LTS: Câu chuyện cuộc sống kỳ này giới thiệu hai câu chuyện của những bạn trẻ sống trong cơn ác mộng thi cử của đời mình.

TTCT – Tôi 18 tuổi, vừa thi đại học xong và qua các đáp án tôi biết trước mình sẽ không đậu nổi. Tôi đang hụt hẫng và lo âu không diễn tả nổi…

LTS: Câu chuyện cuộc sống kỳ này giới thiệu hai câu chuyện của những bạn trẻ sống trong cơn ác mộng thi cử của đời mình.

Tôi không qua nổi kỳ thi này

Không phải bạn trẻ nào cũng có thể lạc quan sau kỳ thi… Trong ảnh: Thí sinh ra về sau khi thi xong tại hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) – Ảnh: Như Hùng

Tôi không cừ khôi

Gia đình nội ngoại tôi tận miền Trung và có truyền thống khoa bảng lâu đời. Cha mẹ tôi lập nghiệp nơi đất Sài Gòn và khá thành đạt. Cha tôi là một thạc sĩ về ngành hóa thủy sản đang giảng dạy tại một trường đại học. Mẹ tôi có bằng thạc sĩ kinh tế và làm trưởng bộ phận kinh doanh cho một công ty nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Anh trai tôi vừa tốt nghiệp ngành kiến trúc và đang học cao học.

Cô chú, cậu dì của tôi ai ai cũng có vị trí xã hội vững vàng, vài người đang giảng dạy tại trường đại học, vài người hiện du học.

Hễ gặp chúng tôi trong những ngày giỗ chạp, thay vì hỏi các cháu khỏe không, các cháu thích phim ảnh hay ca nhạc gì thì cậu dì lại hỏi cháu học giỏi không, có học trường chuyên không… Câu chuyện quanh mâm cơm giữa người lớn với nhau bao giờ cũng là  ngành này đang cần người, ngành kia đang được trọng vọng, ngành nọ đang “hot”, trường này đào tạo tốt, trường kia có nhiều giáo viên giỏi, trường nọ có liên kết với nước ngoài…

Chẳng may cho tôi, từ khi còn học cấp II, tôi đã gặp khó khăn với những môn như toán, lý và chỉ có năng khiếu với môn văn. Bằng sự cố gắng của bản thân, bằng cả việc học thêm những thầy cô giỏi trong trường, tôi đã che giấu tốt “khuyết điểm” này, khiến cha mẹ tưởng tôi cũng cừ khôi như anh trai tôi vậy. Thế nhưng lên cấp III, tôi đuối sức dần với những môn khoa học tự nhiên và vượt trội hẳn về các môn khoa học xã hội.

Cha mẹ không hài lòng. Mẹ bảo thi khối C chẳng có gì vẻ vang cả. Ba thì bảo kinh tế đang là ngành có thể kiếm được việc tốt. Cả hai quyết định dứt khoát tôi phải giỏi toán, lý để học đại học ngành quản trị kinh doanh hay ngân hàng. Cha mẹ bắt đầu tìm gia sư cho tôi và nhồi nhét cật lực cho tôi những bộ đề toán lý, những cuốn sách tham khảo mà cả hai tìm kiếm, sưu tập được.

Ai chỉ, ai bảo thầy cô nào giỏi, cha mẹ tôi bắt đầu vận động các mối quan hệ để gửi tôi tới tận nhà học thêm. Rồi đưa đón, rồi hỏi han, rồi chăm sóc, bồi dưỡng, cha mẹ nhấn chìm tôi trong một bể yêu thương chất ngất đến mức làm tôi ngạt thở…

Từng ngày, từng tháng, từng năm, tôi như đi trên một chiếc cầu treo giữa hai sườn núi, một chiếc cầu treo dài bất tận. Để làm hài lòng cha mẹ, tôi đã cố gắng, cố gắng đến kiệt sức mà vẫn thấy mình không đủ sức tiến về phía trước.

Tôi lơ lửng, chông chênh và mệt mỏi. Có những sáng ngủ dậy tôi không muốn nhìn thấy bất cứ ai, có những buổi học tôi muốn trốn đi đâu đó một mình, có những tối tôi muốn mình biến mất khỏi thế gian. Lúc nào tôi cũng thấy u buồn và chán ngán mọi thứ. Tôi cảm thấy khổ sở và bất hạnh. Tôi luôn muốn mình sinh ra trong một gia đình đừng quá kỳ vọng vào tôi.

Có con đường nào khác?

Có một điều làm tôi thấy tội lỗi là cảm giác ganh tỵ và ghét anh trai mình. Anh chẳng cần cố gắng gì cả mà vẫn học rất giỏi toán, lý. Anh say mê giải toán y như tôi say mê đọc một cuốn sách hay. Tôi khao khát khả năng đó mà không sao có được.

Nhỏ bạn thân của tôi từng bảo: “Nếu mày theo ngành văn có lẽ mày sống vui vẻ hơn vì hợp với mày hơn”. Tiếc thay cha mẹ tôi chưa bao giờ nghĩ vậy. Đối với họ, con cái học ngành nào “vẻ vang” mới là tốt nhất. Cách cha mẹ yêu thương, lo lắng và chăm sóc tôi cẩn thận chu đáo đến mức tôi nghĩ rằng thật khốn kiếp mới có thể phụ lòng mong mỏi của hai người.

Dĩ nhiên kỳ thi tốt nghiệp tôi vượt qua dễ dàng. Ngày cả lớp làm hồ sơ thi đại học, tôi cũng mang bộ hồ sơ về nhưng không viết gì cả. Cha mẹ tôi tự ghi và tự nộp. Ngày đi thi, cha mẹ tôi hồi hộp và hi vọng hơn hẳn tôi. Cả nhà có không khí trước một cuộc chiến tranh, im ắng, thận trọng, mọi người bước khẽ nói khẽ. Ba mẹ chuẩn bị mọi thứ cho tôi, hỏi đi hỏi lại rằng tôi đã thoải mái chưa, ngủ đủ chưa, vào phòng thi sau khi đọc đề sẽ phải làm gì…

Đọc đề toán và lý xong, tôi biết sẽ trượt kỳ thi này. Tôi đã cố gắng suy nghĩ, cố gắng làm nhưng bài nào cũng dở dang. Bước ra khỏi trường,  quen che giấu cảm xúc, tôi cố nặn ra một nụ cười. Cha mẹ hỏi, tôi nói dối: “Con làm tàm tạm…”.

Biết chắc mình sẽ rớt, tôi có cảm giác rơi vào một hố sâu hun hút, tối đen mà không thể gọi ai tới cứu mình. Sự thất bại ám ảnh tôi từng giờ từng phút. Những cơn lạnh chạy dọc sống lưng. Tay chân bải hoải, đầu óc bấn loạn… Vậy mà tôi vẫn cố ra vẻ bình thường để cha mẹ không nghi ngờ, tra vấn…

Tôi sẽ ăn nói thế nào nếu như giấy báo gửi về và cha mẹ biết tôi rớt? Biết ăn nói thế nào khi chính tôi làm bao nhiêu kỳ vọng của cha mẹ sụp đổ trong phút chốc? Tôi xấu hổ, hoang mang, sợ hãi và cô đơn…

Nếu có thi hai hay ba lần nữa liệu tôi đủ sức đậu không? Không có bằng đại học, tôi sẽ sống ra sao trước cả một dòng họ giỏi “kinh khủng” của mình? Tôi không sống được, liệu cha mẹ tôi sẽ sống được không?  Đầu tôi muốn nổ tung ra, tôi muốn gào khóc, muốn đập phá… Có con đường nào khác cho tôi?

THIÊN KIM

Chuyện của Bi và Bo

Cuối tháng 6, tôi ghé nhà người bạn chơi. Khi cùng cả nhà bạn quây quần quanh chiếc bàn trà trò chuyện, tôi hỏi thăm chuyện học hành của bọn trẻ và mẹ cháu hỏi:  “Cậu muốn nghe tin nào trước: xấu hay tốt?”.

Giọng chị não nề khi thuật “tin xấu”: “Thằng Bi nhà tớ trượt Trường chuyên Trần Đại Nghĩa rồi, mà lại còn trượt xa, thiếu đến 6 điểm. Lúc hỏi được điểm, tớ cứ nghĩ đầu gối mình rụng ra được…”. Ba của Bi bồi thêm: “Nó “chết” ở môn toán cô ạ, trong lớp luyện thi thầy bảo toán của nó rất ổn, điểm kiểm tra cuối cùng cũng đứng thứ ba trong lớp, thế mà lúc thi lại chỉ được 6 điểm, chả hiểu nó làm bài kiểu gì. Giá chỉ thiếu 1-2 điểm còn chịu được”.

Còn “tin tốt”? Giọng ba cháu run lên vì tự hào: “Thằng Bo năm nay thi cả ba trường chuyên, cô bảo thế có kinh không? Tôi cũng run, chỉ lo nó thi nhiều quá đâm phân tán sức lực. Thế mà kết quả là nó “ăn gọn” cả ba trường. Giờ thành ra khó chọn, không biết học trường nào, trường nào cũng có cái hay. Thằng anh nó có phương pháp học rất hay, không như thằng em, lúc nào cũng láng cháng!“.

Bi – 11 tuổi, má vẫn còn phính – len lén đứng dậy, rất rón rén đi vòng sau lưng bố và biến mất sau cánh cửa phòng cậu. Còn Bo bình thản duỗi chân, tiếp tục chơi game trên chiếc iPod – phần thưởng mới của bố cậu sau kỳ thi thành công vượt tưởng tượng, trong ánh mắt âu yếm dạt dào của người mẹ đang đăm đắm nhìn sang.

Tôi nói nhỏ với mẹ cháu về việc Bi đã bỏ về phòng. Ai dè, chị la lên: “Ôi, nó cứ như thế suốt từ hôm biết điểm đến giờ. Đã học hành thi cử không ra sao mà nói đến thì mặt mũi cứ sưng lên”. Ba cháu thì phẩy tay: “Kệ nó cô ạ, nó phải gặm nhấm thất bại ấy thật kỹ thì mới thành người. Phải thấy nhục thì mới vươn lên phục thù được!”. Bo, tay vẫn lướt iPod, cười bảo: “Từ hôm ấy đến giờ nó mất lưỡi rồi cô ạ”.

Sáng hôm sau, tôi qua rủ Bi đi bơi cùng con trai tôi. Mẹ cháu chỉ đồng ý sau khi giao hẹn với Bi: “Còn bốn trang bài tập toán đấy, chơi gì thì cũng nhớ phải xong bốn trang ấy cho tôi trong ngày hôm nay”.

Khi đứng chờ thang máy, Bi đá cực mạnh vào cửa thang máy rồi quay sang nói với tôi: “Cô đừng ngạc nhiên, cháu bây giờ chỉ là con chó ghẻ!”. Con tôi, sau buổi đi bơi ấy về hoảng hốt hé lộ: “Em Bi bảo ba mẹ và anh Hai giờ là kẻ thù lớn nhất của em ấy!”.

Tôi có lẽ là người thứ n được cha mẹ Bi và Bo tường thuật câu chuyện thi cử nóng bỏng của con trai họ trong mùa hè cũng nóng bỏng này. Không biết Bi đã có mặt trong bao nhiêu cuộc trò chuyện tương tự và cậu bé đã âm thầm vượt qua nó ra sao trong căn phòng riêng của mình.

Đối với cậu bé 11 tuổi ấy, 6 điểm bị thiếu trong kỳ thi vừa qua đã lật nhào mọi mối liên kết sâu nặng trong gia đình cậu, rọi một thứ ánh sáng bàng hoàng vào cha mẹ và anh Hai của cậu. Vậy thì từ nay, nó sẽ dẫn dắt sự học và con người cậu trong tương lai theo lối đi nào?

CẦM PHAN ghi

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.