Tiền “bo”, phần trăm là đương nhiên với hướng dẫn viên du lịch

(Dân trí) – Điều đó được nhiều độc giả, nhất là những người làm trong ngành du lịch khẳng định trong phản hồi sau khi đọc bài viết “VAT” đang làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam của Ths Trần Văn Anh (Quảng Nam). Hai độc giả dưới đây phân tích về các khái niệm này. >>  “VAT” đang làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam >>  Nói vậy không công bằng cho HDV du lịch

Hướng dẫn viên du lịch đang giới thiệu về TPHCM với khách du lịch Hàn Quốc (ảnh: baoyenbai.com.vn) 

Nguyễn Thanh Phương ngthphuong26383@yahoo.com.vn nêu rõ:

 

… Trước hết về vấn đề tiền ”bo” (đây là từ có nguồn gốc từ tiếng pháp từ ”pourboire” có nghĩa là tiền cho để uống nước hoặc uống cà phê theo văn hóa Việt ). Bài viết nói đây là vấn đề âm ỉ trong ngành du lịch. Nhưng xin thưa: đây là tiền mà hướng dẫn viên phải có, vì sao?

 

Hãy nghĩ rằng mỗi ngành nghề đều có gì đó tuy là phụ,  nhưng để sống thì người ta mới bám với nó. Không ngành nghề nào mà không có những khoản thu nhập phụ, thì ngành nghề hướng dẫn cũng thế, đó là tiền ”bo” hay tiền ”tip” và tiền hoa hồng từ các cửa hàng.

 

Nếu bạn là người trong nghề này, bạn mới thấy hết được sự cực khổ, khó nhọc từ nghề này (đương nhiên thì nghề nào cũng có những khó khăn riêng, nhưng ở đây tôi đề cập sự khó khăn đặc thù của nghề hướng dẫn viên du lịch).

 

Trước hết, nếu làm nghề này phải thức khuya và dậy sớm, có khi là nửa đêm có khi là 1 hay 2 giờ sáng để đi đón khách. (Với tôi, nhiêu đó thôi đã đủ để nhận tiền ”bo” mà chưa cần tính đến tour diễn ra có tốt không hay là không tốt).

 

 Thứ nữa, khi mọi người vui chơi, vui vẻ cùng gia đình và người thân thì hướng dẫn viên chỉ có một minh rất cô độc, khi làm việc phải thường xuyên xa nhà và người thân. Thêm nữa vào các ngày lễ tết khi người khác đi chơi, hướng dẫn viên phải làm việc.

 

Mọi người có nghĩ đó là điều tất nhiên, nhưng tôi nói là đó là suy nghĩ sai lầm vì ai cũng như ai – mọi người đều có quyền  như nhau. Nhưng vì đồng tiền và vì áp lực công việc họ phải làm, nếu không lấy ai mà phục vụ cho quý vị.

 

Nghề hướng dẫn viên là nghề thu nhập không ổn định như các ngành khác, họ chỉ kiếm tiền được trong những tháng cao điểm. Xin nói thêm là tiền ”bo” đối với khách người Việt khi đi du lịch thì thích cho thì cho, không cho thì thôi. Chứ ở các nước điều ấy là bắt buộc cho dù tour đó có diễn ra tốt hay không tốt. Nếu mọi người đi du lịch Thái Lan hay Singapore thì sẽ thấy họ sẽ thu tiền “bo” không thiếu một xu cho dù là tour đó tốt hay không tốt.

 

Còn vấn đề tác giả nói là người có tiền thì được săn sóc chu đáo, người không có tiền hay nghèo thì bị nhìn với con mắt ”ghẻ lạnh” –  Tôi hoàn toàn không đồng ý, vì hướng dẫn viên họ làm việc với đoàn, kiến thức truyền đạt đến cũng là cho cả đoàn. Có chăng là bản thân người nghèo cứ tự cảm nhận là mình bị đối xử khác, vì sao? Vì những người có tiền tới khu du lịch họ mua này kia hay chơi trò chơi, thì hướng dẫn viên họ phải hướng dẫn là điều đương nhiên. Còn người không chơi thì không nhận được sự chăm sóc này cũng là điều đương nhiên. Nên suy ra họ tự cảm thấy bị phân biệt.

 

Còn vấn đề tác giả nói trong bài là mặc dù đã bỏ tiền mua trọn gói tour, nhưng khách vẫn phải bỏ ra những khoản tiền vô lý nhưng nhầm tưởng là có lý – Tôi nghe câu này hết sức bất bình. Tôi xin giải thích để tác giả rõ là: khi đi du lịch, công ty lo trọn gói thì đó cũng chỉ là tham quan, ăn uống, đi lại, khách sạn chứ không thể nào lo cho tiền mua sắm hay vui chơi được. Mỗi khu tham quan khi tới nếu có trò chơi thì ta phải móc hầu bao ra thôi.
 

Dẫn đoàn đi dã ngoại (ảnh: vtv6.com.vn)

Ví dụ như đi du lịch Nha Trang, nếu ai muốn đi dù lượn thì cũng phải tự trả, không có công ty nào trả tiền vui chơi hay chi xài cá nhân cả . Hoặc đi Thái Lan muốn xem chương trình biểu diễn của voi thì khách phải tự bỏ tiền thôi, vì đó nằm ngoài chương trình tour.

 

Tuy nhiên cũng phải nói trong số những hướng dẫn viên tận tâm với nghề, thì cũng còn có số ít những hướng dẫn viên như tác giả đề cập. Trân trọng! 

 

Phan Thành Bắc phanbac79@gmail.com cũng chia sẻ:

 

Về vấn đề tiền “bo”, về vấn đề phong cách làm việc của hướng dẫn hay vấn đề về du lịch ở Việt Nam. Xin giải thích thêm một số khái niệm đã được đề cập trong bài viết của thạc sĩ:

 

Tiền “bo” là một khoản tiền thưởng mà khách du lịch thưởng cho hướng dẫn và lái xe và những người làm trong ngành du lịch sau khi kết thúc tour. Khách hàng chỉ làm điều này khi họ thực sự hài lòng với những dịch vụ mà họ đã nhận được sau khi đi du lịch ở Việt Nam.

 

Tôi nghĩ, chắc rằng thạc sĩ đã” hiểu lầm” về khái niệm này. Đối với khách du lịch Việt Nam đặt tour đi du lịch nước ngoài, khoản tiền bo này đã bao gồm trong giá và đã được thông báo trước với khách hàng.

 

Tiền “bo” là một khoản thu nhập thêm của hướng dẫn viên, lái xe và những người làm trong ngành du lịch. Tiền “bo” khuyến khích những người này làm việc tốt hơn và mang đến dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.
 
Các hướng dẫn viên được đào tạo sẽ là nguồn lực quí giá cho du lịch Việt Nam (ảnh: yeudulich.vn)
 

Về phong cách làm việc của các hướng dẫn viên, thạc sĩ nói cũng có phần đúng về một bộ phận nhỏ các hướng dẫn viên làm việc không tốt với khách hàng.

 

Xin trình bày tiếp theo về những địa điểm mua hàng. Trong bài viết này tôi có cảm nhận rằng thạc sĩ đang đánh đồng tất cả các khách du lịch là những người kém hiểu biết, vì họ chỉ mua hàng ở những địa điểm mà hướng đẫn viên đưa vào và không có khái niệm so sánh về giá cả và chất lượng sản phẩm.

 

Xin lấy một ví dụ điển hình: ở Hội An  có hàng trăm cửa hàng buôn bán quần áo và các sản phẩm tơ lụa. Vậy tại sao khách du lịch chỉ mua ở cửa hàng mà hướng dẫn viên đưa vào? Họ cũng có quyền lựa chọn những sản phẩm tốt nhất với giá cả hợp lí nhất theo sở thích của từng người. Vậy nên không thể nói rằng các hướng dẫn viên ép khách để kiếm “VAT”….

 

Nhìn chung, tôi thấy bài này chỉ phản ánh đúng một góc cạnh rất nhỏ về du lịch nhưng còn có nhiều thông tin sai lệch vì thiếu tính sát thực (không đưa ra hướng dẫn viên, nhà hàng, công ty du lịch nào cụ thể). Bài viết cũng chỉ phản ánh một “góc tối” rất nhỏ của du lịch, mà lại không đề cập đến những nét đẹp, sự cống hiến , công sức góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam của các hướng dẫn viên, lái xe, các nhà hàng và của các công ty du lịch Việt Nam.

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.