Khi cô trò cùng lên facebook

TTO – Còn nhớ trong một phiên họp phụ huynh đầu năm, tôi đã nghe một phụ huynh phàn nàn con của họ đang nghiện chơi games online, và nhờ tôi có biện pháp giúp họ.

Khi cô trò cùng lên facebook

Nhờ Facebook, cô trò chúng tôi thành bạn bè bình đẳng

Vị phụ huynh này cho  biết chính họ trang bị máy móc nối mạng vào tận phòng riêng của con với mong muốn con sẽ có điều kiện học tốt. Nhưng họ không lường được cũng như không biết cách kiểm soát các hệ lụy của máy tính đưa lại. Bởi đơn giản họ là những người buôn bán đầu tắt mặt tối, chỉ biết đáp ứng các nhu cầu học tập của con chứ không đủ sức để theo dõi con mình cả về thời gian cũng như nội dung học tập.

Câu chuyện này cuối cùng cũng được xử lý nhẹ nhàng. Việc vực lại sức học của một cậu bé ngoan học giỏi không phải là việc khó. Tôi bắt đầu chập chững bước vào thế giới mạng, bắt đầu online, tìm hiểu các trò chơi và bắt đầu chat chit với cậu học trò của mình. Sau khi đã nắm được điều gì hút hồn cậu bé, tôi đã dùng những cách thức khéo léo để kéo cậu ra khỏi những trò chơi và cùng hoạch định về một tương lai gần sau ba năm học cấp ba. Kết quả cuối cùng cũng đạt được như ba mẹ cậu mong đợi.

Nhưng khi “giải thoát” cho cậu bé kia rồi, chính bản thôi tôi vẫn chưa dứt ra khỏi những đêm miên man lướt mạng.

Bởi ở đó, tôi bắt gặp không chỉ một vài trường hợp cá biệt, mà hầu như tất cả những học trò của tôi, là những học sinh thành phố, đều có ít nhất một trang cá nhân trên mạng, đa phần là Facebook. Tôi quyết định mình cũng nên có một tài khoản Facebook.

Ngoài việc chào hỏi kết nối lại những mối quan hệ của học trò cũ, tôi bắt đầu kết nối và cập nhật thêm những trang cá nhân của chính học trò mình đang dạy hằng ngày. Khác với các em chỉ thường hay dùng những nick ẩn danh, tôi dùng ngay chính tên gọi của mình với những thông tin rõ ràng.

Phải một thời gian khá dài sau, các em mới ghé qua “nhà tôi” và e dè chào hỏi tôi. Nhưng có lẽ sau sự dò xét ban đầu và cảm nhận được tính “vô hại”, các em bắt đầu thổ lộ nhiều tâm tư tình cảm, nhiều ý kiến mà trong đó có nhiều ý kiến làm tôi khá bất ngờ. Bắt đầu từ đây, thế giới học trò của tôi không chỉ giới hạn trên lớp với những giờ học ít ỏi nữa mà có thể mở rộng đến tận cùng giới hạn thời gian làm việc của một ngày trong khả năng có thể của tôi.

Với những bộc bạch chân thành, học trò tôi đã bắt đầu nhận xét về chính bản thân tôi cũng như đưa ra những ý kiến về các vấn đề trong bài học, trong cuộc sống. Hình như, qua thế giới ảo, các em lại dễ nói thật hơn những suy nghĩ của mình. Ở đó, các em có thể nói những điều mà khi đối mặt, tôi chưa bao giờ nghe các em đề cập đến.

Thú thật, có khả năng tưởng tượng cao như thế nào đi nữa, tôi cũng không bao giờ hình dung được trên lớp sẽ có đứa học trò giơ tay thú nhận trong giờ học mình thường copy bài bạn ở những môn không phải là thế mạnh của em ấy. Nhưng trên Facebook thì khác. Em ấy đã cùng tôi tranh luận tại sao em phải hành động như thế. Thoát khỏi phạm vi lớp học, tôi đặt mình ở vị trí bình đẳng và cùng thảo luận với em. Tất nhiên, trong vai trò người dạy, tôi phải chỉnh hướng cho em cùng các bạn của mình. Nhưng cũng qua đó, tôi rút ra được nhiều hơn về phương pháp dạy học và kiểm tra cũng như công tác đánh giá sao cho phù hợp hơn.

Khi ở trên Facebook, tôi còn có thể biết được trong giờ học, học sinh nào của tôi lén lên mạng mặc dù buổi đó tôi không phải đến trường. Khi ở trên Facebook, chỉ lướt qua status của các em, đôi khi vài lời than thở vu vơ, tôi cũng nắm được phần nào trạng thái của các em trước những bất ổn trong đời sống tinh thần của chúng. Tuổi vị thành niên thường nhiều biến động, đôi khi chỉ một tác động nhỏ cũng ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và sự học tập của các em. Theo dõi những biến cố đó cũng là một cách đi bên cạnh các em với một cánh tay giơ ra tin cậy.

Và cũng trên Facebook, tôi có thể trao đổi thông tin học tập công việc với lớp trưởng và các nhóm trưởng. Những công việc được triển khai đến đâu đều được các em cập nhật vừa tạo niềm phấn khích vừa giúp tôi dõi theo chúng một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, tôi đã phải bỏ công rất nhiều trước đó để tạo niềm tin tuyệt đối. Nếu không sẽ phản tác dụng khi báo cáo trái ngược với thực tế ngay.

Từ một lời hứa bất đắc dĩ với vị phụ huynh năm nào, tôi đã trở nên thân thiết với những trang mạng xã hội tự lúc nào. Vào đấy, tôi gần gũi với học trò của mình hơn. Vào đấy, học trò của tôi có cơ hội sẻ chia với cô giáo của mình những khúc mắc chưa được giải quyết trên lớp học. Và cả chuyện tình cảm, những cảm xúc “say nắng” tế nhị của tuổi ẩm ương mới lớn cũng dễ dàng được chia sẻ.

Nếu trên lớp học, tôi chỉ là người thầy truyền giảng tri thức thì khi vào Facebook, tôi lại thành người bạn lớn dẫn đường cho các em trước những kinh nghiệm mà lứa tuổi non nớt của các em thường vấp phải.

Ai đó đã từng nói rất hay, đại thể rằng bạn không phải là người đi trước ta mà đó là người biết chờ đợi và đi bên cạnh ta. Với học trò, tôi là người lớn tuổi nhưng vẫn chấp nhận đi chậm lại cùng các em trên một con đường nào đấy.

Và tôi biết, xung quanh tôi, những đồng nghiệp của mình có rất nhiều người còn lớn tuổi hơn tôi rất nhiều, đêm đêm vẫn còn ngồi kỳ cạch bên chiếc máy tính, đợi từng nick name của học trò mình sáng lên, để hiểu thêm một khía cạnh tính cách nào đó trong đứa học trò bị coi là ngỗ nghịch, hoặc để share (chia sẻ) thêm cho các em một file tài liệu quý mà mình vừa tìm được.

HỒ THỊ TÂM
(Giáo viên Trường THPT Chuyên Quốc Học – Huế)

Bạn có thường xuyên chia sẻ với học trò mình/ cô giáo mình trên Facebook hay ở một mạng xã hội nào đó. Bạn có nghĩ rằng, nhờ vào không gian ảo, bạn sẽ dễ dàng bày tỏ ý kiến với học trò mình/ thầy cô mình? Hãy bày tỏ ý kiến với chúng tôi. Vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.