Lần đầu xuất hiện Táo dân

TT – Ngày 23 tháng chạp, các chương trình Táo quân trên truyền hình lại chộn rộn vào mùa. Hiệu ứng xã hội của Vietnam Idol 2010 trở thành “cây gậy chống” cho VTV tìm ra ý tưởng Táo quân năm nay. Hai suất diễn tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội đêm 23 và 24-1 đã gói lại hơn 200 phút Táo quân 2011 – Táo Idol.

Táo Quân 2011:

Lần đầu xuất hiện Táo dân


Táo dân (Thành Trung – giữa) trong Táo Idol xứng đáng là thần tượng của năm Canh Dần – Ảnh: Nga Linh

Cảnh trong vở Táo ơi, nói thật đi! của HTV – Ảnh: Nguyễn Chính

Ngoài Quốc Khánh (Ngọc Hoàng), Xuân Bắc (Nam Tào), Công Lý (Bắc Đẩu), năm nay các Táo quân được đo ni đóng giày cho từng gương mặt: Chí Trung (Táo giao thông), Vân Dung (Táo điện lực), Hiệp Gà (Táo quy hoạch), Tự Long (Táo văn hóa xã hội), Quang Thắng (Táo kinh tế) và Thành Trung (Táo dân). Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết như thông lệ hằng năm, chương trình sẽ được rút ngắn còn 120 phút.

Dư âm Idol

Sẽ có đĩa Táo Idol

* Tổng đạo diễn Táo Idol 2011 Đỗ Thanh Hải cho biết: “Hàm lượng nội dung của Táo quân truyền hình năm nay khá tốt, ngoài những vấn đề kinh tế, đời sống, xã hội lớn lao, chương trình còn truyền tải cả những vấn đề nho nhỏ nhưng khiến dân chúng khóc dở mếu dở. Chúng tôi muốn thông qua chương trình gửi đến thông điệp: mọi người đừng đổ lỗi cho nhau, hãy biết tự lo cho mình trước một xã hội còn gây nhiều bức xúc. Chúng tôi cũng đã đề xuất in đĩa Táo Idol 2011 để phát hành ra thị trường”.

* Các chương trình Táo quân trên VTV, HTV9, BTV1 phát vào đêm giao thừa (2-2). Riêng chương trình của Đài PTTH Sóc Trăng và Long An sẽ phát sóng vào tối 23 tháng chạp (26-1) và phát lại trong tết. H.Điệp

Ngoài các yếu tố quen thuộc từ Táo quân 2009, vận dụng nhiều loại hình nghệ thuật: cải lương, hát xẩm, nhạc kịch, xiếc, múa…; năm nay các “hoa” Táo thi thố trong một cuộc thi “thần tượng” – Táo Idol. Phần thông báo kết quả biến tấu thành cuộc thi Next táo model.

Bản thân nhiều câu chuyện khôi hài trên truyền hình đều được sử dụng triệt để: fan cuồng của MC Phan Anh, tiếng cười khó quên của một vị ban giám khảo, lời nhận xét của ban giám khảo Vietnam Idol hay Sao mai – điểm hẹn… Táo đoạt giải cao nhất nghĩa là vấn đề do Táo đó phụ trách được coi là nổi bật nhất trong mắt Ngọc Hoàng.

Khán giả được dịp cười thỏa thích trước sự xuất hiện của từng Táo, trước cách thức năm vị táo liên đới trách nhiệm cho nhau.

Táo giao thông tắc nghẽn trách cứ Táo quy hoạch không chịu mở đường, thoát cống. Táo quy hoạch đẩy trách nhiệm do Táo điện lực vô tư xả nước gây ngập úng. Táo điện lực trách lạm phát, giá điện nước tăng vì Táo kinh tế. Táo kinh tế nhắc xéo Táo văn hóa xã hội để người dân thiếu ý thức trong khi một năm tổ chức hàng trăm lễ hội.

Táo văn hóa xã hội chỉ còn biết phân trần với Ngọc Hoàng: “Người dân cầm đồng lương ra ngoài chợ không khác gì cục đá nắm trong tay. Dân chỉ còn biết học cách sống chung với lũ”.

Sự xuất hiện lần đầu tiên của Táo dân ở những phút cuối ngắn ngủi với hoạt cảnh ảo thuật “đâm mà không chết” là chiếc khóa mở nút thắt Táo 2011: “Thật tài năng, dân xứng đáng là Idol của năm”, trở thành vị Táo mẫu mực nhất. Táo dân hội tụ đầy đủ các kỹ năng sống “dưới hạ giới, tay đu dây, chân quặp con, mồm ngậm xe đạp, vượt sông đưa con đi học; thường xuyên bị mất điện luân phiên, tự luyện được khả năng nhìn xuyên bóng tối; mắt tinh đến mức phát hiện những hố ga mất nắp, ở giữa là triều cường; bản lĩnh đầy mình, chen trước khói bụi nhiều vẫn sống; đặc biệt biết tìm cách vượt qua đường với dòng xe cộ nườm nượp không theo quy luật”.

Chương trình hài Táo Idol tiếp tục là tiếng cười đóng lại một năm đã qua, nhưng cũng hàm chứa sự cảnh báo, nhắc nhở lẫn nhau cùng nhìn lại các sự kiện, vấn đề nổi bật, nóng hổi của năm Canh Dần.

“Hố tử thần” được… tấu

Không hẹn mà gặp, năm nay nhiều đài tập trung “đánh” nặng chuyện “hố tử thần”. Từ HTV cho đến BTV,  SCTV7…, điển hình nhất là hình ảnh được đưa ra trong chương trình Táo quân của Đài PTTH Sóc Trăng mang tên Họp mặt cuối năm (tác giả: Nguyễn Sơn).

Trong khi Táo chờ Thổ Địa đến để họp bàn gút lại báo cáo nộp về trời thì Thổ Địa lại mất tiêu. Mọi người đổ xô đi tìm, đến khi phát hiện thì tá hỏa vì Địa mình mẩy băng bó, chân tay sưng vù. Địa kêu trời vì trong lúc đi tìm các thần chi nhánh về họp thì liên tục bị… sụp “hố tử thần”! Địa than khóc: “Đất của tôi mà người ta muốn đào muốn bới gì tôi cũng không được biết. Thổ Địa mà còn dính chấu “hố tử thần” thì dân thường làm sao thoát!”.

Họp mặt cuối năm cũng không quên câu chuyện các dòng sông bị ô nhiễm. Hậu quả là Thần nước khi đến họp liên tục… “gảy đàn” trước mặt bá quan văn võ. Ông thở dài vì người ta cứ liên tục xả nước bẩn, nước ô nhiễm xuống các dòng sông nên mấy năm nay ông cứ phải… gãi hoài vì ghẻ ngứa, ung nhọt!

Chương trình này đánh dấu sự xuất hiện trong vai trò đạo diễn của NSƯT Việt Anh với sự góp mặt của các diễn viên: Minh Nhí, Kim Xuân, Hiếu Hiền, Văn Ruy, Thanh Thúy…

Ngoài chuyện “hố tử thần” thì các vấn đề giao thông như kẹt xe, “lô cốt”, ngập nước… gây ảnh hưởng tới dân sinh, khiến nhiều hoạt động trì trệ cũng được nhiều đài lên tiếng.

Đồng cảm về vấn đề ô nhiễm các dòng sông là chương trình Chuyện Táo năm Mẹo (tác giả: Diệp Vàm Cỏ, dàn dựng: Hoàng Duẩn) của Đài PTTH Long An. Số là ngày cuối năm, mọi người tìm Hà Bá nhưng ông lại mất tích.

Đến chừng tìm ra thì ông đau lòng, nghẹn ngào nói các con sông bây giờ ô nhiễm quá, người ta bảo “Đất Thổ công, sông Hà bá”, sông muốn chết hết rồi thì Hà bá còn chỗ nào đâu mà sống!

Bắt bài Táo quân

Chương trình Táo quân năm nay của HTV mang tên Táo ơi, nói thật đi! (kịch bản và đạo diễn: Thế Ngữ) là sự trở lại cầm trịch của đạo diễn Thế Ngữ – người có thâm niên làm chương trình Táo gần 30 năm. Vị đạo diễn đã ngoài 70 tuổi này cho biết mọi năm các vấn đề được đặt ra một cách dè dặt, riêng năm nay Táo HTV sẽ mạnh dạn hơn, thẳng thắn hơn.

Kịch bản được ông lấy cảm hứng từ những cuộc họp Quốc hội – nơi nhiều câu chất vấn được trả lời quanh co, không đi vào trọng tâm. Theo đó, Táo ơi, nói thật đi! không tổ chức cuộc họp trên thiên đình mà trước đó Ngọc Hoàng và các quần thần đã xuống trần gian thị sát và họp luôn ở đây. Họp mà như… không họp, vì thật ra Ngọc Hoàng chỉ kiểm tra xem các Táo thành thật đến mức nào. Và không ít Táo đã làm ông thất vọng…

Táo ơi, nói thật đi! dài 100 phút có sự tham gia của các diễn viên: Hồng Vân, Minh Hoàng, Hữu Nghĩa, Anh Vũ, Mỹ Uyên, Kim Chi, Bảo Châu, Minh Béo…

Cũng mất niềm tin vào Táo là chương trình Táo quân của SCTV7 với vở Hạch tội Táo quân (kịch bản: Thạch Tuyền, đạo diễn: Nguyễn Quang Minh) sẽ phát sóng vào tối 30 tết… Vở đề cao tư tưởng dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Khi cần cũng nên có một văn hóa từ chức để những người đủ năng lực thay thế gánh vác.

Năm nay là năm trẻ em nên chương trình Táo Cho một ngày mới (kịch bản và đạo diễn: Hoàng Duẩn) của Đài truyền hình Bình Dương (BTV) đề cập nhiều về vấn đề này qua hình ảnh chú bé mới học lớp 4 nhưng… râu dài như cụ già do phải học nhiều quá. Chỗ vui chơi cho thiếu nhi lại không có dẫn đến việc các em sa đà vào các trò chơi game online thâu đêm suốt sáng…

“Ngọc Hoàng” Bảo Quốc giải nghệ

Năm nay do kinh tế khó khăn nên kinh phí dành cho chương trình Táo của nhiều đài khá eo hẹp, thậm chí có đài còn bỏ luôn chương trình truyền thống hằng năm này.

Chẳng những sụt giảm, “Ngọc Hoàng” Bảo Quốc cũng vừa tuyên bố… giải nghệ nên nhiều đài chới với. NSƯT Bảo Quốc có thâm niên vào vai Ngọc Hoàng 20 năm, ông cho biết năm nay đã từ chối làm Ngọc Hoàng khoảng 5-6 đài vì thấy 20 năm gắn bó với một vai diễn là quá đủ, phải nhường cơ hội cho lớp trẻ.

Dù vậy, do khán giả quá quen thuộc với hình ảnh Ngọc Hoàng của Bảo Quốc nên không ít đạo diễn than tìm người thay thế mướt mồ hôi. Có đài vì không tìm được người ưng ý đã chọn giải pháp thay vai diễn Ngọc Hoàng xuống… Phó Ngọc Hoàng!

L.ĐOAN

NGA LINH – LINH ĐOAN

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.