạnh. Hoặc bạn hãy mở lòng, đem cho ai đó một niềm vui bất ngờ nho nhỏ.

Một nụ cười của bạn bè, cha mẹ, thầy cô hay của bất kỳ ai cũng sẽ như một tờ giấy thấm lau đi một giọt cô đơn trong bạn. Nếu cần thiết, bạn có thể nhờ chuyên viên, bác sĩ tâm lý giúp đỡ. Mọi vấn đề sẽ được giải quyết thôi.

Hãy tin có điều tốt đẹp, điều tốt đẹp sẽ đến.

TRANG THI (Trường THPT Gia Định)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.