Đã đến lúc nhìn lại vai trò của nhà văn hóa

TTCT – Hàng loạt nhà văn hóa (NVH) xã, trung tâm văn hóa huyện, thậm chí trung tâm văn hóa tỉnh thường xuyên trong tình trạng vườn không nhà trống, thỉnh thoảng chỉ sáng đèn vào mỗi “xuân thu nhị kỳ” là các ngày lễ, tết, hội chợ triển lãm.

Đã đến lúc nhìn lại vai trò của nhà văn hóa

>> Chắp vá và tẻ nhạt

Khu trò chơi tại Trung tâm văn hóa huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) hư hỏng, không còn sử dụng – Ảnh: Đức Vịnh

Chiếm những vị trí đắc địa, với quỹ đất đáng kể, được đầu tư không ít, tình trạng hoang hóa các NVH (gọi chung) rõ ràng là sự lãng phí về nhiều mặt. Nếu nói chất lượng kiến trúc một ngôi nhà ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống, sinh hoạt của những người bên trong thì chất lượng kiến trúc một NVH đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đối tượng đến sinh hoạt cũng như hiệu quả tổ chức hoạt động ở đây.

Thế nhưng phương châm “tiết kiệm chi phí” trong đầu tư thường thích hợp để tổ chức lối kiến trúc hợp khối, khép kín hơn là kiến trúc mở. Nhiều công trình NVH được thiết kế một cách khô cứng tựa như trụ sở hành chính, thậm chí rất… trang nghiêm tạo cho người dân tâm lý khó tiếp cận, khiến người sử dụng khó có cảm giác thoải mái, cởi mở và thân thiện… Tuy là một công trình mang tính đa năng song không ít chức năng của NVH gần như không được phát huy.

Bên cạnh việc thừa hình thức nhưng thiếu thực chất, thời gian hoạt động tại các NVH hiện nay thường theo cơ chế giờ hành chính, thay vì đó phải là nơi đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng thức văn hóa nghệ thuật… hết sức đa dạng với thời gian có phần khá “tự do” của người dân.

Tại khu vực ĐBSCL, thời gian gần đây xuất hiện những sân chơi thể thao do tư nhân đầu tư (các sân bóng nhân tạo) hằng đêm liên tục sáng đèn thu hút đáng kể nhiều đối tượng tại địa phương, đặc biệt là học sinh sinh viên vốn chỉ có quỹ thời gian nhàn rỗi vào ban đêm. Đến những sân chơi tư nhân như vậy, tuy phải trả chi phí nhất định song đổi lại người dân được sinh hoạt trong một sân chơi thoải mái, cởi mở, thay vì có phần gò bó, nặng tính “xin – cho” của một NVH – công trình phần lớn do Nhà nước đầu tư và quản lý.

Mục tiêu của văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần, là động lực, nhân tố góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với vai trò là nơi để người dân tham gia các hoạt động đời sống văn hóa tinh thần, tuyên truyền giáo dục cũng như đáp ứng nhu cầu thụ hưởng và sáng tạo văn hóa của quần chúng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc…, NVH được xem là một trong những thiết chế được xây dựng nhằm đảm bảo mục tiêu ấy.

Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều mô hình NVH (gọi chung) hoạt động kém hiệu quả khiến hàng loạt NVH thường xuyên phải “đắp chiếu”, gây lãng phí nhiều mặt cho xã hội như đề cập trong chuyên đề và như phân tích trên, thiết nghĩ nên nhìn lại vai trò của NVH trong bối cảnh hiện nay.

LÊ CÔNG SĨ

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.