TTXuân – Chưa bao giờ người hâm mộ thấy Nguyễn Minh Phương chơi hay như ở AFF Suzuki Cup 2010. Và có lẽ chúng tôi trong nhiều năm hành nghề phóng viên thể thao cũng chưa thấy người đội trưởng nào hết lòng với đồng đội như anh. Vì vậy, thật sự tiếc nuối khi Minh Phương quyết định chia tay đội tuyển ở tuổi 30…
Bóng đá
Chia tay người đội trưởng tài hoa
Minh Phương (phải) mừng rỡ sau bàn thắng bằng sút phạt trực tiếp vào lưới Myanmar – Ảnh: S.H. |
Cùng vợ và con trước giờ lên đường đi Malaysia – Ảnh: S.H. |
Minh Phương và một bệnh nhi ung thư trong buổi giao lưu trước AFF Cup 2008 – Ảnh: S.H. |
Không có thầy kém… 12 năm đến với bóng đá, Minh Phương là học trò của hơn chục HLV nội lẫn ngoại. Khi được hỏi rằng thầy nào gắn dấu ấn đậm nét nhất, anh cười rồi nói: ”Đã là thầy thì ai cũng có nét riêng, cái hay riêng mà học trò cần học hỏi để tự trang bị kiến thức cho chính mình. Tôi chịu ơn tất cả những người thầy, từ HLV Tam Lang, Đặng Trần Chỉnh, Vũ Tiến Thành cho đến các HLV Rainer, Dido, Tavares, Riedl và Calisto. Chỉ có học trò không giỏi chứ không có thầy nào kém hay xấu cả. Nếu được làm lại, tôi xin làm học trò của những người thầy đáng kính nói trên”. |
Thi trượt đại học kinh tế, gia cảnh khó khăn (cha công tác ở Công ty Cao su Bình Long, mẹ bán quầy nước nho nhỏ, hai em đang tuổi ăn học), Minh Phương bặm gan xách balô đón xe đò từ Bình Phước xuống Sài Gòn xin HLV Tam Lang đi theo tập cùng Cảng Sài Gòn. Nhìn vẻ mặt khôi ngô, đậm chất thư sinh của Phương, HLV Tam Lang gật đầu. Cái gật đầu của vị HLV nổi tiếng ấy khiến chàng trai trẻ sướng rơn trong bụng. Không ngờ hôm ấy (30-6-1998, một tuần trước lúc cậu tròn 18 tuổi) lại chính là bước ngoặt trong đời của tuyển thủ quốc gia Nguyễn Minh Phương.
Không được đào tạo chính quy từ nhỏ, nhưng tố chất tiềm ẩn của một cầu thủ đa năng, chịu thương chịu khó và sức bền thể lực dẻo dai giúp Phương trụ vững giữa các tên tuổi lừng danh Cảng Sài Gòn ngày ấy. Ba tháng sau, Phương được gọi vào đội tuyển TP.HCM dự vòng chung kết U-21 toàn quốc.
Giải đó, U-21 TP.HCM đá năm trận (đoạt HCĐ) thì Phương được HLV Vũ Tiến Thành xếp đá tới… bốn vị trí! Và dù đá hậu vệ trái, hậu vệ phải, tiền vệ phải hay tiền vệ trung tâm, Phương đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ! Ngồi theo dõi từ khán đài, HLV Tam Lang gật đầu đầy vẻ tâm đắc về cậu học trò.
Từ vòng đấu thứ tư Giải vô địch quốc gia 1999 trở đi, vị trí hậu vệ phải Cảng Sài Gòn chính thức thuộc về tân binh Nguyễn Minh Phương. Tròn 18 tháng sau ngày khăn gói lên Sài Gòn làm quen với môi trường bóng đá, Minh Phương được gọi vào đội tuyển Olympic quốc gia đi tập huấn dài hạn ở Ý. Năm ấy, lần đầu anh được xuất ngoại và cũng lần đầu đón tết cổ truyền bên trời Tây.
Từ đó, cái tên Minh Phương luôn có trong danh sách đội tuyển Olympic, rồi từ năm 2002 là ở đội tuyển quốc gia, bất kể đó là HLV Rainer, Dido, Tavares, Riedl hay Calisto. 12 năm qua, anh có đến 73 lần khoác áo đội tuyển cùng 12 bàn thắng, nhưng thật khó thống kê chính xác anh đã có bao nhiêu đường chuyền dẫn tới bàn thắng cho đội nhà.
Đi lên từ bóng đá học đường nhưng Minh Phương còn nổi trội hơn nhiều đồng nghiệp khác bởi kỹ thuật cá nhân hoàn hảo, cộng với tài nghệ sút phạt trực tiếp thuộc loại “hàng hiếm” của bóng đá VN. Những kỹ năng đó không phải bỗng dưng mà có.
Nhìn các đàn anh Minh Hiếu, Huỳnh Đức, Phan Văn Santos sút phạt hằng ngày trên sân tập, Minh Phương mày mò học rất kỹ lưỡng rồi ôm bóng, đẩy hàng rào ra sân tập miệt mài. Ít ai biết nhiều buổi tập Minh Phương đá đi đá lại hàng trăm lần cho đến khi kiệt sức mới thôi. Không ít lần ráng chiều đã tắt lịm từ lâu, nhà ăn của CLB đã sáng đèn, nhưng mâm cơm chung vẫn còn khuyết chỗ ngồi của Minh Phương!
Đêm 18-12-2010 (sau khi bị loại khỏi bán kết AFF Suzuki Cup 2010), Minh Phương gây xúc động thật sự với hai bác sĩ đội tuyển Trọng Hiền, Ngọc Hạnh: “Cả đời đá bóng em gần với nhiều bác sĩ. Nhưng không thầy thuốc nào hiền hậu, đáng kính trọng và chẩn đoán bệnh “trên cả tuyệt vời” như thầy Hiền, thầy Hạnh.
Em không còn đến với đội tuyển nhưng hình ảnh tận tụy, chịu thương chịu khó của hai thầy sẽ là hành trang quý giá cho em vào đời mai sau”. Những lời nói thốt lên tự đáy lòng ấy khiến bác sĩ Ngọc Hạnh – vốn rất kín tiếng – cũng phải nghẹn lời: “Cảm ơn bạn có những nhận xét tốt đẹp. Và tôi cũng không bao giờ quên được một thủ quân Minh Phương luôn xả thân vì màu cờ sắc áo, luôn là chỗ dựa tinh thần đáng quý cho toàn đội”.
30 tuổi, Minh Phương vẫn lăn xả, cống hiến đến tận cùng sức lực khi chơi đủ 450 phút ở AFF Suzuki Cup 2010. Vâng, 30 tuổi, Minh Phương vẫn còn chạy tốt. Thậm chí anh còn chơi tốt hơn lúc tuyển VN đăng quang hai năm trước. Nở nụ cười thật tươi Minh Phương nói: “Cũng mệt lắm chứ. Nhưng nhìn quanh mình là đồng đội chấn thương, mình không cắn răng chèo chống thì ai làm thay đây. Thôi thì cứ cố đến lúc nào hay lúc nấy. Chỉ tiếc rằng đây là cuộc chia tay không trọn vẹn của đời cầu thủ”.
Vâng, một cuộc chia tay không trọn vẹn vì đội tuyển thất bại. Thủ quân Minh Phương không còn cơ hội nâng cao chiếc cúp vàng vô địch Đông Nam Á lần thứ nhì. Tuy nhiên, nhìn lại, vầng hào quang vẫn tỏa sáng quanh anh với năm chức vô địch V-League, Siêu cúp bóng đá VN, vô địch Cúp quốc gia (trong màu áo Cảng Sài Gòn, Đồng Tâm Long An), vô địch AFF Suzuki Cup 2008. Một bảng thành tích trong mơ mà không phải cầu thủ nào cũng sánh được.
Tự bạch của Minh Phương * Cảm tưởng của anh khi nói lời chia tay đội tuyển? – 30 tuổi chưa phải quá già nhưng phải biết dừng đúng lúc. * Với anh, đội tuyển cần nhất điều gì? – Đoàn kết bên nhau như một gia đình. * Là cầu thủ chuyên nghiệp, anh thích nhất điều gì? – Bầu không khí sôi động của cầu trường. * Điều gì khiến anh ghét nhất? – Thiếu trung thực. * Trận đấu nào đáng nhớ nhất với anh? – Phải vài trận thì tôi mới nói được. Thứ nhất là trận hòa Thái Lan đưa tuyển VN đoạt chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008. Thứ hai là trận thắng ngược 4-3 trước Hoàng Anh Gia Lai ở giải 2005 sau khi bị dẫn trước 1-3. Một trận cầu kịch tính mà HLV Calisto luôn nhắc mãi với từ “crazy game” (trận đấu điên loạn). * Đồ vật nào thiết yếu nhất với anh? – Đồng hồ. Bởi tôi là người luôn tôn trọng giờ giấc trong sinh hoạt, tập luyện, thậm chí cả vui chơi. * Anh thích nghe thể loại nhạc gì? – Tôi thích (và có thể hát) cải lương, tân nhạc, tấu hài… Nhưng nhạc nhẹ là thể loại tôi thích nhất vì giúp tôi lắng đọng, thư giãn. * Vậy còn trang phục? – Áo thun, quần short. * Tiêu chuẩn hàng đầu người bạn đời đối với Minh Phương là gì? – Hiểu và chia sẻ với tôi. Bởi đời cầu thủ luôn rày đây mai đó, nếu không được người bạn đời hiểu và chia sẻ thì đó là một bi kịch. *Anh ước gì cho bóng đá VN trong dịp đầu năm Tân Mão? – Tôi ước sao cầu thủ luôn cống hiến hết sức mình. Tôi xin được thêm một điều ước nữa là bệnh tật hiểm nghèo sẽ sớm rời khỏi các em ở bệnh viện ung bướu, để các em có thể sống thỏa với ước mơ được chơi bóng, đá bóng. S.H. ghi |
SĨ HUYÊN
______________________
Họ đã nói…
HLV Henrique Calisto
Chục năm gắn bó với bóng đá VN, tôi có rất nhiều học trò, nhưng rất ít người có phẩm chất kỹ thuật và tính tình đáng mến như Minh Phương. Một cầu thủ chuyên nghiệp đúng nghĩa và rất rõ ràng trong tập luyện hay vui chơi ở cuộc sống đời thường. Trong màu áo đội tuyển quốc gia hay Đồng Tâm Long An, Minh Phương (cùng Tài Em) luôn cho thấy mình là thủ lĩnh, có tiếng nói và uy tín để thuyết phục người khác. Giá như đời HLV chúng tôi có nhiều học trò giỏi, ngoan, hiền như vậy thì hạnh phúc biết bao.
Giám sát trọng tài Bùi Như Đức
Trong đời cầm còi của mình hay chuyển qua công tác giám sát, cầu thủ gây ấn tượng lớn nhất với tôi không ai khác ngoài Minh Phương. Đó là cầu thủ có kỹ thuật khéo léo, đi lên bằng tài năng bẩm sinh và sự khổ luyện chứ không hề qua bất kỳ trường lớp nào. Ấn tượng lớn nhất với tôi cũng như nhiều trọng tài khác là một Minh Phương hiền hòa, luôn chú tâm vào quả bóng, không chơi xấu để trả đũa đối thủ. Sự tỉnh táo, chú tâm chơi bóng giúp Minh Phương phô diễn được kỹ thuật điêu luyện, đá phạt siêu hạng và đặc biệt là có kỹ năng giữ bóng kéo dài thời gian khéo đến mức khó trọng tài nào phạt thẻ được.
Tiền đạo Quang Hải
Tôi và nhiều cầu thủ trẻ khác đã xúc động đến rơi nước mắt khi anh ấy nói lời chia tay vào đêm 18-12-2010. Lớp cầu thủ trẻ sẽ không còn được nghe những lời khuyên, chỉ dẫn tận tình của một người anh tinh thần, nhất là những người lần đầu đến đội tuyển như chuyện của tôi vài năm trước. Không chỉ tài hoa trên sân cỏ, anh ấy còn là một “luật sư” xử chuyện rất khéo ở cuộc sống đời thường với những chuyện nội bộ trong đội tuyển.
Thay lời cảm ơn Canh Dần là một năm không vui của thể thao Việt Nam. Tại đấu trường Asiad 16, đoàn Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 1HCV của Lê Bích Phương bất ngờ đoạt được. Với kết quả quá nghèo nàn, thể thao Việt Nam đã đứng sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Myanmar! Tiếp đến, thầy trò HLV Henrique Calisto không bảo vệ được ngôi vô địch AFF Suzuki Cup gây thất vọng cho hàng triệu người hâm mộ. Thế nhưng, thể thao đâu chỉ có thành tích thì mới đáng xem! Một Nguyễn Minh Phương tài hoa, tận tụy; một Lê Quang Liêm được mệnh danh “vua săn giải thưởng”; một Nguyễn Văn Hùng năm lần vô địch SEA Games đang thử sức với nghề mới; một võ sư già Đoàn Đình Long có trái tim bệnh tật nhưng vẫn sống chết với nghề… Họ đã cho chúng ta những bài học quý giá trong cuộc sống. Thật ra còn nhiều nữa những con người đáng quý trong làng thể thao, nhưng khuôn khổ trang báo có hạn nên chúng tôi chỉ dừng lại ở bốn cái tên vừa nêu. Bốn nhân vật trên Tuổi Trẻ Xuân Tân Mão như một lời cảm ơn gửi đến những VĐV, HLV hết lòng với cái nghiệp đã trót mang vào thân… |
MAI HÀ ghi
______________________
Minh Phương che chắn cho Vũ Phong sau bàn thắng trong trận gặp Singapore – Ảnh: S.H. |
Vũ Phong và chuyện bây giờ mới kể
Đêm 8-12-2010, hàng triệu người hâm mộ bóng đá cả nước vỡ òa với niềm vui ngất trời khi tiền vệ Vũ Phong ghi bàn thắng vào lưới Singapore ở hiệp một. Một bàn thắng quan trọng vừa đủ để loại đối thủ và mở toang cánh cửa đưa VN vào bán kết AFF Suzuki Cup.
Thông thường khi ghi được bàn thắng, nhất là bàn thắng mang ý nghĩa quyết định, tác giả luôn thể hiện niềm vui khôn tả. Nhưng với Vũ Phong thì lại khác. Thay cho niềm vui là sự lạnh lùng và nét đau đớn hiện rõ trên gương mặt!
Một ngày sau trận đấu, Vũ Phong mới kể lại rằng: ”Lần đầu tiên trong đời tôi ghi bàn thắng mà không vui. Vui sao được khi đầu gối phải dính trọn hai chiếc đinh giày của thủ môn Hassan (Singapore) ngay trước lúc tôi tung chân dứt điểm!
Biết mình sẽ “ăn đòn” nhưng tôi vẫn cắn răng lướt tới để sút. Lưới của Singapore rung lên cùng lúc đầu gối tôi nhói đau dữ dội. Khi ấy tôi chỉ muốn khuỵu xuống sân và chực rớt nước mắt vì quá đau. Đau như vậy thì còn đâu cảm giác vui sướng. Đứng ngay phía sau khi tôi ra chân dứt điểm, anh Minh Phương thấy rất rõ cảnh tôi “ăn đòn”.
Và anh biết chắc thế nào đồng đội cũng lao đến ăn mừng nên đã chạy tới thật nhanh, chống hai tay xuống mặt sân gánh chịu sức nặng của đồng đội đè lên nhằm giúp tôi đỡ đau. Nói thật, hiếm có người đội trưởng nào tinh tế như thế. Với tôi, đây là một hình ảnh, một kỷ niệm không bao giờ quên về người đội trưởng Nguyễn Minh Phương…”.
S.H. ghi
Source: Báo Tuổi Trẻ