Khách lạ” trong thế giới ảo – Kỳ 6: “Hoàng đế” của thế giới ảo

TT – 27 tuổi, Lim Yo Hwan cả ngày chơi game trên máy tính, kiếm được thu nhập sáu con số và có cả lượng người hâm mộ gần 600.000 người, chỉ thua ban nhạc huyền thoại Hàn Quốc H.O.T.

Khách lạ” trong thế giới ảo – Kỳ 6: “Hoàng đế” của thế giới ảo

Quang cảnh một sự kiện thi đấu Starcraft tại Hàn Quốc – Ảnh: Fightenforum

Thánh địa của trò chơi điện tử

Lượng người xem những trận thi đấu game đã tăng vọt từ 3 triệu năm 2000 lên 6,5 triệu năm 2001. Những tập đoàn cỡ “bự” như Coca-Cola, Olympus và Gillette đã nhanh chóng chộp lấy cơ hội tài trợ những giải đấu kéo dài ba tháng với khoản tài trợ khoảng 40.000 USD cho mỗi giải đấu.

Năm 2009, Công ty SK Telecom đã có khoản tài trợ 1,5 triệu USD cho một giải đấu kéo dài chín tháng. Liên đoàn game thủ Hàn Quốc cũng có số lượng thành viên lên tới 170 người.

Trong một trường quay đông nghẹt tại Seoul, Hàn Quốc, Lim đã sẵn sàng cho trận chiến trong một bộ trang phục kiểu lính màu trắng với những cầu vai cầu kỳ, mái tóc bồng bềnh của anh làm nổi bật cái tai nghe màu bạc lấp lánh. Gõ điên cuồng vào bàn phím,

Lim xây dựng một đế chế ảo và phát động một cuộc tấn công táo bạo vào lực lượng của kẻ thù trên một thiên hà tưởng tượng và đánh bại chúng. Tất cả diễn ra chỉ vỏn vẹn trong năm phút.

Được phát trên kênh truyền hình cáp, tất cả mọi cử động của Lim đều hiển thị trên màn hình trước 300 người hâm mộ có mặt trong trường quay. Họ tung hô anh, đập mạnh những dụng cụ tạo tiếng ồn có trên tay để cổ vũ. “Tôi chưa bao giờ bỏ lỡ một trận nào của anh Lim”, một cô gái 28 tuổi hâm mộ Lim cuồng nhiệt đến mức đã đứng suốt 14 giờ ở cổng vào để có được chỗ ngồi ở hàng đầu tiên.

Khi những trò chơi điện tử thu hút những bản hợp đồng khủng từ những liên đoàn thể thao, Hollywood và những nhà quảng cáo thì số lượng game thủ tham gia những sân chơi chuyên nghiệp ở Hàn Quốc ngày càng tăng.

Mức lương dành cho họ đặc biệt béo bở ở Hàn Quốc, nơi mà cộng đồng những tay chơi chuyên nghiệp có thể kiếm sống và trở nên giàu có. Giờ đây trò chơi mà họ tham gia được nâng lên ngang hàng những môn thể thao như bóng đá, cờ vua với danh xưng mỹ miều hơn: thể thao điện tử (e-Sport).

Tại Hàn Quốc có ba kênh truyền hình cáp chiếu các trận thi đấu e-Sport suốt 24 giờ một ngày. Những trận đấu trực tiếp diễn ra hằng tuần tại Seoul và lôi kéo ngày càng nhiều người xem, không kém gì sự bùng nổ của phim Hàn Quốc. “Thánh địa trò chơi điện tử” này còn thu hút cả những thanh niên trẻ, những người bị cám dỗ bởi danh vọng và sự giàu có trên khắp thế giới.

Năm ngoái Lim đã kiếm được khoảng 300.000 USD từ những hoạt động thương mại. Một game thủ kiếm tiền hàng đầu khác là Hung Jin Ho có những ngón tay được bảo hiểm 60.000 USD và gần đây đã ký một bản hợp đồng ba năm với một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông với khoản thù lao kếch sù lên tới 480.000 USD.

Trò chơi điện tử bắt đầu du nhập vào Hàn Quốc cách đây bảy năm khi chính quyền nước này trang bị hệ thống đường truyền Internet tốc độ cao trên toàn quốc. Thay vì mua những máy chơi game cầm tay hay máy chơi game có bảng điều khiển đắt tiền, lại không sẵn có ở Hàn Quốc, thanh thiếu niên Hàn Quốc bắt đầu làm quen với trò chơi trực tuyến trên Internet.

Những công ty mà khởi đầu là Samsung rồi đến Coca – Cola bắt đầu nghĩ đến việc tài trợ những giải đấu và thỉnh thoảng đỡ đầu những đội chơi. Ngày nay có cả một hệ thống phát hiện và huấn luyện những nhà quán quân tiềm năng gồm những huấn luyện viên và những chuyên gia săn tìm tài năng trẻ đặt dưới sự bảo trợ của Liên đoàn game thủ chuyên nghiệp Hàn Quốc.

“Công việc, không phải trò vui”

Lim Yo Hwan đã nói như vậy về việc chơi game của mình. Những game thủ chuyên nghiệp được bảo trợ như Lim Yo Hwan sống cùng những game thủ khác trong một đội thi đấu và có chế độ luyện tập nghiêm ngặt hệt như những tín đồ võ nghệ rèn luyện võ công. Anh tập luyện mười tiếng một ngày cùng tám đồng đội khác dưới sự giám sát của huấn luyện viên trong một căn hộ nhỏ bé, cũng là nơi ở của họ ở nam Seoul.

Năm 2009, đội chơi của Lim có tên là T1 đã “đổi đời” sau khi được Công ty SK Telecom, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Hàn Quốc, nhận bảo trợ thay thế nhà bảo trợ trước, ngay sau đó họ đã chuyển tới một căn hộ tiện nghi hơn.

Đội chơi mà Lim đang tham gia chuyên thi đấu trong Starcraft, một trò chơi chiến lược kiểu pha trộn giữa cờ vua tốc độ cao và sự mạo hiểm. Những người chơi sẽ lãnh đạo một trong ba chủng loài ngoài hành tinh trong một vũ trụ ảo do máy tính tạo ra và phải nỗ lực để tập hợp quân đội, vũ khí tiêu diệt kẻ thù. Một trận đấu thông thường kéo dài khoảng 15 phút.

Căn hộ nơi đội T1 sống gần như chỉ có những vật dụng tối thiểu với vài hộp bánh pizza và một dãy máy tính nơi họ nướng gần hết thời gian không ngủ vào đó. Ở đó Lim trải một cái nệm ra ngủ và để phần lớn đồ đạc của mình trong những cái thùng và túi. Đồng phục đội chơi của anh và những trang phục khác dành cho những dịp xuất hiện trước công chúng được làm từ nilông dãn tự do.

Như phần lớn những game thủ đáng gờm khác, Lim chơi nhiều giờ vào ban đêm và ngủ gần như cả ngày. Trước khi tham gia một đội chơi chuyên nghiệp, Lim từng chơi bóng rổ nhưng không còn chơi nữa từ bốn năm trước vì sợ chấn thương ngón tay.

Những ngón tay cần phải di chuyển thật nhanh mới hòng giành chiến thắng trong những giải đấu. Một chỉ số mà những game thủ chuyên nghiệp dùng để đánh giá khả năng là APM – số thao tác trung bình mà người chơi có thể thực hiện trong 60 giây. Trong Starcraft, những người chơi thông thường có APM 50-70. Lim nổi tiếng vì anh có thể đạt tới APM 400 trong một số lần chơi, tức khoảng 6,6 cử động trong một giây.

Ở tốc độ “sấm sét” như vậy, tính toán và bản năng hòa làm một. Người hâm mộ khẳng định những động tác của Lim có thể ví là một nghệ thuật, được những tín đồ của Starcraft học tập theo như thể những người chơi cờ vua bắt chước những nước cờ của Garry Kasparov – đại kiện tướng cờ vua người Nga được ví là kỳ thủ mạnh nhất trong lịch sử. Một DVD quay lại chi tiết những trận thắng của Lim đã bán được 30.000 bản tại Hàn Quốc vào năm 2008.

Tủ lạnh của anh đầy ắp những hũ đựng món kim chi truyền thống tự làm, trên tường treo đầy những mẫu vải thêu cầu kỳ và trong phòng tắm chất đầy những sản phẩm chăm sóc da. Tất cả đều là quà tặng của những chị em hâm mộ Lim.

Cách đây bảy năm, phần lớn người chơi Starcraft là những thanh thiếu niên chỉ chơi cho vui. Sự phát triển chóng mặt của những cybercafe hay còn gọi là PC Bangs – những quán cà phê Internet – nơi người chơi tụ họp và đua tranh đã làm Starcraft phổ biến rộng rãi một cách nhanh chóng. Nhiều giải đấu thu hút cả trăm ngàn khán giả tới cổ vũ.

VŨ THỦY tổng hợp

 ————————————

Khi lớp học nhạc ngày càng thưa vắng học sinh, một cô giáo dạy nhạc tại Atlanta, Mỹ đã gia nhập thế giới ảo, trở thành nữ nghệ sĩ biểu diễn và kiếm được hơn 10.000 USD mỗi năm.

Kỳ cuối:  Mưu sinh nơi cõi ảo

 ————————————

* Tin bài liên quan:

>> Kỳ 1: Mê con ảo, bỏ bê con thật
>> Kỳ 2: Cuộc sống ảo và cái chết thật
>> Kỳ 3: Cơn sốt thần tượng ảo
>> Kỳ 4: Nỗi bất hạnh từ game online
>> Kỳ 5: Người mê tình ảo

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.