Người lao công cần mẫn

TTO – “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, lời Út khuyên đấy, trong giấc mơ tôi nghe văng vẳng bên tai tiếng dì nói và giật mình quay chậm đoạn phim bằng ký ức, dì Út về và đang trò chuyện cùng chúng tôi. Dì tên thật là Huỳnh Tuyết Lan nhưng cả trường đều gọi là dì Út vì dì là em út trong nhà.

Người lao công cần mẫn

( Kính tặng vong linh dì Út, Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Bạc Liêu)

Dì hiền lắm, lúc nào cũng cười, hình như chính nhờ điều ấy mà dì luôn trẻ trước tuổi. Nhà dì nghèo lắm, phải nói là nghèo nhất trường tôi, anh chị em mất hết rồi giờ chỉ còn hai chị em sống côi cút bên nhau trong căn nhà tập thể của trường suốt mấy chục năm. Nhưng dì cũng là người giàu tình cảm nhất trường tôi thì phải. Nhờ dì mà trường tôi luôn sạch sẽ từ ngoài cổng vào cho đến tất cả các lối đi. Dì hay bảo:

– Mấy thầy cô bận rộn nhiều, dì làm được việc gì giúp đỡ cho được là lòng vui lắm, mấy đứa đừng để tâm.

Nhìn vóc dáng gầy guộc, thấp bé, tướng đi lại tất bật, ai cũng bảo số dì Út vất vả. Song có gần gũi mới biết được sự lo âu tất bật của dì Út không hẳn là chuyện mưu sinh, mà phải chăng dì Út đã xem những việc mình làm cho nhà trường như một sự gắn bó nặng nợ ân tình. Nhiệm vụ chính của dì là làm lao công và tạp vụ của trường. Nhưng tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn và bảo vệ của công thì rất cao.

Mới tờ mờ sáng, dì đã tất bật với công việc của mình. Nào giội cầu, dẫn nước, tưới vườn hoa, cây cảnh… và cả việc nấu ấm nước sôi pha trà, sắp xếp ngay ngắn bàn ghế trong các phòng làm việc, Út cũng đã hoàn thành trước giờ tiếng trống trường vang vang báo hiệu. Trường tôi khá rộng, hơn ba mươi lớp, học sinh khá đông, mỗi em mỗi tính ý, nhưng em nào cũng yêu quý bà fì của trường.

Cứ sau mỗi giờ ra chơi, dì lại quét, lại xối, nhờ thế mà nhà vệ sinh chẳng bao giờ bay mùi hôi cả. Út sống nội tâm, ít trải lòng với mọi người về cuộc sống riêng tư của mình. Nhưng thấy ai có gì buồn phiền là lại lấy mình làm nơi để trò chuyện, tâm sự. Thấy em học sinh nữ ngồi khóc mùi mẫn bên gốc bàng sau hè, Út liền ngừng công việc nhổ cỏ của mình đến bên trò chuyện.

– Con nhớ mẹ quá bà Út ơi! Mẹ con bỏ con mà đi rồi.

– Nín đi con, mai mốt mẹ sẽ về thôi mà.

– Ứ ừ… mẹ chết rồi làm sao mà về được.

Tiếng nấc nghẹn ngào và tiếng thổn thức của em làm Út đau nát con tim, nó như muôn ngàn mũi kim đâm vào trong lòng, bởi lẽ… mẹ của Út cũng mất rồi còn đâu. Mẹ Út mất khi Út còn rất nhỏ, vì phát súng của tên giặc ác ôn ngày đó. Hai bà cháu mắt đỏ au, nhìn nhau rồi cùng động viên nhau chấp nhận gánh nỗi đau mất đi người mẹ.

Lời Út nhẹ nhàng sâu lắng quá, nó trong như giọt sương thu đang treo trên cành lá và ngọt ngào như tiếng mẹ khuyên con. Em học sinh nữ ấy chùi nước mắt rồi vui vẻ cầm tay Út đến bên khóm hoa nhổ cỏ, bắt sâu. Hai dáng người cùng cảnh ngộ giống nhau, cùng đồng cảm nên sum vầy là dễ hiểu.

Mỗi giờ giải lao, Út lại châm nước thêm để thầy cô ngồi trò chuyện, câu hỏi thăm, câu động viên, cả lời khen học sinh lớp này ngoan thật:

– Chúng nó thấy Út xách nước nặng liền chạy theo giành xách giùm.

Mỗi góc hành lang, mỗi bóng mát là những chỗ ngồi túm tụm, học sinh đang dõi theo những việc Út đang làm. Út nhỏ nhắn, chiều cao khiêm tốn, vậy mà có sức khỏe dẻo dai vô cùng. Bàn tay Út diệu kỳ thật đấy, như bà tiên ban xuống phép nhiệm mầu. Ăn không tiêu, Út cho uống chút nước gừng pha mật ong hay chút nước chanh muối nóng, thế mà một chút là hết ngay. Rồi tôi bị cảm, khắp mình đau như tê như dại, Út liền  lấy gừng cạo gió cho là thấy nhẹ người ngay. Có đồng nghiệp đùa:

– Út là y tá của trường mình đó, người rất mệt, thế mà Út xoa bóp giùm là khỏe ngay.

Cả đời Út suốt đời vì công việc, tận tụy với nghề chẳng có chút phiền lo. Thấy lớp nào lỡ quên chưa đóng cửa, Út lại đến đóng giùm để trời tối muỗi khỏi vô. Nhìn Út thế mà tình cảm lắm. Hôm 20-11 năm đầu tiên tôi mới về trường nhận công tác, tôi hướng dẫn học sinh lớp mình chủ nhiệm tặng dì Út bó hoa thế mà dì lại khóc và ôm học sinh vào lòng thật xúc động. Lần đầu tiên trong đời Út nhận được hoa do học sinh tặng nhân Ngày nhà giáo Việt Nam đấy. Út vui như trẻ lại mấy lần, đi đâu cũng khoe học sinh trường mình ngoan lắm.

Út bày cho các em học sinh chơi nhiều trò dân gian lắm, nào nhảy dây, làm trâu nghé, cướp cờ… nhờ vậy nên những trò chơi luôn lan rộng và đâu đâu cũng đầy ắp tiếng cười. Một không khí thật vui và thân thiện đúng tiêu chí mà Bộ Giáo dục – đào tạo đã ban hành. Thế mà sáng hôm ấy chúng tôi vừa vào cổng nhận được tin Út nhập viện cấp cứu rồi.

Nhìn Út với thân hình thấp bé, tiều tụy nằm thở oxy mà sao dạ quá bồi hồi. Dì Út ơi, cố gắng lên dì nhé, chúng con mãi mãi rất cần dì. Hàng phượng vĩ sao bất ngờ thay lá, cây bàng buồn lá đỏ mấy ngày qua, đàn chim buồn không thèm kêu ríu rít, hoa cỏ buồn không thiết uống sương đêm. Ngày tiễn Út bầu trời như sắt lại, đám côn trùng ngưng cất tiếng nỉ non. Dì Út ơi, sao chẳng cười cùng con nữa, tiếng thì thầm thoang thoảng cùng gió đưa.

Cả trường lặng lẽ bồi hồi đứng lặng im nghe đọc lời truy điệu, mà sao sống mũi thật là cay. Đưa tiễn Út người người về đông lắm, Út là người thân của tất cả mọi người. Làn khói nhang nghi ngút đã đưa hương nên con trẻ cùng người đi đường bị cay mắt, nước mắt nhòe mi vì nhớ Út thật nhiều. Những giọt nước mắt tràn mi vì thương Út vừa có căn nhà nhỏ, ngôi nhà tình thương cả trường đã dành cho.

Vậy sao Út không nán thêm vài năm nữa mà vội vã ra đi trong niềm tiếc thương vô bờ. Ngày đưa tiễn học sinh về đông lắm, vì Út là chỗ gởi gắm bao tình thương. Bao nén nhang thắp lên là bấy nhiêu lời thổn thức suốt chặng đường dài vượt khó, qua sông, qua phà, cuốc bộ. Gần trăm cây số, đưa Út về quê cùng sum vầy bên bố mẹ mà cả chặng đường dài tiếng khóc sụt sùi cứ theo chân.

Con xin Út cho thầy trò con mãi được giữ hình ảnh yêu thương và cảm xúc của đời người. Con xin gởi Út nhiều bó hoa dài theo năm tháng, đó chính là những bó hoa nghĩa tình ngày 20-11 gởi trao, và cả những bó hoa xinh đẹp nhất, để chúng con tặng Út suốt cuộc đời, Út nhé!

Hôm nay con mượn sự trải lòng của cuộc thi Nét bút tri ân để gởi đến vong linh của Út lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất. Có lẽ dưới suối vàng Út đang mỉm cười và cảm nhận được lời cảm ơn con đã gởi đến cuộc thi rồi. Hãy yên nghỉ Út nhé.

TRẦN THỊ TUYẾT LƯU (Nguồn netbuttrian.vn)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.