Giật mình với bạo lực học đường

TT – Ông Võ Nhật Trí, hiệu trưởng Trường THPT Bảo Lâm (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng), xác nhận các nhân vật trong clip “nữ sinh Bảo Lâm đánh nhau” đang gây xôn xao trên mạng là học sinh của trường. Đáng nói hơn, trong số đó có một bạn vừa đoạt giải trong cuộc thi “Nữ sinh duyên dáng”.

Giật mình với bạo lực học đường

Trong clip này các nữ sinh của trường hùng hổ đánh đấm, giật tóc, thúc gối thẳng vào người nạn nhân cứ như… xã hội đen.

Clip “nữ sinh duyên dáng” đấm đá này đã nối dài chuỗi hàng trăm clip nữ sinh đánh nhau được tung lên mạng trong những năm gần đây. Chỉ cần gõ cụm từ “nữ sinh đánh nhau” trên công cụ tìm kiếm Google hay trang web chia sẻ clip YouTube, kết quả sẽ làm người lớn phải suy nghĩ nghiêm túc vì mức độ dữ dội của bạo lực học đường.

Để đối phó với bạo lực học đường, ngành giáo dục và nhiều ngành khác đã vào cuộc, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tham vấn tâm lý, đề nghị học sinh viết cam kết không đánh nhau trong trường. Nhưng những vụ nữ sinh đánh nhau, các clip bạo lực vẫn xuất hiện đều đều trên mạng như một thách thức.

Trong một buổi nói chuyện về văn hóa ứng xử trong học đường tổ chức tại một trường là “điểm nóng” về bạo lực học đường ở Q.8 (TP.HCM), khi chuyên viên tư vấn hỏi: “Nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn giữa các bạn là gì?”, nhiều học sinh đã thành thật: vì bạn “nói xấu em”, vì “em… ghen”, vì bạn “nhìn đểu em”… Chỉ vậy thôi mà các bạn trẻ sẵn sàng ra đòn: từ tát tai, đá vào bụng, thúc gối thẳng vào mặt cho đến bị kéo lê, lột áo, đánh vào chỗ hiểm…

Khảo sát tại một trường THPT có tiếng tại TP.HCM với gần 2.000 học sinh về bạo lực học đường đã cho kết quả giật mình. Ở câu hỏi “Khi biết các bạn có mâu thuẫn dẫn đến hăm dọa, đánh nhau, em sẽ làm gì?”, có 968 ý kiến nói không quan tâm vì đó không phải là chuyện của mình, bỏ đi chỗ khác để tránh liên lụy hoặc đứng ngoài xem. Đáng sợ hơn: có 104 ý kiến cho biết sẽ “cùng tham gia đánh giúp hoặc gọi thêm người khác tham gia” (!).

Giờ đây bạo lực học đường không chỉ do học sinh cá biệt gây ra, vì thực tế nhiều học sinh giỏi, thậm chí “hiền lành” vẫn tham gia đánh bạn. Điều ít ai chú ý là bạo lực vốn hiện hữu mỗi ngày trong cuộc sống của nhiều học sinh: bạo lực từ gia đình, bạo lực từ game online, bạo lực trên phim ảnh và ngay cả trên đường phố.

Ngay cả trong môi trường sư phạm như từ bé đi nhà trẻ nhiều em đã bị ăn tát, bị ép ăn ép ngủ và đó đây vẫn có nhiều hành động bạo lực từ thầy cô, phụ huynh. Bị tác động bởi những hành động xấu như thế từ người lớn nhan nhản mỗi ngày thì trách sao những tâm hồn non trẻ kia không bị vẩn đục.

PHI LONG

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.