Độc chiêu “trốn” phụ huynh của teen

Trọ học ở xa nhà, sinh viên phải rất vui mừng khi được bố mẹ lên thăm? Đa phần sinh viên sẽ cảm thấy như vậy! Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên luôn nơm nớp lo sợ khi phụ huynh ghé thăm đột xuất.

Mệt mỏi khi “ăn nhờ ở đậu”

 

Bỏ học liên tục để “cày” gamne thâu đêm suốt sáng, số môn học nợ nhà trường đã lên đến 2 con số…. đó là một số hoàn cảnh “bi đát” khiến nhiều sinh viên chọn cách “ăn nhờ ở đậu” nhà bạn bè mình để lẩn trốn khi bố mẹ từ quê lên thăm.

 

Nguyễn Nghiêm (sinh viên năm 3, Đại học Công nghệ Hà Nội) được cả xóm trọ mệnh danh là “tiểu thư” vì cậu có dáng người cao, khẳng khiu, làn da trắng xanh rợt và đặc biệt nhất là thói quen rất ít khi bước chân ra khỏi phòng trọ.
 

Bất kỳ hôm nào, phòng trọ của Nghiêm cũng tắt đèn muộn nhất. Thỉnh thoảng, hai anh em cũng có lời qua tiếng lại và đỉnh điểm nhất là trận đánh nhau khiến cả xóm phải cùng vào can ngăn.

 

Sáng sớm hôm sau, người trong xóm đã thấy Nghiêm xách một ba lô nhỏ bỏ đi. Khi Nghiêm mất hút được khoảng 2 tiếng thì mẹ Nghiêm lên đến nơi khóc mếu: “Nhận được điện thoại của anh trai nó là tôi vội vã bắt xe khách lên đây ngay, thế mà vẫn không kịp. Lần nào cũng vậy, cứ hễ tôi lên đến nơi để bảo ban là nó trốn biệt tăm”.

 

Nhiều sinh viên chọn cách “ăn nhờ ở đậu” nhà bạn bè mình để lẩn trốn khi bố mẹ từ quê lên thăm (Ảnh minh hoạ).

 

Mẹ về quê, Nghiêm trở về phòng trọ với vẻ mặt rầu rĩ. Lý giải cho hành động lạ lùng này, Nghiêm nói: “Mình cũng chỉ loanh quanh ở nhà vài đứa bạn thôi. Mỗi chỗ ở một lúc, mẹ mình làm sao mà tìm được. Thực ra mình cũng không sợ gì nhưng không thích cứ bị lôi ra cằn nhằn mãi, phát chán. Thôi thì “ở ẩn” một thời gian cho yên thân”.

 

Dùng hết số tiền mà bố mẹ “viện trợ” hàng tháng vào những pha sát phạt đỏ đen, lô đề và ăn nhậu, Trường (Đại học Xây dựng) quên hết cả việc học ở trường. Kết quả học tập không tốt bay đến tai bố mẹ Trường. Và Trường cũng phải vất vả 3, 4 ngày lận đận “ăn nhờ ở đậu” tại nhà bạn bè thân thiết để tránh sự truy lùng của bố mẹ.

 

Sau khi tìm kiếm ở phòng trọ, trường học đều không có kết quả, bố mẹ Trường đành ngậm ngùi về quê. Trường đã thoát êm vụ đó nhưng kể từ tháng sau, mọi nguồn viện trợ liền bị cắt. Để có tiền trụ lại Hà Nội, Trường phải vay tạm chút tiền của bạn bè rồi tìm công việc làm thêm để có tiền lo việc ăn ở, đi lại trước khi đủ tự tin về nhận lỗi với gia đình.

 

Cặp đôi “sống thử” cũng tìm chỗ trốn

 

Không chỉ do quá mê game, lô đề, cờ bạc… khiến sinh viên buộc phải trốn chạy chính bố mẹ mình, nhiều cặp đôi “sống thử” cũng rơi vào tình cảnh khó khăn ấy.

 

Gia đình Phan T (sinh viên năm 2, Đại học Đại Nam) thuộc dạng khá giả, luôn chu cấp đầy đủ cho con gái ăn học. Hiện T đang giấu bố mẹ để sống chung cùng người yêu và không ít lần, T từng sợ “rớt tim” khi bố mẹ, cô chú đột nhiên “đánh úp”.

 

Nhiều cặp sống thử cũng buộc phải trốn chạy chính bố mẹ mình (Ảnh minh hoạ).

 

Phòng trọ của T nằm trong một con hẻm nhỏ, đường ngõ rất vòng vèo, đi một vài lần cũng khó mà nhớ nổi. Mỗi lần có người thân ở quê lên thăm, T đều phải ra đầu đường lớn để đón. Đó cũng là khoảng thời gian để “chồng thử” của T thu dọn đồ đạc, quần áo cất tạm nhà hàng xóm.

 

Người trong xóm trọ, đâu phải ai cũng thân thiết và đã có lần người yêu của T phải “ khăn gói quả mướp”, ôm vội đống quần áo, tất tai tả tơi trèo lên chiếc thanh gỗ để ẩn trú trên trần bê tông ngoài sân giếng. Thỉnh thoảng T lại lao ra ngoài sân giếng giả bộ đi vệ sinh nhưng thực chất là “ngó” người yêu.

 

Cùng cảnh ngộ ấy là Dung và Tùng (quê Hải Dương). Tùng đã từng đưa người yêu về ra mắt gia đình. Bố mẹ Tùng cũng rất ưng ý Dung và không hề cấm cản họ yêu nhau. Song mẹ Tùng suýt ngã ngửa khi biết chuyện 2 người đang “sống thử”.

 

Mọi người có can ngăn rằng bác không cần phải làm loạn lên, Tùng là con trai nên cũng không có gì thiệt thòi nhưng bác nhất định không chịu.

 

Lần thứ nhất lên thăm, bắt gặp cảnh tượng không vừa mắt, bác chỉ nói rất nhẹ nhàng. Tưởng rằng hai đứa hiểu chuyện mà chấm dứt, bác bí mật lên thăm lần thứ hai. Dung ra mở cửa còn Tùng thì chui tọt xuống gầm giường.

 

Lần này, bác chuyển sang đe dọa: “Hai đứa có thể yêu nhau nhưng nhất định phải ở riêng, nếu không thì đừng mong tôi chấp nhận.” Để làm “căng” hơn, bác còn xách luôn cả nồi cơm điện của hai người từ Hà Nội về quê.

 

Có tới 1001 lý do khiến sinh viên khổ sở khi bị bố mẹ bí mật đánh úp. Hầu hết họ đều “trốn” thành công nhờ có sự trợ giúp của bạn bè thân cận.

 

Một, hai lần đi “trốn” kết quả có thể tốt đẹp nhưng điều quan trọng là các bạn đang đánh mất dần sự tin tưởng của cha mẹ cũng như làm tổn thương sâu sắc đến sự quan tâm, yêu thương mà cha mẹ dành cho mình.

 

Theo Vietnamnet

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.