Khóc cười chuyện phim trường nơi nhà dân

TT – Nghe chưa dứt câu hỏi về chuyện thuê nhà dân làm “trường quay”, một đạo diễn được phỏng vấn đã gạt phăng: vì nền điện ảnh nước nhà, xin đừng đưa chuyện bi hài thuê nhà dân làm bối cảnh phim lên mặt báo!

Khóc cười chuyện phim trường nơi nhà dân


Ngôi biệt thự ở đường 21, Q.2, TP.HCM là địa chỉ quen thuộc cho các đoàn phim. Trong ảnh: cảnh trong phim Cá cược cuộc đời – Ảnh: H.Lê

“Ấy là vì kể ra rồi, không khéo chúng tôi chẳng còn nhà dân để mà thuê, mượn nữa” – vị đạo diễn này sau đó vội giải thích.

Khổ sở với cảnh “xấu”

Luật bất thành văn đối với các đoàn làm phim khi đi thuê bối cảnh nhà dân làm phim trường là chỉ đề cập đến chuyện đẹp đẽ sẽ diễn ra trong phim, còn chuyện xấu (như nghiện hút, tham ô, giết người…) thì giấu nhẹm, bởi chẳng ai chịu cho đoàn phim quay tại nhà mình những cảnh như vậy.

“Nhiều khi chúng tôi cảm thấy mình giống như những người lừa đảo vậy. Nhưng biết làm sao được. Hoàn cảnh buộc mình phải thế” – đạo diễn Phương Điền thật lòng. Anh kể: “Những cảnh hoa hậu Mai Phương Thúy hút, chích xì ke trong nhà (phim Âm tính) đã tạo nên hiệu ứng rất thật. Thế nhưng quay những cảnh này rất khổ. Chúng tôi phải chờ chủ nhà đi vắng rồi quay thật nhanh. Vậy mà không hiểu ai báo cho chủ nhà biết, ông về rồi mắng chúng tôi một trận và không cho quay nữa. Báo hại chúng tôi phải năn nỉ, thuyết phục liên tục. May mà chủ nhà là thầy giáo hiền lành nên cũng dần nguôi ngoai”.

Còn theo đạo diễn Bùi Huy Thuần – đạo diễn phim Chủ tịch tỉnh: “Để quay được cảnh ba người chết cháy trong nhà (nào có ai muốn cho đoàn phim mượn nhà quay những cảnh xui xẻo đó), chúng tôi phải sử dụng luân phiên bốn nơi để quay”.

Phim đề tài xã hội đương đại đã khó, phim có bối cảnh xưa một chút lại càng khổ sở hơn nhiều. Sau nhiều giải thưởng dành cho phim Bí thư tỉnh ủy, đạo diễn Quốc Trọng đến giờ vẫn chưa “hoàn hồn” khi nhớ về quá trình tạo lại một bầu không khí nóng bỏng thời bao cấp. Nan giải nhất phải kể lại là… cái vỏ phích.

Đạo diễn kể: “Chúng tôi chọn được một ngôi nhà tranh vách đất ưng ý rồi thì đồ dùng vật dụng cũng phải thay lại hết. Ở nông thôn hầu hết người dân dùng đồ Trung Quốc là nhiều!”. Thế mới có chuyện khoan khoái kiếm được căn nhà có “mùi” bao cấp xong, đích thân ông đạo diễn phải hỏi người trong vùng tìm cho ra một người đan lại vỏ phích giống như ngày xưa, rồi mới mua ruột phích lắp vào. Hay có căn nhà phải thuê nhân công đắp thêm thành, tranh, tre, nứa, lá để biến thành lớp học thời xưa.

Tiền thuê không bằng… tình thương

“Ngày xưa dân thương, bưng trà ra đầu cổng làng đón đoàn phim. Bây giờ tâm lý chủ nhà cũng khác rồi” – đạo diễn Quốc Trọng chia sẻ. Họ e dè, thậm chí còn xua đuổi đoàn phim vì gây ồn ào, mất trật tự cho cuộc sống riêng tư của họ. Mà điều này cũng là lẽ thường vì mấy chục con người trong đoàn phim được xem là một xã hội thu nhỏ: có người tốt, kẻ xấu, người có ý thức, người lại không… Nhiều người dân ngậm đắng nuốt cay khi lỡ cho đoàn phim mượn nhà quay để rồi chứng kiến cảnh đoàn phim “càn quét” ngôi nhà của họ.

Tuy nhiên, có cầu ắt lại có cung. Tại TP.HCM đang hình thành nên những ngôi nhà chuyên về kinh doanh phim trường như biệt thự ở quận 2, Bình Thạnh, Thủ Đức… Và những ngôi nhà này đắt sô khủng khiếp. Một tháng 30 ngày thì hơn 2/3 thời gian đó là có đoàn phim đến quay. Dĩ nhiên là giữa họ và đoàn phim đều có hợp đồng rõ ràng về giá cả và những ràng buộc cụ thể để bảo vệ ngôi nhà. Giá cả dao động tùy chất lượng ngôi nhà, khoảng 2 triệu đồng/ngày.

Hỏi tới đâu, các đạo diễn cũng khẳng định thời nay không phải chuyện tiền thuê bao nhiêu, mà là chủ nhà có bao nhiêu tình thương… dành cho phim ảnh. Chưa kể những ngôi nhà biệt thự sang trọng, gia chủ là người có kinh tế, tiền thù lao không phải là điều kiện có thể thuyết phục họ cho thuê nhà làm bối cảnh. Đoàn phim chỉ biết hoàn toàn nhờ cậy vào những mối quan hệ thân tình và tình yêu điện ảnh, yêu văn nghệ của chủ nhà. Quan trọng nhất là không được phép làm căn nhà của họ bị đảo lộn. Chuyện xảy ra tương tự với ngôi biệt thự cổ đầy dáng dấp Đà Lạt trong phim Đồng tiền muôn mặt. Nhà sản xuất Huỳnh Công Danh cho biết: “Chủ nhà sẵn sàng không nhận 5-7 triệu tiền thuê một ngày nhưng đặt vấn đề hoặc đi ngay lập tức hoặc phải giữ nhà cho họ”.

Ngôi biệt thự ở đường 21, Q.2, TP.HCM có kiến trúc đẹp với nền nhà bằng gỗ, có hồ bơi, sân vườn… là một trong những “phim trường” quen thuộc của các đoàn làm phim. Chị Lan, chủ nhân ngôi nhà, cho biết không thể nhớ hết đã có bao nhiêu đoàn phim đến quay tại nhà mình. Có khi một ngày có đến hai đoàn phim chia sô nhau tới quay. Chị thật lòng: “Ban ngày chỉ có tôi ở nhà nên có đoàn phim đến cũng đỡ buồn đôi chút. Tuy nhiên cũng nhiều phức tạp lắm. Nhiều người không có ý thức nên làm hư hại nhà nhiều. Số tiền thu được dành phần lớn để sửa chữa tu bổ những hư hỏng mà đoàn phim đem đến”.

Sửa kịch bản vì chủ nhà

Việc thuê nhà dân làm phim trường dẫn đến những “bi kịch” cho phim Việt. Nhiều đạo diễn đã phải cay đắng chỉnh sửa lại kịch bản khi chủ nhà dứt khoát không cho quay cảnh làm “xấu” ngôi nhà mình. Như với phim Mẹ chồng của tôi, lẽ ra có cảnh chủ nợ đến nhà đòi nợ nhưng vì chủ nhà không đồng ý cho quay cảnh đòi nợ tại nhà, đạo diễn phải để nhân vật… đi trốn nợ. Chuyện phim vì thế cũng giảm đi kịch tính. Đối với khán giả thường xuyên xem phim Việt, hẳn sẽ ngán ngẩm khi phải thấy bối cảnh quen thuộc trong các bộ phim khác nhau. Thế nhưng lực bất tòng tâm.

Đạo diễn Phương Điền chia sẻ: “Nếu dùng nhà dân quay thì mỗi ngày tốn khoảng 3 triệu đồng. Còn dựng phim trường mất cả trăm triệu đồng. Vì thế với những bộ phim có độ dài khoảng 30 tập, việc chọn nhà dân quay là hợp lý về kinh tế nhất. Chỉ những bộ phim có độ dài trên 50 tập thì phương án phim trường mới khả thi”.

Bi hài chuyện đoàn phim chạy vòng thành phố để xin vào nhà dân quay phim vì thế vẫn còn tiếp diễn dài dài.

“Liệu cơm gắp mắm”

Nhà dân được thuê làm bối cảnh trong phim Bí thư tỉnh ủy – Ảnh: đoàn phim cung cấp

Nhiều hãng phim tư nhân đã và đang tìm kiếm để xây dựng cho riêng mình những phim trường theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”, chủ yếu để quay nội cảnh. Các phim trường như vậy có thể kể đến phim trường Hãng phim BHD ở Q.9, phim trường Hãng phim Chánh Phương ở Q.12, phim trường Hãng Vision 21 ở Q.1…

Mới đây nhất, Hãng phim Sena đã thuê và “biến” ngôi nhà dân cao hai tầng bỏ trống ở Q.6 thành một phim trường mini, dùng để quay bối cảnh nội các phim truyền hình và game show. Riêng Đài truyền hình TP.HCM có phim trường tại Củ Chi rộng 50ha. Nhưng cho đến nay phim trường này vẫn giậm chân tại chỗ, mới chỉ khai thác vài dự án làm phim của Hãng phim TFS. Còn phim trường quy mô lớn Happy Land Studio (Xứ sở hạnh phúc) vừa khởi công tại Long An dự kiến phải đến tháng 4-2014 mới đi vào hoạt động.

Khu vực phía Bắc thì ì ạch, có những dự án sớm tan như trường quay tư nhân Focus 300. Gần đây nhất, đạo diễn Trần Lực đánh tiếng đã thuê được gần 10.000m2 đất ở Gia Lâm với thời hạn thuê 50 năm để xây dựng một trường quay nhỏ.

HOÀNG LÊ – NGA LINH

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.