‘Ra ở riêng’ – Trào lưu mới của giới trẻ

Có rất nhiều bạn trẻ thành phố đang sống cùng gia đình lại mong muốn được thuê nhà “ra ở riêng” được tự lo cho bản thân mình và tách khỏi sự quản của gia đình.

Trong khi rất nhiều bạn trẻ mong muốn được sống trong sự bao bọc của gia đình, người thân. Đặc biệt là các bạn tỉnh lẻ phải xuống thành phố học, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi không có gia đình, người thân. Thì bên cạnh đó lại có rất nhiều bạn trẻ thành phố đang sống cùng gia đình lại mong muốn được thuê nhà “ra ở riêng”, được tự lo cho bản thân mình và tách khỏi sự quản của gia đình.

'Ra ở riêng' - Trào lưu mới của giới trẻ

Ảnh mang tính minh họa.

Ra ở riêng để được…

Bạn Trần Hải Yến ở Hà Nội, đang theo học trường Quốc tế Mỹ, đã từng chia sẻ trên trang web của cuộc thi missteen 2009 rằng ở riêng là một niềm mong ươc lớn của bạn. Vì Yến muốn được tự lập, bởi theo Yến: “ở riêng có nghĩa là chúng ta phải tự đi làm kiếm tiền để nuôi bản thân (tất nhiên là không được bỏ học rồi), ở riêng trong một căn nhà khác. Tất cả những việc cần thiết cho một cuộc sống bạn phải tự lo từ A đến Z, như hàng ngày phải đi chợ nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cử… Rất nhiều thứ cần phải làm nữa…”

Cũng theo quan điểm của Yến thì ở nước ngoài có rất nhiều gia đình đã đồng ý cho teen ra ở riêng vì họ muốn con của mình phải học cách sinh tồn với cuộc sống. Biết cách tôn trọng những gì mà họ đang được hưởng và thật mạnh mẽ với những thử thách của cuộc sống.

Chính vì vậy mà Yến cũng rất muốn thử sức mình với cuộc sống đầy khó khăn này, muốn cho bố mẹ thấy rằng bạn thật mạnh mẽ. Cuối cùng là muốn cho những người xung quanh phải khâm phục bạn vì mình đã có thể tự lo cho bản thân mình được rồi. Yến nói “Mình sẽ thật cố gắng để mình có thể thực hiện được những gì mình mơ ước…”

Một bạn có nick name a_254189_n cũng chia sẻ trên mạng rằng ra ở riêng là một niềm mơ ước đã lâu của bạn. Mặc dù biết rằng “Ở riêng, mình sẽ ko còn tivi để xem nữa; không có máy tính để tìm tài liệu, để lướt web, chat và chơi game nữa. Ở riêng, mình sẽ không còn được đi về khuya, sẽ không được ai quan tâm nữa. Nhưng mình vẫn muốn chuyển đi.”

Chắc hẳn nhiều người khi đọc những dòng tâm sự này sẽ thắc mắc xem không biết điều gì đã khiến bạn trai này lại dám vứt bỏ những sở thích cá nhân, những nhu cầu quan trọng của giới trẻ để được ra ở riêng như vậy?

Hóa ra nó không hẳn là những lý do lớn lao gì, chỉ đơn giản là: “ ra ở riêng thì sẽ được tự do, sẽ được ăn những mình thích, làm những gì mình muốn mà không phải để ý đến những người xung quanh. Ở riêng, mình sẽ không bị ai kêu ca, không phải làm những việc mình không muốn; khi đi đâu sẽ không bị ai quản lý, không phải trình báo này nọ. Như thế, mình sẽ thoải mái hơn. Ở riêng, mình có thể học tập mọi lúc mình có thể mà không sợ bị làm phiền. Ở riêng, sẽ ko ai bảo mình là trẻ con nữa…”

Ngoài ra cũng có nhiều bạn trẻ do xích mích với gia đình nên đã quyết tâm ra ở riêng để tự khẳng định bản thân và để không khí gia đình không căng thẳng thêm nữa. Bạn Hà Phương – ĐH Mỹ Thuật công nghiệp tâm sự: “Mình nghĩ đủ 18 tuổi là có thể ra ở riêng rồi. Mình sẽ cho bố mẹ thấy rằng mình không phải là một đứa vô dụng”.

Để rồi vấp phải…

Không phải bạn trẻ nào cũng chuẩn bị cho mình đầy đủ hành trang để ra ở riêng. Có nhiều bạn cứ nghĩ rằng ra ở riêng chỉ đơn giản là tách ra khỏi gia đình, là thuê lấy một phòng trọ và tự mình sắp xếp cuộc sống của mình theo ý muốn cá nhân. Trong khi đó cuộc sống một mình ở ngoài nảy sinh rất nhiều vấn đề mà chính các bạn đã không lường trước được.

Vấn đề đầu tiên mà nhiều bạn trẻ khi ra ngoài ở đã vấp phải chính là tài chính. Khi ở nhà, tất cả mọi việc, mọi khoản chi tiêu đều có bố mẹ lo. Nhưng khi đã ra ngoài sống rồi thì từ bó rau, từ gói xà phòng, thậm chí là từ cái tăm cũng phải tự mình sắm lấy. Số tiền bố mẹ cho ban đầu đã hết, nhiều bạn không biết xoay sở thế nào, bởi khi đi thì đòi đi cho bằng được, nên không thể quay về, mà ở lại thì chả nhẽ lại sống bằng “niềm tin” chắc? Đấy rất có thể là lần đầu tiên những bạn trẻ ấy phải nghĩ đến chuyện tìm một công việc phù hợp với khả năng để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống trong khi rất nhiều người trong số các bạn vốn đã quen được chăm sóc, quen được nuông chiều.

Bạn Thanh Hà ở ĐH Văn Hóa Hà Nội đã chia sẻ những khó khăn của mình sau một tháng ra ở riêng: “Dù là người Hà Nội hẳn hoi nhưng khi ra sống một mình vẫn không khỏi cảm thấy lơ ngơ vì cuộc sống quá phức tạp mà tiền nong thì thật là tốn kém. Cảm giác bơ vơ giữa đời cũng là một cảm giác đáng sợ.”

Rất nhiều bạn trẻ khi vừa giãi bày mong muốn được ra ở riêng đã bị bố mẹ phản đối kịch liệt, thậm chí còn cho rằng đó là một ý định ngớ ngẩn, điên rồ nhất. Bởi các ông bố, bà mẹ không thể tin tưởng rằng đứa con vốn quen được bao bọc, đôi khi cơm không phải nấu, quần áo không phải giặt… Thì làm sao có thể tự xoay xở được khi ra ở một mình.

Bác Vinh ở Cầu Giấy, bố của Thanh Hà đã tâm sự: “ Lúc đầu bác đã nhất quyết không đồng ý, nhưng bữa cơm nào nó cũng mang chuyện ra ở riêng ra thuyết phục. Khi đồng ý cho nó ra ở một mình, bác đã nghĩ chắc chỉ được một tháng là cùng. Thể nào nó cũng quay về nhà. Nhưng hiện tại nó vẫn đang sống rất tốt. Bác cũng thấy mừng nhưng nói thật là vẫn chưa hết lo”.

Cần cân nhắc kỹ trước khi ra ở riêng

Theo PGS. TS Văn Thị Kim Cúc (Giám đốc Trung tâm Tâm lý – Giáo dục Ngàn Phố, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Tâm lý học): Trào lưu ra ở riêng là hiện tượng trong xã hội hiện đại, khi bản thân giới trẻ tự cảm thấy đủ lông cánh để có thể sống riêng, không cùng cha mẹ.

Ở Việt Nam phổ biến các bạn trẻ vẫn thích ở cùng bố mẹ cho tới khi lập gia đình, thậm chí có người vẫn thích ở cùng bố mẹ sau khi lập gia đình. Việc một số bạn trẻ muốn ra ở riêng cần phải hiểu lý do của họ. Nếu thật sự vì muốn độc lập, tự chủ, rèn luyện mình cho cứng cáp, trưởng thành… có một lý tưởng, một hoài bão đẹp và có thể biết tự lo cho mình, tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình. Hoặc vì không gian nhà của gia đình quá chật hẹp, bạn ấy cảm thấy quá bị bó buộc, thì có thể ủng hộ việc ra ở riêng. Nếu ra ở riêng để tự do ăn chơi, thích gì làm nấy, cảm thấy thoải mái vì không có ai kiểm soát, nhắc nhở, răn đe,… thì không nên ủng hộ vì bạn trẻ vẫn còn non nớt và thiếu kinh nghiệm, dễ bị sa ngã. Thanh niên trẻ chỉ thực sự bắt đầu trưởng thành khi đã tốt nghiệp đại học hoặc nghề và có công ăn việc làm ổn định.

Khi con cái muốn ra ở riêng dù chưa lập gia đình, nhất là lúc đang theo học (trừ con cái phải sống xa nhà vì điều kiện học tập, công việc), bố mẹ cần phải lắng nghe, phải xem xét lại cách thức giáo dục của mình.

Theo PGS. TS Văn Thị Kim Cúc với bạn trẻ, việc ra ở riêng không phải đơn giản như các bạn nghĩ, lúc ấy, rất nhiều việc phải lo, phải làm, phải tính toán, phải sắp xếp, phải cẩn thận. Trước khi có quyết định cuối cùng, các bạn cần phải cân nhắc thật kỹ, đừng vì lý do nào khác mà quyết định ra ở riêng ngoài lý do chính đáng như muốn trưởng thành sớm. Ngoài ra, cần phải xác định đã ra ở riêng là rất tốn kém, liệu mình có đảm trách được? Liệu mình có thể tự xoay xở với vô vàn các tình huống có thể nảy sinh, nhất là những lúc gặp khó khăn, thất bại, lúc cảm thấy cô đơn, ốm đau, bệnh tật,…? Bạn trẻ chỉ ra ở riêng khi cảm thấy thật sự mình có thể tự lập được, có nghĩa là mình có nghề nghiệp ổn định, có thể tự trang trải được cuộc sống của mình và chịu trách nhiệm về cuộc sống ấy.

Theo Mực Tím

Source: Zing

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.