TT – Câu chuyện thú vị về hai ngôi làng cách nhau hơn 100km nhưng giống hệt nhau trong quan niệm bảo vệ rừng…
Linh hồn của làng
Những hàng mưng cổ thụ của làng Phú Thọ – Ảnh: Quốc Nam |
Cụ Nguyễn Văn Tám khoe gốc mưng cổ thụ hàng trăm năm tuổi của làng Siêu Quần – Ảnh: Vinh Hà |
Đó là làng Siêu Quần (xã Phong Bình, Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) và làng Phú Thọ (xã An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình). Cả hai làng đều có một rừng cây lộc vừng cổ thụ hàng trăm tuổi và dân làng đã gìn giữ rừng cây như linh hồn của chính mình.
“Lộc vừng được giới cây cảnh xem là cây phát tài phát lộc nên giá trị rất cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào giá trị của lộc vừng cũng được tính bằng tiền…” Ông Trần Đức Tài, chủ tịch UBND xã An Thủy |
Tiền tỉ cũng không màng
Cụ Nguyễn Văn Tám, hội chủ làng Siêu Quần, cho biết rừng mưng (người miền Trung gọi lộc vừng là mưng) của làng được trồng từ hơn 500 năm trước, kể từ ngày lập làng. “Vào nửa đầu thế kỷ 15, dưới thời Lê sơ, ngài khai canh họ Trương từ đất Hà Nam theo dòng lưu dân vào khai phá vùng Thuận Quảng đã nhắm cồn đất xung quanh là đầm lầy làm nơi định cư. Sau đó, ngài trở về quê rủ thêm các dòng họ khác vào khai khẩn đất hoang lập nên làng Siêu Quần. Việc đầu tiên của các bậc tiền nhân của làng là tiến hành đắp đê, trồng cây mưng thành ba vòng bao quanh làng để chắn sóng gió, giữ đất, giữ làng…” – cụ Tám kể về gốc tích rừng mưng làng mình.
Các cụ cao niên trong làng Siêu Quần rất tâm đắc về khả năng chịu đựng của cây mưng, cây có tuổi thọ đến hàng trăm năm, thân dẻo có thể chống chọi lại gió bão và sống được trong môi trường bị ngập nước… rất phù hợp với đất làng. “Cha ông đã tính toán khá kỹ khi chọn cây mưng làm lá chắn bảo vệ làng, đã có nhiều cơn bão mạnh quét qua nhưng rừng mưng vẫn trụ vững để dân làng được yên bình. Như trận lụt lịch sử 1999 làm các làng xung quanh hoang tàn, hàng chục người bị lũ cuốn chết, còn làng tui được rừng mưng bao bọc nên không ai bị hề hấn chi cho dù làng là nơi bị ngập sâu nhất” – cụ Tám phấn khởi kể.
Dẫn chúng tôi đi tham quan rừng mưng bao quanh làng, cụ Tám cho biết hơn 20ha rừng mưng, chiếm 1/5 diện tích của làng, vẫn được bảo vệ gần như nguyên vẹn. Trên những con đê, hàng ngàn cây mưng cổ thụ chạy dài dọc cánh đồng, vắt ngang qua những hói nước ngập sâu, xanh mướt một màu. Ở đoạn cuối làng, bao quanh miếu Bà là một “cánh rừng” mưng với những thân cây đại thụ lớn hai ba người ôm.
Những cây mưng già, vỏ xù xì, với đủ kiểu dáng, buông xõa những chuỗi hạt dài đu đưa trong gió như có bàn tay tạo dáng từ mấy trăm năm trước. Xuân về, rừng mưng đua nhau trổ chồi non xanh mướt. Cụ Tám cho biết do làng sở hữu rừng cây cảnh quý nên hằng ngày có nhiều thương lái và những “đại gia” chơi cây cảnh từ mọi miền Bắc – Nam đến gạ để mua cây. “Làng đã quyết rồi, bao nhiêu tiền đi nữa cũng không bán, dù chỉ một cây!” – cụ khẳng định.
Bán cây là bán làng
Còn làng Phú Thọ có đến 33% là hộ nghèo và cận nghèo. Dù làng sở hữu 2,5ha với hàng trăm gốc mưng cổ thụ giá trị lên đến hàng chục tỉ đồng nhưng làng nhất quyết không bán một cây nào.
Trong vai một doanh nhân muốn mua vài gốc mưng về làm cảnh với giá cao, chúng tôi điện thoại đến UBND xã An Thủy. Người tiếp chuyện chúng tôi là ông Nguyễn Văn Ngọ, cán bộ văn phòng ủy ban và là người dân của làng Phú Thọ, lắc đầu quầy quậy: “Anh có mua bạc tỉ cũng không ai dám bán, vì đó là hồn của làng”. Vẫn chưa tin, chúng tôi cất công về ngôi làng nghèo bên dòng Kiến Giang hiền hòa. Những gốc mưng đại thụ với các vết sần sùi, có những cây đường kính đến hơn 1m, nằm thẳng tắp bên bờ ruộng. Gần 400 cây đại thụ ngay hàng thẳng lối do người làng trồng gần 400 năm trước vẫn đứng hiên ngang.
Chúng tôi lại hỏi mua, và ông trưởng thôn Lê Văn Tiến cười bảo: “Ngày nào cũng có người về đây hỏi mua mưng. Thậm chí mấy năm trước còn có một “đại gia” đến trả hàng chục tỉ đồng để mua hết toàn bộ. Chẳng lẽ chúng tôi lại bán cái làng mình đi à?”.
Từ năm 2000 đến nay, cây mưng bỗng dưng lên giá. Rừng cây này trở thành miếng mồi ngon để những kẻ xấu luôn “nhòm ngó”. Nhiều lần kẻ xấu đột nhập vào làng đào trộm mất mấy gốc mưng. Đau đứt ruột, người làng họp lại bàn bạc, cuối cùng quyết định thành lập một đội chuyên bảo vệ bầu mưng do ông Nguyễn Văn Kỳ, chi hội trưởng hội cựu chiến binh thôn, làm tổ trưởng. Không có ngân quỹ để hoạt động nhưng kiên quyết giữ “hồn làng”, người làng lại quyết định góp mỗi người vài cân thóc để trả công cho đội bảo vệ này. Đội có năm thành viên, đi tuần ở bầu mưng hằng đêm và được trả 2,5 tạ thóc một năm. Nhưng không ai nề hà. Bước chân của đội bảo vệ đã ngăn chặn được rất nhiều vụ trộm cây.
Như cuối năm 2009, một nhóm năm kẻ xấu ở vùng lân cận đã đột nhập bầu mưng đào trộm một gốc cổ thụ. Bất chấp trời mưa gió, đội bảo vệ mưng đã cùng dân làng bao vây chặn đường nhóm trộm khi chúng vừa kéo cây đi. Sự việc ngay sau đó được báo cho Công an huyện Lệ Thủy và nhóm trộm phải ra trước vành móng ngựa. Ông Châu Văn Sơn, một lão làng, kể: “Chặn bắt xong vụ trộm, tất cả dân làng đều ướt nhẹp. Nhưng ai cũng hỉ hả bởi hồn làng đã được giữ lại kịp thời. Kẻ trộm sau đó bị buộc phải mang cây về trồng lại chỗ cũ”.
Bảo vệ bằng hương ước Trong hương ước xưa của làng Siêu Quần có những quy định rõ về bảo vệ, chăm sóc rừng mưng, cấm không ai được xâm phạm, chặt phá, đốn củi dù chỉ một cành nhỏ. Mới đây, một người dân trong làng chỉ bứng một cây mưng nhỏ về nhà trồng nhưng bị dân làng phát hiện. Do vi phạm hương ước của làng nên người này đã bị xử phạt 500.000 đồng, buộc mang mâm cau trầu xin lỗi làng và bị nêu tên trên loa truyền thanh của xã. |
T.LỘC – V.HÀ – Q.NAM
Source: Báo Tuổi Trẻ