Sẽ dừng game online khi trời về khuya

TT – Sở Thông tin – truyền thông Hà Nội kiến nghị hằng ngày phải tắt máy chủ trò chơi điện tử từ 23g và mở lại sau 6g. Còn Bộ Thông tin – truyền thông dự thảo quy chế các doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ từ 8g-22g.

Sẽ dừng game online khi trời về khuya


Các game thủ thường dành nhiều thời gian để chơi trò chơi mang tính bạo lực (ảnh chụp tại một điểm chơi game trong khu ĐH Bách khoa Hà Nội) – Ảnh: Cù Zap

Ngày 25-7, xung quanh kiến nghị đối với Bộ Thông tin – truyền thông về việc xây dựng các biện pháp quản lý giờ chơi trò chơi trực tuyến (TCTT) bằng biện pháp kỹ thuật như quy định đến 23g hằng ngày phải tắt máy chủ của trò chơi và chỉ được mở lại sau 6g sáng, ông Phạm Quốc Bản, giám đốc Sở Thông tin – truyền thông Hà Nội, giải thích kiến nghị này dựa trên thực tế thiếu những chế tài và biện pháp kỹ thuật nghiêm minh dẫn tới việc quản lý đại lý Internet kinh doanh TCTT còn nhiều hạn chế.

Tắt vì không quản được

“Chơi trò chơi bạo lực nhiều sẽ băng hoại nhân cách, nhất là đối với lứa tuổi từ 9 đến dưới 18, lứa tuổi đang hình thành nhân cách”

Ông PHẠM QUỐC BẢN
(giám đốc
Sở Thông tin – truyền thông Hà Nội)

Ông Bản cho biết theo thông tư liên tịch về quản lý TCTT, các đại lý Internet chỉ được cung cấp dịch vụ TCTT từ 6g-23g hằng ngày. Tuy nhiên, qua kiểm tra trên địa bàn thành phố sau 23g cho thấy nhiều đại lý đóng cửa bên ngoài nhưng vẫn cho người chơi chơi bên trong. Ông Bản nói: “Chúng tôi không thể khám nhà được vì luật không cho phép, vì vậy nếu tắt máy chủ TCTT thì việc quản lý sẽ hiệu quả hơn”.

Theo thống kê của Sở Thông tin – truyền thông Hà Nội, cứ 10 người vào đại lý Internet thì có bảy người chơi TCTT, hầu hết là học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên. Ông Bản cho rằng phần lớn TCTT hiện nay là trò chơi bạo lực. “Chơi trò chơi bạo lực nhiều sẽ băng hoại nhân cách, nhất là đối với lứa tuổi từ 9 đến dưới 18, lứa tuổi đang hình thành nhân cách” – ông Bản nói.

Do đó, ngoài kiến nghị áp dụng biện pháp kỹ thuật, ông Bản nhấn mạnh đến việc thắt chặt cấp phép lưu hành TCTT. Theo quy định, Sở Thông tin – truyền thông và phòng văn hóa thông tin tại các địa phương chỉ có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, còn Bộ Thông tin – truyền thông là đơn vị duyệt và cho phép doanh nghiệp phát hành trò chơi. Ngoài ra, ông Bản cũng đề nghị Nhà nước nên đầu tư xây dựng các TCTT giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, thay vì để TCTT có nội dung bạo lực tràn lan như hiện nay.

Dự kiến ngày 28-7, Sở Thông tin – truyền thông Hà Nội sẽ họp với đại diện các quận, huyện để bàn biện pháp thắt chặt quản lý hoạt động của các đại lý Internet kinh doanh TCTT.

Rất nhiều em thiếu nhi dành phần lớn thời gian để chơi game khi được nghỉ hè (ảnh chụp tại Dốc Thọ Lão, Hai Bà Trưng, Hà Nội) – Ảnh: Cù Zap

Chỉ được mở đến 22g

Thực tế những kiến nghị của Sở Thông tin – truyền thông Hà Nội về việc tắt máy chủ của TCTT đã được Bộ Thông tin – truyền thông đưa vào trong dự thảo quy chế quản lý TCTT vừa kết thúc thời gian lấy ý kiến nhân dân và được Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định văn bản này sẽ được bộ tập trung xây dựng hoàn thành trong những tháng cuối năm.

Theo dự thảo quy chế, đối với TCTT đơn giản (TCTT có nội dung kịch bản đơn giản, có sự giới hạn số lượng người chơi tham gia đồng thời một trò chơi; sự tương tác giữa các người chơi chỉ ở mức độ đơn giản theo các quy tắc đơn giản) mà không hạn chế đối tượng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TCTT được cung cấp dịch vụ liên tục 24 giờ hằng ngày. Đối với các TCTT còn lại, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TCTT chỉ được cung cấp dịch vụ từ 8g-22g, tức là thời gian tắt máy chủ của trò chơi sớm hơn và mở muộn hơn so với đề xuất của Sở Thông tin – truyền thông Hà Nội.

Do thời gian doanh nghiệp cung cấp TCTT chỉ từ 8g-22g nên đại lý Internet cũng chỉ được phục vụ người chơi TCTT trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, đại lý Internet không được cho học sinh mặc đồng phục sử dụng dịch vụ TCTT từ 8g-17g hằng ngày. Thời gian chơi tổng cộng của mỗi người chơi trong một ngày đối với mỗi trò chơi được quy định sẽ không được vượt quá 180 phút và không quá 300 phút tùy từng loại trò chơi.

Ngoài ra, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TCTT phải thực hiện một số biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm quản lý thông tin và quản lý hoạt động của TCTT như quản lý thông tin trên trang thông tin điện tử của trò chơi theo quy định của pháp luật về trang thông tin điện tử; quản lý thông tin hộp thoại giữa các người chơi theo quy định của pháp luật về nội dung kịch bản TCTT; quản lý thông tin trên diễn đàn của trò chơi theo quy định của pháp luật về mạng xã hội trực tuyến; quản lý thông tin đăng nhập của cá nhân người chơi, quản lý giờ chơi phù hợp với loại hình trò chơi và độ tuổi theo quy định.

Đặc biệt, trang chủ của TCTT phải cung cấp các quy định quản lý thông tin, quản lý hoạt động của trò chơi và khuyến cáo một cách rõ ràng về những tác động ngoài mong muốn có thể xảy ra đối với thể chất và tinh thần của người chơi khi chơi quá nhiều.

KHIẾT HƯNG

Nghiện game dễ dẫn đến nghiện chất kích thích

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, đã nhiều lần đề xuất các nhà mạng ngắt đường truyền với các thuê bao chơi game online sau 23g. Theo ông Tuấn, với những người nghiện game online có thời gian chơi game quá dài, quá khuya, khả năng tập trung cho các hoạt động ban ngày sẽ sa sút, giảm khả năng tập trung cho học tập, làm việc, chưa kể dễ dẫn đến tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động. “Học sinh bên cạnh học tại trường còn có cả học buổi tối tại nhà, giảm thời gian học tập sẽ dễ dẫn đến học tập sa sút, rồi trốn học đi chơi game, từ đó có thể dẫn đến những hậu quả như bị đuổi học”- bác sĩ Tuấn nhận xét.

Theo bác sĩ Tuấn, người nghiện game cũng dễ dẫn đến nghiện rượu, thuốc lá, thậm chí nghiện ma túy để thêm hưng phấn cho việc chơi game vốn tốn rất nhiều thời gian và gây tình trạng ì trệ, từ nghiện game đơn thuần dẫn đến đa nghiện, tai hại cho cả gia đình và xã hội.

“Tôi đọc báo thấy các cô gái chơi game, đi chat không có tiền, phải gọi cứu net, bị kẻ xấu lừa đảo, có khi bị giết chết thật xót xa. Chưa kể những game có nội dung xấu, người chơi sẽ bị tiêm nhiễm những hành vi đánh nhau, giết người, tình dục không lành mạnh” – bác sĩ Tuấn nhận định.

L.ANH

Một số doanh nghiệp phát hành trò chơi trực tuyến:

Không tự đánh giá mức độ bạo lực trong game online

Ngày 25-7, đại diện Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM cho biết sở vừa có công văn gửi các doanh nghiệp về việc một số doanh nghiệp không thực hiện đánh giá mức độ bạo lực trong trò chơi trực tuyến (game online).

Theo đó, sau khi sở yêu cầu các doanh nghiệp phát hành game online tự đánh giá mức độ bạo lực của từng hành vi trong các trò chơi do doanh nghiệp cung cấp, chỉ có 4/14 doanh nghiệp thực hiện việc báo cáo. Trong đó, hai “đại gia” trong làng game online là Công ty đầu tư và phát triển CNTT VTC-Intecom (VTC) và Công ty cổ phần tập đoàn Vina (Vinagame) đã không tự đánh giá trò chơi theo tiêu chí của sở.

VTC chỉ mô tả sơ lược về mục tiêu trò chơi, bản quyền trò chơi, quốc gia phát hành. Vinagame viện dẫn lý do không đánh giá là do chưa phân biệt được giữa đối kháng bạo lực và đặc thù của trò chơi Gunny (webgame). Theo Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM, những lý do này không có cơ sở bởi việc xác định các hành vi này trong trò chơi là rất đơn giản và dễ thực hiện.

Sở đã gia hạn đến 27-7 cho hai doanh nghiệp này báo cáo lại, trong trường hợp doanh nghiệp không báo cáo đầy đủ theo yêu cầu sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính về hành vi báo cáo không đầy đủ theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quy định tại nghị định 28 về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.

G.HƯƠNG – H.NHUNG

Trung Quốc siết chặt quảng cáo game online

Bộ Văn hóa Trung Quốc đã yêu cầu một số công ty trò chơi trực tuyến đang thực hiện chiến dịch quảng bá sản phẩm có yếu tố “thô tục” dừng ngay việc quảng cáo game.

Bộ này đã ban hành thành quy định quản lý hình thức quảng bá game online sẽ có hiệu lực vào ngày 1-8 tới. Theo đó, tất cả công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến sẽ phải tự kiểm soát các mẫu quảng cáo của mình. Còn người chơi muốn truy cập phải vượt qua một quá trình đăng nhập với một thẻ nhận dạng còn hiệu lực.

Lệnh này được ban hành sau khi hàng loạt công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến đua nhau mời những ngôi sao “tai tiếng” về làm đại sứ quảng bá cho sản phẩm của mình. Năm 2009, trò chơi trực tuyến Dahua Xuanyuan đã gây cơn sốt khi nữ người mẫu vẽ tranh cơ thể nổi tiếng Zhang Xiaoyu làm đại sứ cho game này. Người mẫu ôtô Zhai Ling, nổi tiếng nhờ video cảnh giường chiếu của cô được đưa trên mạng, trở thành người quảng bá trong trò chơi Tây du ký của một công ty vào tháng 4 vừa rồi. Hôm 17-6 mới đây, mọi con mắt đổ dồn vào trò chơi Warrior OL khi ngôi sao phim khiêu dâm người Nhật Sola Aoi trở thành gương mặt cho trò chơi này cùng hai nhân vật Sister Phoenix và Sister Lotus, vốn nổi tiếng qua những bê bối trên mạng khi thách thức vẻ đẹp truyền thống.

AFP dẫn dự đoán của Công ty nghiên cứu công nghệ thông tin Analysys International rằng doanh thu trò chơi trực tuyến sẽ đóng góp vào ngân sách Trung Quốc khoảng 4,4 tỉ USD trong năm nay.

CẢNH TOÀN

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.