Hành trình cà phê Việt – Kỳ 6: Giọt cà phê bây giờ

TT – “Cà phê nhé?” không chỉ còn đơn giản là lời rủ rê bạn bè đi đến một cái quán và uống hết một ly cà phê nữa. Cà phê bây giờ ở Sài Gòn có cả một đời sống và một câu chuyện rất nhiều sắc màu thú vị. Uống cà phê ở Sài Gòn có vẻ còn là cả một thái độ sống.

Hành trình cà phê Việt – Kỳ 6: Giọt cà phê bây giờ

Cà phê Sài Gòn bắt đầu cho ngày mới – Ảnh: N.C.T.

Vỉa hè cà phê sớm

3g30 sáng, ở một góc quán cà phê hẹp trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, những người khách bắt đầu lục tục kéo đến mấy chiếc bàn ghế nhựa. Trời tối lạnh. Những ly cà phê nhỏ được cô bé nhân viên bưng ra, đặt trong chén nước nóng. Ly thủy tinh bốc khói nghi ngút, hương cà phê dậy lên thoang thoảng.

Khách đi tập thể dục thoải mái duỗi chân tay đợi cà phê nhỏ giọt. Khách đi chở hàng chợ khuya hơi cong người trong những bộ áo gió rộng thùng thình. Đường Lý Thái Tổ vắng tanh. Chỉ có quán cà phê nhúm dần, nhúm dần đông lên, sôi nổi giữa đêm khuya.

4g30 sáng, người giao báo đến. Quán cà phê Bách Liên đặt cả Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng, Lao Động, Công An cho khách đọc. Báo vừa vào tay nhân viên quán đã được chuyển liền đến khách ngồi uống.

Ánh đèn tuýp trắng mờ mờ hắt ra vỉa hè, ông lão bán vé số ngồi lại uống ly cà phê cũng bắt đầu bàn bạc chuyện khách du lịch năm nay về VN ra sao với ông già gần đó. Chỉ một lát sau, từng phần của tờ báo được chuyền tay nhau khắp quán. Càng về sáng quán càng đông.

7 giờ sáng, quán cà phê Bách Liên đông nghẹt khách, không còn chỗ ngồi trống nào. Quán chỉ có vài cái ghế cóc, chiếc bàn nhỏ, ly cà phê nhỏ sóng sánh đặt trong chén nước nóng, không khác 24 năm về trước là mấy.

Cô Liên giải thích: “Ban đêm, khi khách uống sớm mình phải luộc ly để ly cũng nóng, cà phê cũng nóng, chứ ra ngoài trời lạnh nguội ngay. Sáng rồi chỉ cần thêm chén nước nóng đặt ly vào để giữ nóng. Khách thích vậy nên quán không đổi kiểu”.

Trời cũng vừa sáng, khi cà phê ở các ngõ hẻm bắt đầu tấp nập cũng là lúc nhà thờ Đức Bà và công viên 30-4 khởi động một ngày của cà phê. Những chiếc xe du lịch 7 chỗ, 16 chỗ được dỡ đi vài hàng ghế. Bên trong xe là một guồng máy pha chế cà phê và nước uống vỏn vẹn chiều rộng xe. Người bán cà phê ở nhà thờ Đức Bà phải “cơ động”.

Khách uống cà phê cũng sà xuống vỉa hè, ngồi ngay trên những gờ ximăng nhỏ xíu phân cách luống cây kiểng với đường đi.

Những ngày cuối tuần, hàng trăm bạn trẻ tụ tập về công viên – nhà thờ Đức Bà uống cà phê, chơi trò chơi đội nhóm, chụp ảnh, vẽ tranh, hát hò với mấy cây guitar mang theo. Cà phê liên tục. Cà phê từ sáng sớm tinh mơ đến tận khuya muộn nhà thờ vắng tanh. Cà phê được trải lòng ra với tranh vẽ, người mẫu, ảnh, ca nhạc, sinh hoạt đội…

Cả công viên nhà thờ Đức Bà là một quần thể cà phê với nhiều gương mặt rất trẻ và sôi động.

Như rất nhiều người Sài Gòn khác, cà phê là thức uống “mồi” những cuộc trò chuyện đến đỉnh cao và say mê hơn. Ở những quán cà phê bé xíu, ghế cóc, ấm trà nhôm, ly thủy tinh nhỏ như nơi này, cà phê từ hàng chục năm trước chưa bao giờ thay đổi.

Cà phê Bách Liên chỉ là một câu chuyện trong hàng trăm câu chuyện gắn bó với cả tuổi thơ và đường trưởng thành của biết bao thế hệ ở Sài Gòn này.

Ly cà phê tương lai

Đi vào những đối thoại, những trăn trở thông tin từ cả trăm năm qua với Sài Gòn, đến thời sung túc cà phê Sài Gòn “lên ngôi” và bắt đầu tỏa hương ngay cả giữa những cuộc trình diễn nghệ thuật. Không dừng lại ở câu chuyện giữa nghệ sĩ với nhau, những người rất trẻ ở Sài Gòn đã đưa những sinh hoạt nghệ thuật của mình vào cà phê.

Tại quán cà phê Lít trên đường Thích Quảng Đức, không gian rất hẹp trên lầu của quán vào mỗi tối thứ ba, thứ năm trở thành sân khấu kịch.

Trong một đêm diễn vở Những chiếc que diêm, khán giả đã lặng đi khi cô bé diễn viên chính mặc bộ váy của đứa con gái đã mất của ông nhà giàu và nhảy múa, ôm ông vào lòng và ước mơ những điều tốt đẹp cho thằng bạn lang thang của mình…

Sân khấu kịch chỉ là không gian hẹp được xếp khéo léo khi ghế khán giả được quay về một hướng. Ánh sáng sân khấu cũng từ những thiết bị đơn giản của quán.

Không phông màn, không cánh gà, chiếc cầu thang gác trên của quán được tận dụng để diễn viên ra vào. Với chừng ấy xoay xở, những vở diễn nối tiếp nhau như Sông dài, Con ma tóc nối, Tuổi Dần… cứ lần lượt đến với khách cà phê của quán.

Trương Võ Tùng, chủ quán, mới 24 tuổi, đã thành công, đúng như anh tưởng tượng về một quán cà phê trong mơ khi bước chân vào Trường đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM.

“Tụi mình làm bài tập xong, có phim và không biết chiếu ở đâu. Mấy bạn mình học diễn viên, chưa ra trường đâu có ai cho đóng phim, đóng kịch gì, chỉ có cách tự tập tự xem. Quán cà phê của mình là chỗ để các bạn có khán giả và diễn hết những khả năng đó”. Không đặt nặng tính chuyên nghiệp cho không gian nghệ thuật của quán, những vị khách cà phê cũng thoải mái khi sau mỗi buổi chiếu phim, diễn kịch, hát hò, những lời góp ý, chia sẻ cũng được khán giả và diễn viên thoải mái thảo luận.

Chị Nguyễn Kim Hoàng, chủ quán cà phê Himiko trên đường Điện Biên Phủ, đã biến quán của mình thành nơi cho các họa sĩ bạn bè đến thảo luận, trò chuyện và cả trưng bày tác phẩm. Người thưởng thức đã biết đến những triển lãm tranh, những buổi ca hát, trò chuyện… của những họa sĩ thân quen với nơi này.

Suốt năm năm bền bỉ duy trì Himiko visual cafe, chị Kim Hoàng đã cùng bạn bè tạo nên một nơi có cà phê, có tranh, có khán giả, có họa sĩ và quyện tất cả lại vào nhau. Himiko và những ly cà phê đã cùng nhau kiến tạo nên một không gian giúp hội họa tiếp cận với khán giả của mình, giúp khán giả tìm thấy cái đẹp mình yêu mến.

Theo một cách nào đó, những cảm nhận của một khách ở Himiko ghi vào sổ lưu niệm là minh chứng rất đáng yêu cho những sẻ chia nghệ thuật đó: “Một buổi chiều cà phê bất ngờ gieo một âm hưởng ma mị trong lòng. Himiko vẫn ma quái với chất nhạc không trộn lẫn vào đâu được bởi sự hòa quyện âm thanh ấm cúng. Hôm nay, trong cái không gian u uất nhập nhòa giữa bóng chiều chạng vạng, đèn chưa kịp mở, bầu trời u ám mưa rơi và âm thanh nghèn nghẹn này, Himiko với những cảm xúc một thời…” (ghi chép của H.N. – từ sổ cảm nhận của quán).

Với hàng trăm hình hài, nhu cầu khác nhau, ngoài nghệ thuật, ngoài vỉa hè, cà phê ở Sài Gòn giờ còn là cà phê nhạc, cà phê truyện tranh, cà phê doanh nhân, cà phê sách…

Kiểu nào thì người ở Sài Gòn vẫn mê cà phê như điếu đổ. Kiểu nào thì một ông thầy giáo sành cà phê có tức giận vì “cà phê bây giờ sao dở quá, người uống mua bàn mua ghế chứ có phải mua cà phê nữa đâu!” thì ngày ngày cũng phải đi ra quán, ngồi lắng nghe nhịp phố phường trôi đi và để những câu chuyện bằng hữu thêm men cà phê mà trỗi dậy.

LAN PHƯƠNG

________________________

Hà Nội nay tuy không nhiều quán cà phê bằng Sài Gòn, nhưng ít người biết từ thế kỷ 19 đã có rất nhiều quán cà phê độc đáo ở thành cổ này. Rồi chiến tranh và hòa bình cũng đem lại cho Hà thành một văn hóa cà phê riêng biệt…

Kỳ cuối: Hà Nội, giọt cà phê hoài niệm

———————————————————–

* Tin bài liên quan:

>> Kỳ 1: Đánh thức Tây nguyên
>> Kỳ 2: Cuộc khai phá của điền chủ Việt
>> Kỳ 3: Bước ngoặt
>> Kỳ 4: Khúc chuyển mình
>> Kỳ 5: Sài Gòn, cà phê xưa…

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.